Mất ngủ hoặc ngủ không sâu giấc xảy ra với hầu hết các mẹ bầu, nhưng không hẳn ai cũng biết vì sao.
1. Do phải đi tiểu liên tục
Dường như tiểu tiện và việc mang bầu là hai phạm trù luôn gắn kết. Bởi lẽ em bé đang dùng bàng quang để làm gối tựa. Mặc dù bạn đã cố uống nhiều nước vào buổi sáng để đủ 8 cốc mỗi ngày, kiêng hoàn toàn vào buổi tối, nhưng mọi nỗ lực đều vô vọng.
Vậy nên, thay vì làm sao để hạn chế lượng nước tiêu thụ, thì hãy nghĩ cách làm sao để đi vào giác ngủ nhanh nhất sau khi tiểu tiện. Gợi ý là nên dùng bóng đèn nhẹ cho hành lang và nhà vệ sinh, vì nguồn sáng mạnh dễ khiến bạn tỉnh giấc.
2. Ngủ quá muộn
Vì tình trạng mệt mỏi, kiệt sức xảy ra phổ biến với nhiều mẹ bầu, nên thường tranh thủ ngủ, nghỉ nhiều lần trong ngày. Điều này dẫn tới bạn không buồn ngủ vào buổi tối, nên đi ngủ khá muộn. Giải pháp là chỉ chợp mắt tối đa 20 phút mỗi lần vào ban ngày.
3. Bị ợ nóng
Những thay đổi về hormone khiến hệ tiêu hóa của mẹ bầu cũng gặp phải những trở ngại, điển hình là triệu chứng ợ nóng, gây ra tình trạng mất ngủ. Để hạn chế hiện tượng này, bạn không nên ăn trước khi đi ngủ ít nhất 2 tiếng, kiêng đồ cay.
Nên chọn tư thế ngủ nghiêng người về bên trái để giảm bớt ợ nóng, ngủ ngon và sâu giấc hơn.
Để hạn chế triệu chứng ợ nóng gây mất ngủ, mẹ bầu nên kiêng đồ ăn cay, nóng, chọn tư thế ngủ nghiêng bên trái. (Ảnh minh họa)
4. Không thoải mái
Chắc chắn rồi, khi bụng càng lớn dần, tư thế nằm ngủ của mẹ bầu càng không thoải mái. Ngoài ra, cứ 4 mẹ bầu thì có một người gặp phải hội chứng chân không yên (restless legs syndrome). Đây là hiện tượng hai chân luôn trong trạng thái muốn vận động do rối loạn của hệ thống thần kinh. Chính vì điều này mà hội chứng cũng gây ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ nên cũng được coi là một rối loạn giấc ngủ.
5. Con hoạt động vào ban đêm
Thai nhi thường thích hoạt động khi bà mẹ nằm hoặc ngồi nghỉ ngơi. Vì khi đó không có nhiều yếu tố cản trở “thời gian vui chơi” của trẻ trong bụng mẹ. Tuy nhiên, mẹ bầu không nên lo lắng vì sau này chào đời, trẻ sẽ ngủ ngày chơi đêm như nhiều người thường nói.
Hãy cố gắng thư giãn và “thưởng thức” từng cử động của con để dễ ngủ hơn.
6. Ngủ ngáy
Có khoảng 25-30% thai phụ ngủ ngáy. Ngáy xảy ra khi đường thở trên đóng lại một phần, khiến việc đưa đủ khí qua miệng và mũi trở nên khó khăn. Với mẹ bầu, khi tử cung và thai nhi tăng trưởng và đè lên cơ hoành, chắc chắn bạn sẽ khó thở hơn.
Mức hormone cao, đặc biệt là estrogen, cũng khiến màng nhầy và đường mũi phình ra. Bên cạnh đó, khối lượng máu tăng 50%, khiến mạch máu nở rộng và cũng làm cho màng mũi phình ra.
Giải pháp là thay đổi cách thở, cố gắng thở bằng mũi, giảm cân hoặc đổi tư thế ngủ.
7. Lo lắng quá mức
Nghĩ quá nhiều về những việc cần làm, chuyện lâm bồn ra sao, yêu cầu để làm một người mẹ tốt khiến tâm trí bạn phải hoạt động liên tục, cho dù vào ban đêm. Thay vào đó, hãy tắm bằng nước ấm, đọc một cuốn sách hoặc xem bộ phim hay để giải trí.