Trong khi vợ đau đớn kêu la, anh chồng lầy lội trước thì gội đầu sạch sẽ rồi mới đi, sau lại rủ vợ ăn thịt chó lấy sức khiến chị em cười muốn xỉu.
Mỗi em bé chào đời là một câu chuyện rất riêng, có người chưa kịp đau đã đẻ, những cũng có người cơn đau đến và đi kéo dài tưởng như vô tận, rút hết mọi sức lực, khiến cả gia đình nháo nhào, đứng ngồi không yên.
Và tất nhiên, mọi thứ đều có giá của nó, giá của đau đớn chính là hạnh phúc đến tột cùng!
Với chị Khuất Thu Trang (25 tuổi, sống tại Phúc Thọ - Hà Nội) lần đầu sinh con có lẽ là giây phút đặc biệt nhất trong cuộc đời khi đau có, tủi có, vỡ òa có… 2 tháng sau ngày sinh bé Bon (tên thật là Đinh Tiến Công Anh) chị vẫn nhớ như in cảm xúc những phút đầu “lâm bồn”.
Chị Thu Trang sinh con cách đây 2 tháng.
Vì sinh con đầu lòng, cả 2 vợ chồng còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm câu chuyện đi đẻ không tránh khỏi những "pha" ngớ ngẩn, dở khóc dở cười. Đến tận hôm nay, chị vẫn “hờn” khi vợ đau vật vã, chồng còn ung dung tắm gội, sấy tóc… như chẳng có chuyện gì to tát ở đời hơn sạch sẽ, thơm tho.
Mở đầu dòng hồi ức, chị viết:
“Chào con yêu!
Con yêu à, đến thời điểm này con yêu của bố mẹ cũng được hơn 2 tháng rồi, nhưng bây giờ mẹ mới có thời gian để viết về quá trình khi chuẩn bị con cho con yêu ra đời.
Quãng thời gian khi biết con đến bên bố mẹ, bố mẹ mừng lắm... thời gian trôi nhanh đến khi con ở trong bụng mẹ được 9 tháng 10 ngày thì con chào đời, mọi người bảo con trai thường sinh sớm hơn nên mẹ chuẩn bị tâm lý từ khi được 38 tuần.
Bà ngoại con sốt ruột vì sợ con đòi ra sớm mà bố và mẹ còn trẻ nên xuống với mẹ con mình từ lúc mẹ được 38 tuần. Còn bà nội con vì bận việc nên sát ngày sinh bà mới lên được. Bà nội con tính đúng ngày thật đấy, vừa lên lúc sáng thì tối mẹ đau đẻ, thế là cuộc chuyển dạ bắt đầu.”
Chị kể, tối hôm trước đi sinh, chị chưa có dấu hiệu gì của việc chuyển dạ. Đến 22h tối ngày 10/1, lúc đó những cơn đau mới bắt đầu kéo đến, nhưng cũng chỉ âm ỉ, nhẹ nhẹ, chị nghĩ chắc do ăn phải thức ăn lạ, mà không biết đấy là dấu hiệu chuẩn bị vượt cạn.
Bé được bố đặt tên là Bon với mong muốn đi nhanh hơn người.
“Mẹ ngủ tiếp đến rạng sáng, lúc đấy khoảng 3h sáng mẹ đau nhiều hơn cơn đau dày hơn, mẹ vào nhà vệ sinh thì thấy ra 1 ít máu báo, nhưng mẹ cố gắng ngủ tiếp. Đau quá mẹ không ngủ được mẹ véo vào tay bố con, bố con ngủ như heo ấy, mẹ quay sang thấy bố và bà nội con ngủ ngon nên không nỡ gọi dậy.
Mẹ tự nhủ là cố gắng lên, cố chịu đau đến sáng để cho bố và bà nội ngủ. Nhưng đau quá mẹ không chịu được nữa mẹ gọi bố và bà nội dậy đưa mẹ đi đẻ.
Mẹ thì đau gần chết mà bố con thì cứ thong thả như không có chuyện gì xảy ra. Bố dậy đi đánh răng rửa mặt, tắm gội xong còn sấy tóc cho khô nữa (vì tối hôm trước bố con ngủ nên không tắm được đấy), mẹ thì đau đứng ngồi không nổi mà bố con thì cứ từ từ. Rồi mẹ gọi cho bà ngoại và bố bà nội bà ngoại khăn gói quả mướp đưa mẹ đi đẻ…”
Vào đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội lúc 3h30 sáng ngày 11/1/2018, chị Trang được bác sĩ thăm khám và phát cho một bộ đồ để thay. Dù đã chuẩn bị tâm lý kĩ càng trong cả 9 tháng, nhưng tới lúc này vẫn thấy sợ, ấy vậy mà anh chồng ở phía ngoài chẳng hiểu ra, thấy mặt vợ méo xệch còn cười hà hà, đưa máy lên để check in trước giờ G.
1 lúc sau, được đưa vào phòng chờ sinh, “mẹ đau từ 3h sáng 11.1 mà đến tận 11h trưa ngày 12.1 con mới chịu ra. Đến là khổ! Mẹ đau dữ dội, ngồi không yên mà đứng cũng không xong. Mỗi lần đau mẹ lại đứng dậy vịn vào thành giường vì không có người nhà ở đó nên mẹ không làm nũng ai được.
Bố đi mua cháo cho mẹ ăn nhưng vì đau nên mẹ cũng không ăn được. Mẹ đau mà bố còn trêu: Vợ ăn thịt chó nhé để chồng mua? Bố con thì lúc nào cũng đùa được. Thế nên bố và mẹ không giận nhau lâu đâu con ạ.”, chị nhớ lại.
Chân dung anh chồng rủ vợ ăn thịt chó trong phòng đẻ.
“Mẹ đau quá, bảo bố vào ký để mẹ được tiêm mũi không đau. Mở được 3 phân bác sĩ bắt đầu tiêm cho mẹ. Nhưng vẫn không ăn thua, mẹ thấy đau như gãy từng cái xương ấy. Mọi người ai vào cái là sinh được luôn, còn mẹ thì khó đẻ vì bác sĩ bảo đầu con to.
Mẹ mở 9 phân từ lúc 7h sáng đến tận 11h mới mở tiếp được. Mẹ đau lâu quá và vỡ ối lâu rồi chưa sinh được. Bà ngoại và bố con xót ruột quyết định nếu 11h mà con chưa chịu ra thì sẽ mổ. Mẹ thấy bố kể lại là bà ngoại ở ngoài thương mẹ nên bà khóc (đúng là chỉ có mẹ mới thương con vô điều kiện).”
Vì là ca đẻ khó nhất trong ngày, nên trong phòng đẻ của chị lúc này có cả trưởng khoa, phó khoa, cùng nhiều bác sĩ khác. Tất cả đều là nam! Dù ngại nhưng trộm nghĩ họ rất giỏi, chị đành bấm bụng nhịn. Đầu bé quá to, bởi vậy dù đã mở tới 9 phân chị vẫn không được rặn, bác sĩ nói phải đợi tới khi mở đủ 10 phân mới bắt đầu “hành sự” làm chị càng đau thêm.
“Mẹ kiệt sức, lúc này mẹ không nói nổi nữa vì mẹ đau quá lâu mà chưa sinh được. Bác sĩ thấy mẹ mệt và cố gắng nên an ủi mẹ rất nhiều. Bác sĩ lấy nước và sữa cho mẹ uống. Nhưng thực sự lúc này mẹ không muốn ăn uống gì cả vì rất mệt và đắng miệng. Bác sĩ bảo bây giờ em cần gì chị đều làm cho em hết, em cố lên! Bác sĩ buộc lại tóc cho mẹ, tăng thêm thuốc giảm đau cho mẹ…
Và cuối cùng, giờ đẹp cũng đến... 11h trưa ngày 12/1 các bác sĩ đã giúp mẹ để đưa con yêu ra đời. 2 bác sĩ nam đứng cạnh và nhiều bác đứng xung quanh mẹ. 2 bác sĩ dí bụng mẹ, 1 lúc sau mẹ thấy 1 tiếng xoẹt mạnh, nhưng mẹ không còn thấy đau vì không có gì đau bằng đau đẻ."
Không hạnh phúc nào bằng hạnh phúc đón con sau 9 tháng mong chờ.
Không cảm giác nào tuyệt bằng cảm giác được ôm đứa con mình mong 9 tháng 10 ngày trong vòng tay, niềm hạnh phúc dâng trong chị tới nỗi bác sĩ ở dưới khâu sống tầng sinh môn mà chị không còn cảm thấy đau, chỉ hơi rát họng vì… la “bác sĩ ơi” quá nhiều.
Kinh qua bao khó khăn để đón con đến với thế giới, hơn ai hết chị hiểu và thương cho người sau này sẽ làm vợ, làm mẹ. “Bởi thế, nay mai khi con mẹ lớn đọc được bài này thì nhớ là yêu và thương vợ con nhiều hơn nhé! Phụ nữ hi sinh rất nhiều đấy con trai ạ!”, chị nhắn nhủ.