Không chỉ dừng lại ở những triệu chứng mệt mỏi, mất ngủ, chán ăn, dễ xúc động… trầm cảm sau sinh còn gây ra những hậu quả đau lòng khi những người mẹ giết hại chính đứa con mình sinh ra.
Theo thống kê, có khoảng 13% số chị em phụ nữ mắc chứng trầm cảm sau sinh với những biểu hiện như buồn chán, mệt mỏi, chán ghét con, quá lo sợ cho sự an toàn của con, có ý định tự sát và thậm chí là có người còn giết cả con mình.
Để hiểu hơn về căn bệnh Trầm cảm khi mang bầu và sau sinh, mời độc giả bấm vào đây để đặt câu hỏi với 2 chuyên gia hàng đầu về tâm lý và trầm cảm là Ts. Bs Trần Thị Hồng Thu (Trưởng khoa Lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương) và Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất (Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý An Việt Sơn). |
Trên thực tế, cả trên thế giới và Việt Nam cũng đã xảy ra rất nhiều vụ việc đau lòng liên quan đến người mẹ mắc chứng bệnh này.
Mẹ hiếm muộn sinh được con nhưng lại tự giết hại con mình
Sau nhiều năm hiếm muộn và sảy thai, cuối cùng vợ chồng chị Chu Thị Huệ và anh Chu Đình Hiệp (SN 1978, Ba Vì, Hà Nội) cũng sinh được đứa con đầu lòng. Thế nhưng đó cũng là lúc chị Huệ có những triệu chứng tâm lý bất ổn: Chỉ ngồi câm lặng một chỗ, ánh mắt vô hồn, không làm việc gì, thỉnh thoảng lại gào thét, đập phá đồ đạc.
Rồi một đêm kinh hoàng đã xảy ra, Huệ đã lén bế con trai của mình ra hiên nhà và sát hại em bé. Nghe tiếng kêu ré của con, anh Hiệp vội vàng tỉnh giấc, chạy ra hiên thì kinh hoàng khi thấy thảm cảnh. Gia đình vội đưa em bé đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, cháu đã tử vong ngay sau đó.
Được biết, cháu Hoàng từ khi sinh cũng không được mẹ cho bú một giọt sữa. Thậm chí, chị Huệ đã hai lần lấy dây điện thắt vào cổ con trai của mình nhưng may bố mẹ chồng kịp thời phát hiện và ngăn cản. Thấy biểu hiện bệnh của con dâu ngày nặng hơn, gia đình đưa đến bệnh viện khám. Sau khi theo dõi triệu chứng và khám thần kinh, bác sĩ đã kết luận chị Huệ đang lâm vào hội chứng trầm cảm sau khi sinh và do không điều trị kịp thời đã dẫn đến chứng loạn tinh thần sau sinh.
Các bác sĩ nói chị Huệ có thể bình phục nhưng phải mất một thời gian dài điều trị bằng thuốc kết hợp phương pháp tâm lý. Mặc dù bác sĩ khuyên vậy, nhưng gia đình chị Huệ vẫn quyết định đưa con dâu về nhà sau một tuần điều trị và cuối cùng đã nhận về kết cục bi thảm.
Bé 4 tháng tuổi qua đời dưới nhát dao của người mẹ
Hồi tháng 4 năm 2015, một vụ việc liên quan đến người mẹ bị trầm cảm sau sinh đã từng khiến dư luận nhức nhối, đó là cái chết đau lòng của cháu bé 4 tháng tuổi dưới nhát dao của mẹ đẻ Nguyễn Thị Giang Nam.
Theo người nhà của sản phụ, từ sau khi sinh con, bà mẹ Giang Nam ít nói, trầm cảm nặng. Mỗi lần con trai quấy khóc, Nam có biểu hiện kích động. Người chồng đã đưa Nam về nhà người thân ở khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội để tiện chăm sóc, chữa trị bệnh tâm thần.
Khi thấy những biểu hiện khác thường của sản phụ, người trong gia đình đã phải cất giấu những đồ vật nhọn để tránh việc Nam sử dụng. Tuy nhiên mấy ngày trước khi sự việc đau lòng xảy ra, khi thấy tinh thần của Nam ổn định sau khi uống thuốc trầm cảm, người nhà đã để cô ngủ cùng con trai, nhưng không ngờ đang nửa đêm, anh Ninh Văn Hiền (chồng Nam) đang ngủ ở phòng bên cạnh thì nghe tiếng hét to từ phòng ngủ của vợ.
Khi chạy sang, anh bàng hoàng phát hiện Nam đang dùng dao chém liên tiếp về phía con trai mình. Thấy vậy, anh Hiền đã lao vào tước dao, đồng thời khống chế vợ và báo cho cơ quan công an. Cháu bé được đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương nặng, cháu đã không thể qua khỏi.
Mẹ giết con 4 tháng rồi tự tử vì bị trầm cảm
Trước đó, một vụ án đau lòng tương tự cũng đã xảy ra ở Bình Dương. Vào ngày 13/10/2014, anh Nguyễn Thiện Lương đi làm về nhà thì hoảng hốt phát hiện vợ là Đặng Thị Liễu chết trong tư thế treo cổ ở cầu thang, còn con gái út 4 tháng tuổi chết trong phòng ngủ, bên dưới có nhiều vết máu.
Liên quan đến vụ án mạng đau lòng này, bước đầu cơ quan công an nhận định rất có thể do chị Liễu bị trầm cảm sau khi sinh nên đã sát hại con ruột Nguyễn Thị Trà Giang (4 tháng tuổi) tại nhà riêng ở khu phố Chiêu Liêu (phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An).
Được biết, vợ chồng chị Liễu đều là công nhân, hai người đến mua đất, xây nhà được khoảng 5 năm. Ngoài bé Giang, vợ chồng anh Lương còn có 2 đứa con khác.
Bà mẹ 32 tuổi tự tử vì trầm cảm sau sinh kéo dài suốt 3 năm
Trên thế giới cũng có rất nhiều sự việc bi thảm đã diễn ra liên quan đến chứng trầm cảm sau sinh. Và vào hồi tháng 2 vừa qua, một bà mẹ người Anh đã tự kết liễu đời mình sau nhiều năm bị trầm cảm nặng.
Chị Polly Ross (32 tuổi, sống tại Driffield, Yorkshire, Anh) đã bị tàu hỏa cán chết khi cố tự tử bằng cách ra đứng giữa đường ray. Nguyên nhân được xác định là do chị Polly đã thường xuyên trong trạng thái trầm cảm sau khi sinh 2 con.
Chị Polly, một nhà ngôn ngữ học với công việc là dịch thuật, đã được xác định mắc chứng trầm cảm sau sinh vào tháng 2 năm ngoái sau khi đứa con thứ 2 của chị ra đời và được đưa tới điều trị tại khoa Chăm sóc sức khỏe tâm trí Westlands.
Được biết, những bất ổn đầu tiên xuất hiện ở chị Polly sau khi chị sinh đứa con đầu lòng năm 2012 và chị được chẩn đoán mắc trầm cảm sau sinh. Sau đó tình hình trở nên tồi tệ hơn và gia đình chị tin rằng Polly đã bị mắc chứng loạn thần sau sinh khi đứa con thứ 2 ra đời năm 2014.
Mặc dù được chăm sóc tại trung tâm nhưng chị Polly vẫn thường xuyên được đi ra ngoài và đây chính là cơ hội để chị thực hiện ý định tự tử của mình. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng người ta đã tìm thấy thi thể của chị tại một đường ray gần Spring Bank West, Hull.
Theo Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thị Như Ngọc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn sức khỏe sinh sản: "Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trầm cảm sau sinh của sản phụ như sự thay đổi của nội tiết sinh dục, nội tiết của tuyến giáp, cortisol, do di truyền… Bên cạnh đó, những người không có người thân chia sẻ trong giai đoạn này có nguy cơ bị trầm cảm gấp 5 lần so với người được chia sẻ."
Bác sĩ Như Ngọc cũng chia sẻ thêm: "Trầm cảm với phụ nữ sau sinh là một nguyên nhân gây tử vong mẹ thầm lặng. Vì vậy, hệ thống y tế cần tuyên truyền cho các thai phụ chú ý đến trầm cảm (chiếm tỉ lệ 10-15%), nhiều hơn so với một số bệnh lý thường gặp như tiền sản giật (khoảng 10%) hay tiểu đường đang được quan tâm sàng lọc… nhưng lại ít được cộng đồng và xã hội quan tâm. Hơn ai hết, người chồng, gia đình, người thân… cần gần gũi chia sẻ với sản phụ trong thời kì hậu sản, để có thể tránh được những hệ quả đáng tiếc có thể xảy ra."
Vào đây để theo dõi toàn bộ câu chuyện Trầm cảm bà bầu trước và sau sinh