Sau khi sinh, chị Nữ chia sẻ không khí trong phòng sinh mổ không hề lạnh lẽo, đáng sợ như chị tưởng tượng.
Mỗi người mẹ lại có những kỉ niệm, cảm giác khác nhau về ngày đi sinh, chào đón một "thiên thần" đến với thế giới. Đối với chị Nguyễn Mai Bạch Nữ (29 tuổi, sống tại Tp.HCM), chuyện đi đẻ bé Ô (con trai chị Nữ) là chuyện khiến chị thấy hào hứng nhất trong đời, còn hơn cả chuyện đám cưới.
Ngày sinh bé Ô là ngày chị Nữ thấy hào hứng và hạnh phúc nhất trong cuộc đời.
Con "dọa ra" suốt từ 25 tuần khiến bố mẹ "lòng như lửa đốt"
Khi mang bầu bé Ô, chị Nữ đã trải qua không ít khó khăn, vất vả. Khi bầu khoảng 20 tuần, chị bị viêm xoang sưng mủ phải uống kháng sinh. Đến 25 tuần, vì làm việc nhiều, hay leo cầu thang nên thường xuyên bị gò đau nhưng chị không biết, chỉ nghĩ là do em bé cử động mạnh. Đến khi đi siêu âm định kỳ thì chị mới biết mình bị hồ huyết bánh nhau, bác sĩ chỉ định nghỉ dưỡng thai vì sợ hồ huyết vỡ ra gây xuất huyết nguy hiểm.
"Ô hù bố mẹ từ hồi 25 tuần vậy đó. Cứ mỗi tuần là mong vượt qua vượt qua, rồi các mốc quan trọng 28 tuần, 32 tuần, 35 tuần đều lướt qua ổn thoả. Tới 36 tuần thì mình tự nhiên bị tụt ối, bác sĩ hẹn 3 ngày phải khám theo dõi kiểm tra, cố giữ em ít nhất 37 tuần 1 ngày rồi mới tính. May mắn cũng đến được tuần 38 suôn sẻ.
Nếu thai kỳ ổn định thì mình cũng không lo lắng gì đâu nhưng bé cứ kiểu hăm dọa bố mẹ nên mình hoang mang, nửa muốn sinh con ra thấy mặt mũi cho yên tâm, nửa muốn giữ con thêm ít ngày cho con trưởng thành trong bụng mẹ", chị Nữ chia sẻ.
Trước khi chào đời, bé Ô đã khiến bố mẹ "nơm nớp lo sợ" vì nhiều lần "dọa đòi ra".
Dù thai kỳ không ổn nhưng bác sĩ tư vấn cho biết nếu chị Nữ muốn và quyết tâm thì vẫn có thể sinh thường. Sau khi tìm hiểu về các lợi ích của từng phương pháp sinh, chị Nữ quyết định sinh thường.
"38 tuần 2 ngày mình đi khám, bác sĩ chưa thấy dấu hiệu sinh. Đầu em bé hơi to nhưng mình vẫn có thể sinh thường. Sợ con ra bất ngờ nên lúc nào mình cũng tỉ tê với bé "Ô ơi ra chưa, khi nào ra nhớ báo mẹ trước chứ bố đi làm mẹ sợ không xoay sở kịp". Trước ngày bước sang tuần 39, mình cứ băn khoăn không biết mai có nên đi khám không, dù lịch hẹn là 39 tuần 2 ngày", chị Nữ kể lại.
Ngay trưa hôm đó, chị Nữ bỗng cảm thấy bé Ô không chuyển động nhiều như mọi ngày mà chỉ đạp nhẹ nhẹ thôi. Ban đầu, chị nghĩ do mình làm việc nhiều nên mệt nhưng đến tận chiều chị làm đủ mọi cách cũng không thấy con phản ứng.
Lo lắng nên hai vợ chồng lập tức đi khám cấp cứu. Sau khi kiểm tra, bác sĩ cho biết tim thai hơi yếu nhưng không có vấn đề gì, có thể về nhà rồi tự theo dõi thai máy thêm. Vậy là cả đêm hôm đó, chị Nữ cứ trằn trọc mãi, hết mở nhạc rồi nói chuyện để mong con đạp.
Vào phòng vừa kịp chụp một bức ảnh, con trai đã chào đời
Đúng sáng ngày được 39 tuần thì chị Nữ thấy máu báo. "Lúc đó mình còn không biết là đi bệnh viện liền hay là đợi đau bụng đẻ, chỉ nhắn cho chồng là có dấu hiệu rồi, chờ mình liên lạc với bác sĩ, có gì ới là chồng phải về ngay. Vậy nhưng chắc hôm đó bác sĩ bận nên mình gọi nhiều lần không được. Lát sau chồng hồi hộp quá nên về luôn, mình thì nôn nao mừng lắm vì sắp được gặp con. Không biết sinh thường hay sinh mổ nên mình cũng nhịn ăn sáng luôn cho chắc. Lúc chồng về còn bảo mình chụp tấm hình bụng bầu làm kỉ niệm không nhỡ hôm nay đẻ", chị Nữ kể tiếp.
Xin mổ từ khi chưa có cơn chuyển dạ nên chị Nữ thấy khá thoải mái, nhẹ nhàng.
Hai vợ chồng chị Nữ lại dắt nhau vào bệnh viện khám. Bác sĩ kết luận đã có dấu hiệu sinh nhưng đầu bé to nên chưa tụt và cổ tử cung mẹ cũng chưa mở. Nghe vậy chị Nữ xin bác sĩ cho mổ luôn vì sợ chờ lâu và hôm qua đi khám cấp cứu về chị lo lắng quá, sợ đợi thêm thì càng ảnh hưởng đến tâm lý.
Sau khi kiểm tra toàn diện, bác sĩ kết luận chị Nữ có thể mổ. Khi được hỏi muốn mổ luôn chiều nay hay ngày mai, chị Nữ hào hứng đáp xin mổ luôn vì lỡ nhịn ăn rồi và muốn mổ ngay 27/2, ngày thầy thuốc Việt Nam cho đẹp.
Vậy là dự định sinh thường của chị Nữ chuyển thành sinh mổ. Hai vợ chồng chị làm thủ tục xong xuôi, nhận phòng và ngủ một giấc để lấy sức.
Hai vợ chồng "mải" selfie mà không biết bác sĩ mổ lấy con ra từ lúc nào.
"Lát sau chị y tá tới kêu mình dậy, làm vệ sinh rồi vô phòng mổ. Mình vào trước. Ấn tượng của mình là không khí phòng mổ không lạnh toát như tưởng tượng, cũng không có âm thanh dao leng keng gì đâu. Mấy cô y tá trấn an mình nhiều, khen mình bầu đẹp nữa. Đây đúng là liều thuốc cho tinh thần. Sau đó mình được gây tê tủy sống. Do tránh xa các clip hù doạ nên mình cũng không biết cái kim nó to, dài cỡ nào, chỉ thấy nhói một cái là xong, bắt đầu tê từ từ xuống chân và không cử động được nữa. Tê từ từ xuống chân hết cử động được", chị Nữ chia sẻ lại.
Ekíp mổ chuẩn bị xong, màn được che chắn cũng là lúc chồng chị Nữ được vào với vợ. Bác sĩ hỏi chị sẵn sàng chưa rồi các y tá bắt đầu làm công tác vệ sinh, chuẩn bị mổ.
"Lúc đó chồng nắm tay mình hỏi có sợ không rồi còn lấy điện thoại ra chụp ảnh nữa. Vừa chụp xong tấm ảnh hai vợ chồng tươi như hoa thì nghe tiếng bác sĩ la lên "ra rồi, ra rồi, còn cái chân, đỡ mông, anh này dài đòn à, em bé dễ thương lắm Nữ ơi..."
Lúc đó mình ngạc nhiên lắm, không biết các bác sĩ rạch bụng lúc nào luôn mà em bé đã ra rồi. Mọi thứ thật sự diễn ra như một cơn gió. Nghe con khóc oe oe rồi mà cả hai vợ chồng còn chưa bắt kịp cảm xúc nữa. Sau đó em bé được đưa qua một bàn khác vệ sinh. Chồng mình đi qua đi lại, ngó nghiêng rồi nói "trời ơi, nó nhăn y chang anh", chị Nữ nhớ lại.
Bé Ô được da tiếp da với mẹ sau khi chào đời.
Sau đó, y tá tiến đến hỏi thăm chị Nữ có ổn không rồi đặt bé Ô lên ngực để da tiếp da. Cả nhà cùng nhau chụp ảnh kỉ niệm rồi bé được chuyển qua phòng chăm sóc sơ sinh. Nhưng có lẽ do ca mổ diễn ra quá nhanh nên sau khi con đi rồi, chị Nữ mới... gục ngã.
"Có lẽ chuyện sinh bé Ô lẹ quá nên sau đó mới thấm. Mình ói liên tục từ bàn sinh tới giường hậu phẫu. Vừa ói liên tục vừa lạnh run người. Cô y tá đặt ống sưởi rồi nói mẹ cố ngủ, lát khoẻ sẽ được về gặp con.
Mình chỉ thiêm thiếp thôi chứ không thể nào ngủ được. Lúc này mới phát hiện chỗ vết mổ đau, lại còn ói nên quặn hết ruột gan. Quay bên phải choáng cũng ói, quay trái cũng ói, nằm im cũng ói, mình cố kiềm nhưng không thể được. Đến mãi tối mình mới được về với con. Bà nội bé đặt bé lên tay cho mình ôm chứ không thể nào gượng dậy bế con được. Cứ cả buổi tối như vậy, mình chỉ toàn ói và uống nước... rồi ói.
Thao thức thiêm thiếp cả đêm thì sáng hôm sau tỉnh táo, mình bắt đầu tập đi. Vẫn đau, vẫn mệt nhưng mình cố. Tới chiều là khoẻ hẳn tự tin ôm con, ngắm con. Khi mọi người tới thăm về hết, đêm đến chỉ còn lại 3 người gia đình mình, hạnh phúc, ấm áp là đây chứ chẳng ở đâu xa...", chị Nữ chia sẻ.