Câu chuyện sinh con vỡ kế hoạch không chỉ xảy ra ở các tỉnh miền cao mà ngay tại thủ đô Hà Nội, gia đình chị Nguyễn Thị Hải cũng sinh được 14 người con. Cháu lớn năm nay 27 tuổi, cháu nhỏ nhất sinh cuối năm 2013.
Chị Hải dù 48 tuổi nhưng già hơn vì vất vả.
Chồng cấm đi triệt sản
Gia đình chị Nguyễn Thị Hải sống ở một căn nhà cấp 4 rộng 30 mét vuông ở thôn Cổ Bản, Phường Đồng Mai, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Khi chúng tôi đến nhà, chị Hải đang ở nhà với cả cháu nội, cháu ngoại và các con của mình, tất cả là 9 cháu nhỏ. Còn những cháu lớn hơn đi làm bên ngoài, cháu thì đi kéo lưới bắt cá. Cả gia tài đập vào mắt chúng tôi đó là chiếc phản dài để choán hết nửa diện tích căn nhà, là nơi ngủ nghỉ của đại gia đình 17 miệng ăn.
Chị Hải sinh ra và lớn lên ở phường Yên Nghĩa. Năm 1988 chị kết hôn với anh Ngô Doãn Năm ở thôn Đồng Mai. Vợ chồng nghèo khó không có miếng đất cắm dùi nên anh chị ra đồng làm và dựng lều bạt lên ở giữa cánh đồng. Cứ như thế, đứa con gái đầu tiên của anh chị ra đời năm 1989 và 3 năm 2 đứa, anh chị lỡ kế hoạch đều đặn.
Các con của chị ngủ chung trên chiếc phản dài
Nhiều người hỏi chị “sao không kế hoạch, không đặt vòng hay triệt sản”, chị thở dài: "Có khi nào ở nhà đâu, ngủ ở đồng, ăn ở đồng. Hầu như với vợ chồng tôi, ốm cũng không được nghỉ và cứ sinh đứa này ra, một thời gian sau phát hiện có thai thì đã thành hình người. Cứ như thế cho đến khi sinh đến cháu thứ 14. Lúc ấy, chồng tôi đã ốm yếu không đi làm được rồi nhưng vợ bầu bí anh vẫn bảo “con người hơn nhau ở nhân và đức, nó là con mình phải đẻ ra để nó làm người”".
Nhớ lại lúc sinh xong cháu Ngô Doãn Nhất, là con thứ 6 của anh chị, chị Hải đã được y tế xã động viên đi triệt sản. Nhưng khi chị Hải ra trạm y tế để kế hoạch thì chồng chị ra báo công an, rồi anh chửi cả bác sĩ, không cho vợ thực hiện kế hoạch hoá gia đình. Bác sĩ đành để chị Hải ra về và 13 năm sau anh chị sinh thêm 8 cháu nữa.
Nhìn gương mặt chị Hải 48 tuổi nhưng già dặn, đen sạm vì nắng gió. Chị Hải kể thời gian của chị ở ngoài đồng nhiều hơn ở nhà. Căn nhà bộn bừa chẳng có gì đáng giá ngoài cái tivi 14 inch đời cũ và chiếc nồi cơm điện được 1 người cháu gửi cho.
Chị Hải chỉ từng đứa con mình giới thiệu: Nào là em Nhất, em Phúc, em Đức, em Nguyệt, em Tươi, em Sáng, em Nhân. Nói đến đây, chị Hải rơi nước mắt khi chỉ tay lên bức ảnh của bé Ngô Thị Út Thảo, cô con gái cuối cùng của chị đã mất cách đây hơn 2 năm khi cháu được 13 tháng tuổi vì bệnh não úng thuỷ, giãn não, lao màng não.
Trên bàn thờ còn có hình ảnh anh Năm, người chồng 28 năm bên cạnh chị đã qua đời vào tháng 3/2016 vì ốm nặng. Người bé út nhà chị mất được hơn 1 năm thì anh Năm mất và cách đây 1 tuần, đứa cháu nội của chị Hải vừa sinh được 8 ngày cũng đột ngột qua đời trong đêm mưa rét của cơn bão số 1.
Chị phải làm công việc thay cả người chồng đã khuất.
Đến tuổi 48, chị thấy mình yếu hơn trước nhưng gánh nặng trên vai chị còn rất nhiều vì chị phải nuôi cả cháu nội, cháu ngoại. Cháu Bảo là con trai của Ngô Thị Hà, người con gái lớn của chị Hải. Sau khi ly hôn mẹ cháu đã bỏ đi biệt tích, để lại con cho chị Hải nuôi.
14 lần sinh đẻ không cần đến trạm y tế
Nhìn các em chỉ nhỉnh hơn nhau vài cm, có những cháu sinh năm 2001, 2003 giờ cũng chỉ học chung một lớp 6. Dù các cháu được miễn học phí nhưng cháu nào cũng chỉ cố gắng học được đến cấp 2 để biết mặt chữ. Với chị Hải “các con được sống với mẹ đã là niềm vui rồi”.
Quần áo của các con chị giăng kín lối.
Khi các cháu còn nhỏ có ông ngoại chăm. Sau này cứ cháu lớn trông cháu bé. 14 lần sinh đẻ lần nào không đẻ rơi thì cũng đẻ ở nhà chứ chị Hải chẳng biết đến trạm y tế là ở đâu. Lần sinh nào cũng do chồng chị cắt rốn. Các con của chị, duy nhất chỉ có cháu Ngô Doãn Nhân, cháu bé thứ 13, được tiêm phòng 1 mũi nhưng là mũi gì chị Hải cũng không nhớ nốt. Còn lại, các cháu khác đều không biết một mũi tiêm nào.
Chị Hải gắng gượng qua nhọc nhằn vất vả. Nhiều người cũng ướm hỏi xin bớt bé làm con nuôi nhưng chị từ chối hết. Với chị, khi nào mẹ của các con còn sống thì chị sẽ nuôi các con không cho ai, không gửi vào chùa. Các con chị cháu nào cũng quấn chặt lấy mẹ không rời. Mỗi lần cháu nào khóc, mè nheo là bị doạ cho đi làm con nuôi, các cháu sợ hãi không dám hờn dỗi nữa. Bản thân chị Hải cũng chưa bao giờ đi khám bệnh cho mình cả, chiếc thẻ BHYT được phường cấp theo hộ nghèo nhưng đến nay chị cũng chưa dùng lần nào.
Giờ đây, mỗi ngày bằng mọi cách chị phải kiếm được 1 yến gạo, chỉ cần có gạo là chị nuôi được con mình.