Chị Nancy Nhung Bùi (Hà Nội) đã có những chia sẻ chân thực về chuyện đi đẻ "thật đến từng chi tiết" trong ca sinh đón con đầu lòng của mình.
Kiệt sức vì chờ đợi cổ tử cung mở
Chọn sinh con ở một trong những bệnh viện 5 sao nổi tiếng Hà Nội, tuần nào mình cũng yên tâm tới khám và tưởng tượng cảnh sinh con trên chiếc giường 5 sao xong cười sung sướng... Nhưng đến hôm đi đẻ thì ác mộng mới đến…
Đầu tiên bác sĩ dặn khi nào có dấu hiệu như: ra một ít máu, đau bụng, cơn đau kiểu co co dồn dập thì đến bệnh viện. Từ lúc bác sĩ dặn xong lo ngay ngáy, cứ động đau bụng là cuống cuồng đồ đạc ra viện, mà lần nào cũng hóa ra là đau bụng đi đại tiện. Bác sĩ dặn là lần sau để ý kỹ không nhầm.
Ngày dự sinh cận kề, mình đi khám thì nhận được thông tin là em bé sẽ ra trước khoảng 1-2 tuần so với dự kiến. 2 vợ chồng bắt đầu nín thở bóp cò chờ ngày đẻ.
Chị Hồng Nhung chọn bệnh viện 5 sao để đón con đầu lòng chào đời.
Càng gần ngày sinh thì càng sốt ruột, lắm lúc nghĩ con có thương mẹ thì “rơi” luôn ra mẹ đỡ phải rặn. Đợt đấy cứ sáng dậy là mình có dấu hiệu ra 1 chút máu, đau nhưng đau ít, kiểu đau âm ỉ khó chịu. Hỏi bạn bè thì đứa bảo đau lắm, đứa bảo đau tí, đứa còn bảo đau nhói cái ra đẻ bụp cái xong, con xinh xắn khỏe mạnh. Hỏi ra thì đúc kết được là lúc sắp đẻ nên đi bộ nhiều, để lúc đẻ nó mở rộng ra.
Một buổi tối 2 vợ chồng đi bộ từ ngã tư Nguyễn Xiển đến gần Ngã tư sở. Đang vui vẻ cười nói thì cảm giác khó chịu đấy nó ập về. Cứ đi 1 tí là đau, 1 tí là đau. Khoảng nửa tiếng đau 1 lần. Cảm thấy không ổn nên bảo chồng đi bộ về nhanh ngồi nghỉ. Về đến nhà thì thôi xong, nó đau không chịu nổi, dồn dập hơn. Kiểu như vừa bị táo bón vừa bị hành kinh ý, trên cả sự sợ hãi, nó là kinh hoàng. Cả đêm hôm đấy đứng lên ngồi xuống không ngủ được. Cứ 20 phút lại đau, mỗi cơn nó kéo dài khác nhau. Có cơn nó vài giây, xong cứ dần lên 10 giây, 40 giây, 50 giây… Tóm lại là tần suất đau nó tăng dần. Cảm giác như kiểu có một trăm cái mũi tên từ trong bụng chọc ra, đau không tả nổi.
Nhớ như in lời bác sĩ dặn: “Nếu 10 phút đau 1 lần mà đau dài thì phải vào viện luôn và ngay!”. Thế là đêm hôm cả nhà tức tốc đưa mình vào viện. Mình thì mồm hoảng vừa đau vừa kêu như hết hơi: “Đẻ rồi, đẻ rồi!”. Cả nhà cuống cuồng. Đi vào bác sĩ kiểm tra thì bảo: “Nay sinh được rồi, nhưng mới mở 1 phân, bình thường phải mở 8-10 phân mới đẻ được”. Thế là cả nhà thở phào, tưởng may nó chưa rơi ra lúc đi đường. Nhưng mọi sự nó không yên ổn thế.
Sau khi khám, bác sĩ khuyên đi bộ cho cổ tử cung mở ra chứ còn thế kia phải đẻ mổ đấy. Mình và gia đình thì không thích đẻ mổ, kiêng với thiệt nhiều thứ. Thế là cứ đi bộ trong bệnh viện, đi bộ hết cả buổi sáng. Cơn đau thì còn nguyên từ đêm đến giờ, cảm giác rất khó chịu, thúc thúc xuống. Còn phải đi bộ nữa nên mệt kinh khủng, lắm lúc ngất luôn được. Lúc bác sĩ kiểm tra, vẫn mở ít, bác sĩ bảo cô này khó đẻ rồi, mặt mình lúc đó hơi buồn buồn. Sau bài thể dục buổi sáng dài 4 tiếng đồng hồ, bác sĩ thông báo là mở ra được 1-2 phân. Nghe cảm thấy kiệt sức thực sự luôn.
Video chị Nancy Nhung Bùi nhăn mặt vì những cơn đau đẻ cho chồng chị quay lại:
Khi những cơn đau đẻ khá dày, chị đến bệnh viện nhưng cổ tử cung mới chỉ mở 1cm.
Kích đẻ bằng mọi cách
Sau đấy bác sĩ lấy bóng cho ngồi lên, làm đủ trò để cổ tử cung mở ra. Lúc đấy thì không ngại ngùng gì cuộc đời nữa, chỉ mong sao nó mở sớm còn được nhìn mặt con. Một mình một phòng với chồng nên ngồi lên quả bóng như một con dở hơi. Nhưng cũng không cải thiện được bao nhiêu. Tới lúc đau quá không chịu được, đau kiểu mệt mỏi kinh khủng khó chịu. Cơn đau kinh khủng nhất cuộc đời mình, lúc đang đau còn nhớ ra mẹ đã từng bảo: “Không gì bằng đau đẻ đâu con ơi…”. Cơn đau khủng khiếp nhất và hơn thế còn kéo dài nhất mình từng bị, cảm thấy ngất đi được.
Xong từ lúc 5 giờ sáng đến 2 giờ chiều – bác sĩ mới bảo gây tê màng cứng để đỡ thấy đau. Lúc đó mình cảm thấy như vớ được cọc, cố quay ra gật đầu một cái khi mặt đầm đìa mồ hôi. Lúc đấy thì mới thấy bác sĩ gây tê xuất hiện. Bác sĩ chỉ chịu trách nhiệm gây tê, hỏi các vấn đề khác đều lắc đầu không trả lời. Ở đây có một sự chuyên hóa vô cùng rõ rệt.
Buổi trưa hôm đấy, mình vừa đói vừa mệt nên lại đi ăn bát cháo kèm bánh và sữa. Chỉ một lúc sau bác sĩ gây tê màng cứng vào dặn là không được ăn uống trước khi gây tê, đặc biệt là sữa. Hỏi vì sao lại như vậy, bác sĩ mới nói một câu làm mình điếng người: “Để đề phòng phải mổ thì mổ được. Đến lúc gây mê mà trong người có sữa thì nguy hiểm cho gây mê”. Lúc khám xong, bác sĩ bảo ngồi dậy, sau đấy bác sĩ luồn một cái ống nhỏ vào phần lưng gần xương cụt, cái này đưa vào hơi nhức chứ cũng không đau. Chắc cũng tùy thuộc vào tay nghề bác sĩ nữa. Thường thì bác sĩ gây mê rất khó, và một chuyên khoa thường chỉ có 1-2 bác sĩ gây mê. Bác sĩ bảo thuốc gây tê sẽ đưa vào liên tục nhưng dần sẽ hết tác dụng. Nếu lúc nào đau quá thì ấn nút cạnh đây nó sẽ phả thêm thuốc vào, sẽ thấy lạnh sống lưng và hết đau khi thuốc còn. Còn được dặn là bấm ít thôi không sau này bị nhờn thuốc. Còn đến lúc nếu phải mổ thì bác sĩ sẽ tiêm thẳng thuốc mê vào ống đấy truyền vào người mình luôn.
Đi đẻ dịch vụ có một cái rất ổn là không cần cầm theo gì, cứ đi người không, dịch vụ đã bao trọn mọi thứ rồi, đừng mất công chuẩn bị đồ đạc, đến nhìn lích kích mà bừa bộn. Từ lúc chờ sinh tới lúc nằm đó luôn phải mặc quần áo váy bệnh viện, mà lâu lâu lại có người tới thay, cũng đỡ bức bách mà cảm thấy sạch sẽ. Trước khi gây tê ngoài màng cứng thì bác sĩ vào tiến hành thụt phân để lúc rặn không rặn nhầm ra phân. Trong phòng chờ đẻ người nhà được vào 1 người nên nhà mình chồng vào cùng, đúng kiểu như trong phim ngồi cạnh vợ để chứng kiến thành quả của cả 2 người.
Chị Hồng Nhung đau đớn đối mặt với những cơn đau chuyển dạ.
Thuốc gây tê hết tác dụng vẫn không thể đẻ
Sau một loạt những cơn đau cực kỳ vật vã của cả vợ, cả chồng (đau vì cả ngày ở nhà rồi lại ra ngoài, còn phải dìu đi ra đi vào, vừa sốt ruột vừa đau, chồng nhìn vợ đau thì cũng đau cho vợ…). Đau quá cứ rít lên từng hồi, chồng bảo hay thôi đẻ mổ. Nhà mình thì có truyền thống khó đẻ, đau lâu mở cũng lâu. Mẹ rồi các dì ai cũng mấy ngày mới đẻ được, mà đau mấy ngày thì đúng là một cơn ác mộng mà không ai muốn trải qua. Cũng cảm thấy nể phục vì các mẹ các dì chịu đựng được chừng ấy thời gian.
Lúc gây tê xong bác sĩ bảo tới sẽ chỉ đau 1 phần thôi không đau nhiều nữa. Công nhận là cơn co đến không đau nữa – bác sĩ bảo cơn đau của mình rất tốt, cấp độ 3, hỏi là gì thì bảo là đủ khả năng đẻ rồi nhưng mở ít quá. Lúc gây tê xong thường mọi người mở rất nhanh, còn mình mở mãi mới được 3 phân. May quá đến tối mở được tầm 4 phân. Bác sĩ bảo tối đẻ, mà chưa đẻ được.
Bác sĩ hỏi có mổ không vì cứ để lâu sẽ rất nguy hiểm. Lúc sờ vào kiểm tra thì thấy máu nhiều– chồng nhìn mà vừa xót vừa sợ luôn. Cả mình nhìn cũng sợ lắm, còn nghĩ không biết phải máu của mình không… Mãi đến tối thì mình thấy đau lại gây tê gần hết, cắm thêm 1 ống gây tê, sau đó tiêm một mũi làm mềm tử cung đẻ cho dễ. Nhưng tiêm rồi mà vẫn không mở thêm cứ giậm chân tại 3 phân rồi hơn 2 phân. Bác sĩ cứ bảo mổ nhưng mình cứ xin đẻ thường, rồi tiêm thêm mũi làm mềm tử cung thứ 2 vì tử cung cứng quá, hình như đây là hậu quả của ngồi nhiều..
Cuối cùng nhà ngoại từ Hải Phòng đã lên đủ cả mà mình thì vẫn chưa đẻ được. Cuối buổi tối, lúc cơn đau cảm giác đã bị nhờn, kiểu không còn cảm thấy mình đau nữa, mà thấy tê hết người. Đột nhiên cảm thấy đau dữ dội, đau run hết người, gây tê cũng vẫn thấy đau. Nằm vật vã một lúc thì bác sĩ vào bảo bao giờ thấy cơn đến kiểu buồn rặn kiểu buồn địa tiện ấy, nghĩa là sắp đẻ. Lúc đấy mệt quá không nghe nổi ra cái gì, quay ra nhờ con em họ phiên dịch lại. Nghe xong thì mừng như mở cờ, bảo bác sĩ: “Em thấy buồn ị thật này!”. Chưa bao giờ thấy buồn đại tiện mà lại sướng như thế… Bác sĩ cũng như bắt được vàng, hô lên: “Chuẩn bị đẻ được rồi, tốt rồi. Đuổi ngay mấy đứa em ra ngoài gọi chồng vào.”
Lúc ấy đo thì thấy mở được 5 phân. Giường nằm biến thành giường đẻ ngay tại đó, người ta ta tháo lắp các thứ nhoay nhoáy không kịp nhìn ra tại vì lúc ấy thật sự chân tê, cứ run bần bật không biết cái gì nữa. Bác sĩ bảo chống chân lên, mà mình yếu quá không làm nổi… Bác sĩ bảo thở đều đi, thở gấp quá còn không nghe thấy rõ… Bác sĩ hướng dẫn lấy hơi dài rồi rặn ra như rặn ị, mình vừa cuống vừa mệt, cũng chẳng có kinh nghiệm gì nên lấy hơi toàn thở ra bằng mồm… Lúc chống chân lên thì run run - kiểu rướn người lấy sức rặn ấy.
Có mấy lần bác sĩ hô khi thấy đầu en bé lấp ló rồi, mà cũng chẳng biết phải không hay bác sĩ nói thế để mình yên tâm mà cố rặn ra. Lúc đấy kiệt sức tới độ muốn bỏ cuộc lắm rồi vì rặn đau lắm mà không ra nổi… Còn bảo hay chuyển sang đẻ mổ có được không? Lúc này chông là người duy nhất mình phải tựa vào. Chồng đứng cạnh nắm tay động viên, hướng dẫn mình thở ra làm sao… Tóm lại chồng còn thở giỏi hơn cả người đi đẻ.
Thời gian ở đấy trôi qua dài như cả năm trời…. Bác sĩ liên miệng hô giỏi lắm, giỏi lắm mỗi khi mình rặn ra, có lời bác sĩ nói cũng cảm thấy đỡ khó chịu đi nhiều. Thấy bác sĩ liên tục dùng các dụng cụ như kiểu nới ra để em bé chui ra. Lúc lôi ra một đống đồ, mình ở trên nhìn xuống dưới mà thấy sợ lắm, không biết sẽ ra sao nữa. Bác sĩ còn phải một người ngồi dưới theo dõi, đỡ em bé ra; 1 người quấn khăn vào bụng ép cho em bé ra. Nhưng có vẻ ép không ăn thua lắm. Mình rặn toàn 1 hơi không dài nên em bé không ra được. Bác sĩ động viên cố lên, không để lâu sẽ rất nguy hiểm.
Sau hơn 1 ngày đau đớn, cuối cùng con yêu cũng đã cất tiếng khóc chào đời.
Em bé được chính tay bố cắt dây rốn.
Tuyệt diệu khoảnh khắc: "Ra rồi...!"
Lúc ở dưới mở được 6-7 phân thì bác sĩ hướng dẫn thở bằng cách hít sâu vào xong rặn như táo bón, đẩy hết cái hơi, không được thở. Mình thì cứ thở ra mũi, chồng lại bóp mũi vào để không tốn khí thở. Trong phim thì khi đẻ thì phải nắm tóc bác sĩ, rồi mồm ngậm khăn để không cắn phải môi phải lưỡi. Còn mình thì nắm tay chồng, nắm đến tím tay luôn. Đáng sợ nhất là khi mở ra được 6-7 phân, bác sĩ cầm cái kéo y tế cắt 1 phát ở trong, dài vài phân để có thể đẻ được (nghe chồng tả mà hãi luôn, mình thì tiêm thuốc tê không biết cái gì). Không thể tưởng tượng nổi là đến lúc phải làm như vậy.
Vào khoảnh khắc ấy mình bỗng lo sợ nhiều thứ lắm. Lấy hết sức bình sinh, chống chân chống tay rướn người lên và rặn liền mấy hơi thật dài… Tuột một cái em bé ra khi cả bác sĩ, y tá cùng hộ sinh đồng thanh hô lên một tiếng khiến mình cảm thấy tuyệt diệu: “Ra rồi...!”. Mọi cảm giác lúc đấy như hoàn thành một thử thách khó nhất cuộc đời, leo một ngọn núi cao, hay vừa thoát chết khỏi một nơi hiểm nguy. Mình mềm người, nằm bẹp ra đấy khi tay chân không còn cảm giác.
Hình ảnh hộ lý đang vệ sinh cho em bé sau khi lọt lòng mẹ.
Bé yêu được bọc trong 1 lớp màng được bác sĩ tách ra. Bố bỏ tay mẹ ra, đi về phía đứa nhỏ mắt vẫn đang nhắm nghiền. Nhận lấy cái kéo từ bác sĩ, bố được thực hiện cộng việc quan trọng không kém: Cắt rốn cho bé.
Sau đó, hộ lý tới bế xong kiểm tra xem mọi thứ có ổn không, có sứt sẹo gì không. Cho vào nôi để vệ sinh trẻ, lấy khăn, lau khoảng 5 phút cho lên bàn cân, được 2,9kg. Mía ra đời như thế...