Thai kỳ đủ ngày tháng sẽ trải qua 39 - 40 tuần thai. Tuy nhiên nếu cơn đau chuyển dạ đến bất cứ lúc nào trước tuần thứ 37 của thai kỳ sẽ được gọi là chuyển dạ sớm và dẫn đến nguy cơ sinh non.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc mẹ bầu sinh non. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp nhất.
Nhiễm trùng nước ối
Nhiễm trùng ối là khi vi khuẩn xâm nhập từ âm đạo lên tử cung và ảnh hưởng trực tiếp đến nước ối gây nhiễm trùng. Khi nước ối bị nhiễm trùng sẽ có màu xanh đục và mùi hôi. Lúc này bé sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng trong tử cung…
Nguyên nhân có thể do mẹ bị viêm nhiễm đường sinh dục trước hoặc trong thời kỳ mang thai, không được điều trị dứt điểm đúng cách khiến vi khuẩn có thể xâm nhập, gây viêm màng ối, khiến màng ối có thể vỡ ra trong bất kỳ thời gian nào của thai kỳ. Bé sinh trong tình trạng vỡ ối non, nhiễm trùng ối rất khó cứu sống. Nhiễm trùng ối còn gây ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ của sản phụ.
Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến thai phụ dễ bị sinh non và gặp những biến chứng nguy hiểm với cả mẹ bầu và thai nhi.
Nhiễm trùng nước ối là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến thai phụ dễ bị sinh non. (Ảnh minh họa).
Bất thường nhau thai
Bất thường ở nhau thai cũng được cho là nguyên nhân khá phổ biến gây sinh non. Một số vấn đề xấu ở nhau thai là nhau thai thấp, bong nhau non. Khi mắc các chứng bệnh này, sản phụ cần được nhập viện để các bác sĩ theo dõi cẩn thận, đồng thời có thể mổ đẻ khẩn cấp trong trường hợp nguy kịch.
Cổ tử cung bất thường
Trong một số trường hợp, cổ tử cung của mẹ bầu có thể giãn nở sớm trước 37 tuần thai, khiến mẹ bị vỡ ối sớm và sinh non. Tuy nhiên, giãn tử cung sớm có thể được phát hiện qua siêu âm thai. Vì vậy để ngăn ngừa nguy cơ này, mẹ bầu cần khám thai theo đúng lịch định kỳ bác sĩ chỉ định.
Đa thai
Các bà mẹ mang bầu song thai hoặc đa thai cũng có nguy cơ sinh non cao bởi trọng lượng của các thai nhi quá lớn sẽ gây áp lực lên tử cung và không thể tránh khỏi nguy cơ sinh non.
Thai nhi bị dị tật bẩm sinh cũng dễ sinh non. (Ảnh minh họa).
Nước ối quá ít hoặc quá nhiều
Khi ở trong bụng mẹ, thai nhi sẽ được bảo vệ và nuôi dưỡng bởi bọc ối. Tuy nhiên, quá nhiều hoặc quá ít nước ối đều không tốt và có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm đặc biệt là sinh non.
Thai nhi bất thường
Nếu thai nhi gặp những bất thường như khuyết tật ống thần kinh, rối loạn chuyển hóa hoặc bất cứ dị tật bẩm sinh nào… đều có nguy cơ khiến mẹ sinh non. Vì vậy những người mẹ có thai nhi bất thường cần được theo dõi chặt chẽ tại các cơ sở y tế.
Ngoài ra trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày mẹ bầu cũng sẽ rất dễ sinh non nếu mắc phải những thói quen xấu sau đây:
Ăn quá nhiều
Không phải cứ mang thai là bạn có thể thích ăn bao nhiêu tùy ý vì cho rằng sẽ tốt cho thai nhi. Sự thật là ăn uống mất kiểm soát dễ dẫn đến béo phì và khiến bà bầu dễ mắc chứng tiền sản giật hay đái tháo đường khi mang thai. Hai căn bệnh này đều là những nhân tố gia tăng nguy cơ sinh non nhanh nhất cho bất cứ mẹ bầu nào.
Hút thuốc
Hút thuốc (gồm cả hút chủ động hay thụ động) rất có hại cho sức khỏe con người. Với bà bầu, độ nguy hiểm của thuốc lá lại càng tăng lên gấp bội. Khi hút thuốc, cơ thể sẽ hấp thụ khoảng 4000 chất hóa học, trong đó có nicotin và carbon monoxide - hai hợp chất đặc biệt có hại cho thai nhi. Nicotine sẽ thu hẹp các mạch máu phụ trách vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng trong cơ thể, bao gồm cả mạch máu trong dây rốn. Trong khi đó, carbon monoxide bám dính lấy các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy đến thai nhi làm gia tăng nguy cơ sinh non cho mẹ bầu.
Vệ sinh răng miệng không tốt
Các nghiên cứu đã cho thấy khi mắc các bệnh truyền nhiễm răng miệng, cơ thể sẽ tiết ra hormone kích thích quá trình sinh đẻ của bà bầu. Bất cứ căn bệnh nào liên quan đến đường miệng như sâu răng, viêm lợi hay loét miệng đều có thể dẫn đến hiện tượng sinh non. Vậy nên, bạn cần chăm sóc răng miệng cẩn thận để đảm bảo cho con mình được sinh ra khỏe mạnh, đủ ngày đủ tháng.
Tập thể dục quá nhiều
Cũng giống như việc ăn uống, khi mang thai bạn cần duy trì một chế độ tập luyện hợp lý để mang đến lợi ích tốt nhất cho cơ thể. Tập thể dục vừa phải sẽ giúp mẹ bầu tránh mắc nhiều bệnh thai kỳ, ví dụ như đái tháo đường. Tuy nhiên, tập quá sức sẽ khiến bụng bạn bị đè nén, có hại cho thai nhi.
Bị stress
Tình trạng stress ở mẹ bầu sẽ làm giảm khả năng vận chuyển chất dinh dưỡng của nhau thai. Mẹ bầu sẽ có cảm giác đói thường xuyên hơn nhưng các chất dinh dưỡng lại không được truyền cho thai nhi một cách hiệu quả. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu cân, chậm phát triển ở bào thai và thậm chí khiến mẹ bầu sinh bé sớm hơn so với dự định.
Uống rượu bia và dùng chất có cồn
Dùng rượu bia khi mang thai sẽ cực kỳ nguy hiểm cho thai nhi. Uống rượu bia dù chỉ một ngụm nhỏ, chất cồn trong cơ thể mẹ sẽ được truyền đến bào thai. Không giống như cơ thể người lớn có thể đào thải chất độc hại qua gan, bào thai vẫn đang trong quá trình hình thành, chưa thể xử lý các chất độc. Không chỉ có hại cho sự phát triển của bào thai, chất cồn trong rượu bia sẽ là tác nhân gia tăng nguy cơ sinh non cho mẹ bầu.
Uống quá nhiều cà phê
Caffeine có trong cà phê và nhiều thực phẩm khác như sô-cô-la, nước có ga và nhiều đồ uống khác cũng góp phần khiến cho em bé của bạn ra ngoài sớm hơn so với dự định. Caffeine là chất kích thích làm tăng nhịp tim và các triệu chứng ợ nóng, ợ chua. Trong quá trình mang thai, cơ thể sẽ tiêu thụ caffeine chậm hơn so với bình thường, khiến chất này dồn ứ trong máu. Quá nhiều caffeine trong cơ thể (nhất là trong 3 tháng đầu) sẽ làm tăng nguy cơ sinh non hay thậm chí sảy thai.