Có bầu sau tiêm phòng rubella, bỏ hay giữ thai?

Ngày 03/10/2014 00:03 AM (GMT+7)

Rất nhiều bà mẹ lo sợ vắc-xin rubella ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thai nhi khi có thai ngay sau tiêm phòng.

Vợ chồng chị Phan Thị H. T, 30 tuổi, Gò Vấp, TP HCM, muốn có con nên đã chuẩn bị đi khám sức khỏe và tiêm ngừa vắc-xin cần thiết. Sau khi tiêm ngừa vắc-xin rubella (MMR) được khoảng 3 tháng, chị H. T. tình cờ phát hiện mình có thai. Chị lo lắng có nên giữ lại em bé hay không vì sợ vắc-xin ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thai nhi.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Bùi Thanh Vân (BV Từ Dũ) cho biết, đó không phải là một lo lắng hiếm gặp. Không ít thai phụ vô tình tiêm vắc-xin này quanh thời điểm thụ thai. Không ít gia đình đã quyết định bỏ thai. Câu hỏi đặt ra rằng, tiêm vắc-xin rubella có an toàn trong thời điểm này không? Có nên bỏ thai nếu vô tình tiêm rubella trước và sau thời điểm có thai 3 tháng không? Theo khảo sát của BV Từ Dũ trên 162 trường hợp tiêm MMR trong thời gian 3 tháng quanh thời điểm thụ thai, 37 trường hợp không theo dõi được, còn lại 100% các trường hợp theo dõi được có tiêm MMR trong thời gian 3 tháng quanh thời điểm thụ thai đều sinh con khỏe mạnh. Các BS chưa ghi nhận trường hợp nào bị hội chứng rubella bẩm sinh.

Có bầu sau tiêm phòng rubella, bỏ hay giữ thai? - 1
Theo các chuyên gia, nhiễm trùng bào thai ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự sống thai nhi. (ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia, nhiễm trùng bào thai ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự sống thai nhi. Không chỉ vậy, nó còn để lại nhiều di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng sống của trẻ và là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Tùy vào thời điểm nhiễm bệnh của mẹ, tỉ lệ con bị hội chứng rubella bẩm sinh rất thay đổi: 90 - 100% khi thai dưới 8 tuần, 50% khi thai 8 - 12 tuần, 20% ở tuổi thai 12 - 20 tuần, và sau 20 tuần tỉ lệ này khoảng < 1%. Ngoài ra, thai phụ còn có thể nhiễm các virút khác như: Cúm, viêm gan B, quai bị, sởi, thủy đậu… Những loại bệnh này cũng có thể gây ra hội chứng nhiễm trùng bào thai và để lại hậu quả nghiêm trọng cho bé sau sinh.

Do đó, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã được khuyến cáo nên chủ động đi tiêm chủng vắc-xin rubella trước khi quyết định có thai. Vắc-xin giúp bảo vệ thai phụ và thai nhi phát triển khỏe mạnh. Trước khi mang thai, phụ nữ nên tiêm đầy đủ các loại vắc-xin theo chương trình tiêm chủng. Những vắc-xin sống nên được tiêm trước khi có thai ít nhất 1 tháng. Những vắc-xin bất hoạt có thể tiêm trước hoặc trong thai kỳ nếu cần thiết.

Theo Sức Khỏe và Đời Sống
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu