Đừng “choáng” khi bé yêu có đầy lông, da nhăn nheo hay chân tay tím tái… nhé, vì đây là những đặc điểm hoàn toàn bình thường với trẻ sơ sinh.
Cuối cùng, giây phút mà bố mẹ trông đợi qua hơn 9 tháng dài thai nghén cũng đã đến: bé yêu nhà bạn đang “oe oe” cất tiếng khóc chào đời. Nhưng đón con yêu từ tay bác sĩ và lần đầu tiên ngắm nhìn khuôn mặt bé, bố mẹ đừng vội thất vọng hay ngạc nhiên đến ngỡ ngàng nhé, vì có thể con yêu vừa mới chào đời sẽ không xinh như một “thiên thần nhỏ” mà bạn hằng mong ước đâu. Bé có thể sẽ có những đặc điểm khiến bố mẹ vừa bị “sốc”, vừa lo lắng không yên, nhưng lại hoàn toàn bình thường giống với hầu hết trẻ sơ sinh khác.
Em bé “đầu to”
Đầu của bé sơ sinh luôn to hơn so với phần còn lại của cơ thể (hình minh họa)
Với trẻ sơ sinh, đầu sẽ vẫn còn to hơn so với phần còn lại của cơ thể và bằng 1/4 chiều dài. Bé càng nhỏ thì bố mẹ sẽ càng thấy rõ sự chênh lệch này. Không những vậy, đầu bé còn có thể không tròn trịa, nhất là với các bé sinh qua ngã âm đạo, mà thường sẽ hơi dài và nhọn vì phải khuôn theo cổ tử cung khi đi ngang qua làm cho các lớp xương sọ phải chồng lấp lên nhau. Đôi khi áp lực qua đường sinh còn làm cho đầu bé bị u ở 1 hoặc cả 2 bên, đặc biệt nếu bé sinh bằng các dụng cụ hỗ trợ như kèm thì trên đầu bé còn có cả vết bầm. Nếu bé nhà bạn có những vấn đề như trên, đừng vội lo lắng nhé, vì các u hay vết bầm này không gây tổn thương gì cho bé và chúng sẽ xẹp xuống trong vài tuần sau đó.
Da con sao… xấu thế?
Bố mẹ đừng vội hốt hoảng hay bị “sốc” khi trông thấy làn da bé, thay vì láng mịn, mềm mại như các em bé mà bạn hay xem trên phim ảnh, lại nổi đầy các vết mẩm đỏ, nhăn nheo, hay có khi còn bị bám đầy các lớp chất gây màu trắng xấu xí, kèm theo cả những mảng lông đang bong tróc… Sự thật, hầu như bé nào sinh ra cũng có những đặc điểm này.
Những vết đỏ, có khi nổi thành đám hay chi chít trên da mặt bé là do làn da trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, dễ bị kích ứng, nhất là trong 24 giờ đầu tiên khi bé chính thức bước ra khỏi môi trường nước ối ấm áp và vô trùng của mẹ để đến với thế giới đầy xáo động. Khi sinh ra đời, làn do non nớt của bé phải tiếp xúc với hàng loạt những tác nhân gây dị ứng như găng tay của bác sĩ và nhân viên y tế, các chất tẩy rửa dùng để tắm bé, … cả chiếc khăn bông êm ái để quấn bé cũng có thể làm tăng thêm tình trạng kích ứng. Da bé cũng có thể bị nổi các mụn trắng nhỏ lấm tấm do sự tắc nghẽn các mạch của tuyến bã nhờn làm mịn da. Khi đó, mẹ đừng dùng bất cứ loại kem hay thuốc bôi nào, vì sẽ càng làm tăng thêm tình trạng mẫn cảm trên da bé. Các nốt đỏ hay mụn trắng này sẽ tự mất đi dần dần sau 1 vài ngày hoặc 1 vài tuần, tùy theo cơ địa của bé.
Một vài bé còn có làn da bị bao phủ hoàn toàn bởi 1 lớp sáp trắng còn gọi là chất gây, có bé lại chỉ có lớp gây này ở mặt và tay. Lớp gây giúp mẹ sinh bé dễ dàng hơn, đồng thời cũng giúp bảo vệ làn da mỏng manh của bé chống lại các loại nhiễm trùng thông thường và sẽ tự động tróc ra trong vòng 2 – 3 ngày sau khi bé chào đời.
Đừng hốt hoảng vì cơ thể con có nhiều chỗ bị sưng nhé!
Mắt “sưng húp và nhắm tịt” là hoàn toàn bình thường với bé sơ sinh, vì vậy đừng quá lo lắng bố mẹ nhé (hình minh họa)
Có nhiều cặp vợ chồng vừa lên chức bố, mẹ đã rất hoảng khi con yêu của mình bị sưng ở nhiều chỗ như mắt, vú hay bộ phận sinh dục, kèm theo đó là nỗi lo lắng không yên vì sợ sức khỏe bé có vấn đề. Nếu bạn cũng nằm trong số này thì hãy dẹp mối lo đi mà vui đón bé, vì đây là điều hết sức bình thường ở các trẻ sơ sinh.
Thông thường, bé mới sinh không thể mở mắt ngay được vì bị sưng húp do đầu chịu áp lực lúc mẹ rặn sinh. Sự cọ sát này có khi còn làm vỡ các mạch máu nhỏ bên trong giác mạc. Tuy vậy, bố mẹ hãy yên tâm, vì tình trạng này là vô hại và sẽ tự tan dần sau khi bé được khoảng 2 tuần tuổi. Bố mẹ cũng đừng dùng tay vạch mắt bé ra nhé, chỉ cần bế bé sao cho đầu bé cao hơn đầu bạn, mắt bé sẽ tự động mở ra ngay.
Vú của bé trai lẫn bé gái cũng sẽ lớn hơn bình thường, thậm chí còn tiết ra 1 ít sữa non. Không những vậy, hiện tượng sưng còn xuất hiện ở bộ phận sinh dục của bé sơ sinh, gồm cả bé trai và bé gái, làm cho cơ quan sinh dục của các bé trông quá to. Ở bé gái còn có thể xảy ra hiện tượng xuất huyết nhẹ ở âm đạo (giống như kinh nguyệt) vào vài ngày đầu sau sinh. Nguyên nhân là do có quá nhiều hormone của mẹ đi vào cơ thể bé thông qua nhau thai hay sữa mẹ. Khi đó, mẹ chỉ cần vệ sinh bộ phận sinh dục bé cẩn thận và không nên có bất cứ can thiệp nào khác, vì hiện tượng sưng phù này sẽ tự chấm dứt sau vài ngày.
Lông đầy mình
Nhiều bé sinh ra với cơ thể phủ đầy 1 lớp lông mịn, có bé lông phủ dày ở phần lưng hay vai, điều này là hoàn toàn bình thường. Lớp lông này, hay còn gọi là lông tơ, đã có từ khi bé còn trong tử cung của bạn. Các mẹ đừng vì sợ bé sẽ bị rậm lông sau này mà tự nhổ cho bé, sẽ làm cho bé đau. Cách tốt nhất là để cho chúng tự rụng trong vòng vài tuần lễ. Sau khi lớp lông này rụng đi, lớp lông vĩnh viễn mới bắt đầu mọc thay thế. Mẹ cũng chú ý là màu tóc khi mới sinh của bé cũng có thể thay đổi nữa đấy nhé.
Lông đầy mình cũng chẳng sao, vì chúng sẽ rụng đi ngay sau đó ấy mà (hình minh họa)
Mắt con bị ghèn và… lác
Bố mẹ nào mà chẳng cảm thấy bất an khi mắt con yêu nổi ghèn và trông cứ như là đang bị … lác. Tuy vậy, tình trạng này thường thì sẽ không gây hại gì cho bé, vì một số bé sơ sinh có thể bị ghèn do nước mắt bé không thoát được ra ngoài mà khô đọng trên mí mắt bởi tuyến lệ của bé chưa hoạt động tốt và đóng mở linh hoạt như người lớn. Để bé bớt khó chịu, mẹ chỉ cần nhỏ mắt và vệ sinh sạch mắt bé bằng bông y tế với nước muối sinh lý 0,9%. Hiện tượng này sẽ tự mất sau vài tuần, nếu tuyến lệ không tự thông khi bé đã hơn cả tháng tuổi, mẹ cần mát xa thường xuyên cho bé hoặc đến bác sĩ nhi khoa để thực hiện thủ thuật nhỏ giúp bé thông tuyến lệ.
Với các bé trông như bị lác, có thể đây không phải là khuyết tật ở mắt, mà đơn giản vì mắt bé sơ sinh có thể nhìn nghiêng, nhìn chéo do không thể tập trung cả 2 mắt cùng một lúc với các khoảng cách xa hơn 20cm. Khuyết điểm này sẽ được điều chỉnh khi các cơ mắt phát triển toàn diện trong khoảng 1 tháng sau khi bé chào đời. Nếu đến 3 tháng mà mắt bé vẫn ở trong tình trạng này, bố mẹ cần đưa bé đến bác sĩ để thăm khám lại.
Tay, chân con… tím tái
Lần đầu tiên ôm bé trong vòng tay, bố mẹ có thể sẽ rất hoang mang khi thấy tay chân của bé tím hoặc xanh tái thay vì hồng hào như da những em bé vừa sinh trước bé. Khi đó, chớ vội hốt hoảng bố mẹ nhé. Nếu bé vẫn thở và cử động bình thường thì không có gì để bố mẹ phải “lăn tăn” về sức khỏe con yêu. Bởi sau khi sinh, hệ tuần hoàn còn non yếu của trẻ sơ sinh phải mất 1 thời gian (ít nhất là 10 phút) mới cung cấp máu và oxy đầy đủ cho toàn bộ cơ thể bé. Rồi thì bé tay chân bé cũng sẽ hồng hào lên ngay thôi.
Dù chân tay tím tái là chuyện bình thường với trẻ mới sinh, nhưng bố mẹ vẫn phải ủ ấm bé cẩn thận đấy nhé (hình minh họa)
Vết chàm trên da bé có nguy hiểm không?
Với một số bé, ngay từ khi chào đời đã có các vết chàm trên bề mặt da, ở các vị trí khác nhau. Hầu hết các vết chàm này được hình thành từ một nhóm các mạch máu nhỏ dưới da, và hầu như vô hại nên không cần chữa trị. Có các loại vết chàm phổ biến ở trẻ sơ sinh mà bố mẹ nên biết:
- Vết cò mổ. Những vết chàm này trông như vết cò mổ màu hồng nhạt, rất phổ biến và thường xuất hiện ở mũi, mí mắt, phía sau ót và thường tự biến mất sau khi bé được trên 1 tuổi.
- Bớt hình trái dâu tây. Đầu tiên các vết chàm này sẽ xuất hiện như những mụt li ti màu đỏ mà kích thước có thể tăng dần đến cuối năm tuổi đầu tiên của bé, và hầu như chúng sẽ biến mất hoàn toàn sau khoảng 5 năm.
- Vết chàm. Những bé có nước da ngâm đen thường sẽ có các vết chàm màu xanh trông như các vết bầm và sẽ tự phai dần theo thời gian khi bé lớn lên.
- Bớt màu rượu vang. Các bớt này thường phẳng, không lồi, to, có màu đỏ hay tím và thường xuất hiện ở mặt hoặc cổ của bé. Không may là các bớt này sẽ tồn tại vĩnh viễn, vì vậy, nếu bố mẹ thấy không an tâm thì nên đưa bé đến bác sĩ để thăm khám và can thiệp sớm, tránh để ảnh hưởng đến ngoại hình của bé sau này.
Tóm lại, dù bé có thể không như bố mẹ hình dung trước đó, nhưng bé chính là kết tinh tình yêu của cả cha và mẹ. Chỉ cần bạn ôm bé vào lòng, âu yếm bé, tình cảm sâu đậm sẽ được hình thành và tạo thành sợi dây gắn kết thiêng liêng giữa bé với mẹ, với bố và cả gia đình.