Một tinh thần rất khác vào ngày 20/10, cách 1 người phụ nữ tự hào vì mình là phụ nữ bằng việc yêu chồng, yêu việc sinh đẻ, mê con, mê tiền bạc như Vũ Hồng Phúc.
Từng nổi tiếng với thú chơi đắt đỏ với bộ sưu tập Hermes triệu đô, nên không cần bàn về độ giàu có của hot mom Vũ Hồng Phúc (Cún Bông) nữa. Chỉ xin nói về cách người phụ nữ này sống, làm việc và cả việc… sinh đẻ, ở cữ.
Không chọn cách yếu đuối để tìm 1 người đàn ông mà nương vào, nhưng chị cũng không bao giờ phủ nhận vai trò người đàn ông và luôn khẳng định rất cần họ trong cuộc đời này. Ngay cả cách chị đi đẻ cũng vậy, dù lần thứ 7 lên bàn sinh nhưng hot mom không bao giờ bộc lộ dấu hiệu lo lắng về việc “bẻ gãy xương sườn” như đau đẻ. Chị vẫn vui vẻ livestream ngay trên giường sinh.
Gia đình hạnh phúc của hot mom Vũ Hồng Phúc. (Ảnh: NVCC)
Năng lượng tích cực chị mang lại khiến nhiều phụ nữ như được truyền cảm hứng. Cún Bông cho biết không phải vì đẻ đến lần 7 mà chị không còn xúc động hay lo lắng hoặc thậm chí sợ hãi, mà vì chị biết cách làm làm đơn giản hóa nỗi sợ đi.
Cún Bông lao động như thể ai bóc lột mình hoặc phải chạy KPI bán hàng cho đủ doanh số vậy. Chị vẫn làm việc trên giường sinh, ngay sau khi vừa đẻ xong. 7 lần sinh đẻ nhưng người ta không thấy Cún Bông… ở cữ. Đã xa rồi hình ảnh sản phụ mặc bộ pijama nút bông tai và đi tất ngồi trên giường ôm con. Cún Bông 10 ngày sau sinh đã lồng lộn tái xuất như gái 18.
Nếu không nói cũng không thể nhận ra chị vừa trải qua “cơn địa trấn” sinh đẻ. Đôi lúc thấy chị bế con, lúc thấy chị lồng lộn như model trình diễn thời trang, làm việc lúc sắp và sau sinh như quên mất mình sắp hoặc vừa hoàn thành một nhiệm vụ trọng đại. Người ta thấy Cún Bông sống vội như thông điệp “tôi chỉ có 1 cuộc đời để sống” và cứ thế háo hức với tất cả, say mê với mọi nhiệm vụ, ít khi than phiền.
Bầu bí nhưng bà mẹ 7 con vẫn giữ được vóc dáng vẫn thon gọn, quyến rũ. (Ảnh: NVCC)
Cún Bông mê tiền, mê công việc hay mê con, mê chồng? Không cần đợi chị trả lời cũng dễ nhận ra chị mê tất cả. Chị không ngần ngại thể hiện mình mạnh mẽ, cũng chẳng ngại khẳng định mình cần tình yêu thương của chồng, chị yêu thích việc làm mẹ mà sinh đẻ đến 7 lần nhưng cũng chẳng chịu làm mẹ đơn thuần mà buông bỏ công việc.
Cún Bông cứ thế yêu và sống, thực hiện các thiên chức và đam mê bằng một tình yêu, không than vãn, không quá trầm trọng đẩy mọi việc lên cao trào nhưng luôn thể hiện sự háo hức và nhiệt thành. Cách của Cún Bông là… hành động và hành động. Vì vậy, dù sinh con lần 7 chị cũng chẳng “bánh bèo” mà cứ để mình bị cuốn đi bằng háo hức, bằng mê say.
Vì vậy, vào ngày 20/10 mới có cuộc trò chuyện này, với người phụ nữ đặc biệt ấy.
Sinh con lần 7 mà chưa thấy chị một lần kêu ca đau ốm, mệt mỏi, có khi nào chị được miễn nhiễm?
Tôi cũng như bao mẹ khác, có ốm nghén, có mệt mỏi và phải trải qua rất nhiều khó khăn của thai kỳ. Lần sinh em bé thứ 7 này thực tế sức khỏe tôi yếu hơn. Trong những tháng đầu tiên tôi bị ra máu liên tục, nhập viện liên tục. Nhưng bằng sự cố gắng và cũng do đã có nhiều kinh nghiệm nên tôi cho mình chế độ chăm sóc sức khỏe tốt, hợp lý. May mắn tôi sinh em bé trộm vía khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông.
Tôi kể như vậy để thấy rằng tôi không phải là thần tiên. Tôi vẫn trải qua mọi thứ đau đớn và lo lắng giống các mẹ bầu khác, thậm chí có thể khó khăn hơn. Nhưng tôi luôn cố gắng lạc quan, không kêu than nhiều. Nếu khó khăn sẽ tự giải quyết và tìm bác sĩ để được tư vấn, chứ không thích kêu ca trên mạng. Do vậy mọi người có thể nghĩ tôi dễ dàng trong thai kỳ hay sinh nở.
Lại có người bảo giàu như Vũ Hồng Phúc thì đương nhiên không sợ đẻ…
Tôi nghĩ sinh đẻ không liên quan nhiều đến chuyện giàu nghèo. Nhiều người họ không hẳn quá giàu có, nhưng vì thích đông con và có sức khỏe vẫn muốn đẻ thêm. Ngược lại có những người có điều kiện kinh tế, nhưng họ không thích thì cũng không đẻ nữa.
Tôi quan niệm con cái vừa là cái duyên của cha mẹ và cũng là sự lựa chọn.
Vì sao dư sức cho mình nhàn nhã, nghỉ ngơi trước và sau sinh, nhưng Cún Bông vẫn làm như thể ngày mai là ngày tận thế vậy?
Như tôi cũng hay nói đùa, mà thực ra là trong đùa có thật. Làm bà mẹ của 7 em nhỏ không phải dễ dàng, tôi phải cố gắng nhiều hơn và nhiều trách nhiệm hơn. Công việc tôi cố gắng không chỉ cho một mình tôi, mà còn bao nhiêu con người cũng phụ thuộc theo mình.
Tôi lựa sức mình, nếu cố làm được gì tôi sẽ làm chứ không muốn ì trệ vì mình là bà đẻ mà được quyền nghỉ ngơi. Hơn nữa bây giờ xã hội cũng hiện đại tân tiến rồi. Khi sinh em bé còn có nhiều người xung quanh, nhiều dịch vụ trợ giúp, nên mẹ cũng nhàn hơn và có nhiều thời gian cho việc khác.
Sau sinh tôi thuê y tá đến tắm và kiểm tra chăm sóc em bé hàng ngày. Đó là việc các bà mẹ thường làm nhưng tôi dành thời gian đó để làm việc quản lý và kinh doanh. Tôi không ôm đồm tất cả mọi việc vào mình, rồi lại kêu khổ. Xã hội dù sao cũng phân công lao động cả rồi.
Như người ta nhìn thấy Cún Bông đi đẻ nhẹ như lông hồng và chẳng lo lắng gì, nhưng thực tế thì chị đã phải chuẩn bị như thế nào?
Không phải trước khi đi đẻ tôi mới chuẩn bị mà tôi chuẩn bị trong một thời gian dài. Cái quan trọng nhất của người phụ nữ luôn là sức khỏe, nên tôi ý thức điều này. Tinh thần của tôi cũng cố gắng vui vẻ. Dù có lo lắng, nhưng tôi cố làm thứ khác để quên đi. Ví dụ nằm trong bệnh viện chờ đẻ, tôi livestream cho vui để xua tan căng thẳng. Tôi cũng may mắn trộm vía là không bị đau nhiều như nhiều mẹ khác, nên có thể tinh thần tốt hơn. Tuy nhiên, các mẹ đi đẻ cũng nên giữ tâm lý vui vẻ, thả lỏng nhẹ nhàng nhé.
Quan điểm của chị như thế nào về chuyện đi đẻ hiện nay?
Tôi nghĩ ngày nay y học hiện đại tân tiến, nên cũng giúp ích nhiều cho việc sinh nở của phụ nữ. Nhưng về bản chất thì phụ nữ nào cũng trải qua những cơn đau đẻ tự nhiên, dù y học hiện đại đến đâu cũng chỉ giúp ích được phần nào.
Theo chị trước khi lâm bồn phụ nữ cần chuẩn bị kỹ điều gì?
Ví tiền và tinh thần, phụ nữ đi đẻ mà không bị áp lực tài chính thì tinh thần sẽ đỡ lo nghĩ căng thẳng hơn. Hầu như phụ nữ ngày nay đi đẻ ai cũng vậy, đều chuẩn bị kĩ cả hai thứ quan trọng nhất này.
Dù là người phụ nữ độc lập về kinh tế, nhưng Cún Bông luôn cho rằng sự sát cánh của chồng vào lúc chuẩn bị và trong lúc vượt cạn là quan trọng, 2 điểm này có gì mâu thuẫn với nhau không?
Tôi thấy không có gì mâu thuẫn cả. Phụ nữ dù anh hùng hào kiệt đến đâu cũng luôn mong cầu được yêu thương chăm sóc, đó là nhu cầu cơ bản tự nhiên của con người, ai cũng vậy cả thôi. Nhất là khi ở trên bàn đẻ, dù có bao người xung quanh, nhưng nếu có cái nắm tay hay bờ vai của người đàn ông yêu thương mình bên cạnh vẫn là tốt nhất. Đó vẫn là điều mọi phụ nữ trên thế giới này mong cầu.
Phụ nữ có người đấu tranh cho nữ quyền bằng cách kêu gọi đàn ông phải biết rửa bát, người lại cho rằng phụ nữ phải mạnh mẽ lên, sống cho mình trước nhất. Còn chị định nghĩa thế nào về nữ quyền?
Tôi quan niệm về nữ quyền là khi chúng ta không còn cần phải kêu gọi về nữ quyền nữa. Bởi những gì tự nhiên, tất nhiên rồi thì không cần phải kêu gọi nữa. Một khi vẫn còn kêu gọi đàn ông giúp phụ nữ rửa bát, thì đấy càng không phải là nữ quyền.
Rửa bát vốn không phải là việc của riêng phụ nữ, nên đàn ông không cần phải “giúp”. Trong một gia đình thì đều là việc chung. Đã qua rồi cái thời “đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm”. Bây giờ đàn ông cùng xây nhà với đàn bà và đàn bà cùng xây tổ ấm với đàn ông.
Tôi chỉ mong muốn, bản thân tôi cũng như tất cả phụ nữ, ai cũng luôn mạnh mẽ, có thể làm những công việc mình yêu thích, sống dung hòa giữa yêu bản thân và yêu gia đình.
Chúng ta không cần phải phấn đấu để trở thành một người phụ nữ vĩ đại. Chúng ta chỉ được cần sống như một người phụ nữ bình thường, được yêu thương và biết yêu thương.