Mắc bệnh thủy đậu khi mang thai

Ngày 13/01/2013 15:17 PM (GMT+7)

Thai phụ nhiễm thủy đậu sẽ phải đối diện với nguy cơ xấu ảnh hưởng tới thai nhi.

Bệnh thủy đậu tuy ít xảy ra ở người lớn, nhưng khi xảy ra thì biến chứng lại nặng nề hơn so với trẻ em. Thai phụ nhiễm bệnh thủy đậu có nguy cơ viêm phổi do VZV từ 10-20%. Trong số những người viêm phổi do VZV, nguy cơ tử vong lên đến 40%. Tỷ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu cao nhất trong số những người lớn nhiễm bệnh này.

Nguy cơ cho mẹ

Bệnh thủy đậu (thường gọi là trái rạ) là bệnh lây lan qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp gây nhiễm Varicella zoster virus (VZV). Thời gian ủ bệnh khoảng hai tuần. Triệu chứng lâm sàng thường dễ nhận biết: sốt, mệt mỏi và nổi bóng nước khắp người, đường kính bóng nước 2-5mm. Đây là một bệnh lành tính thường gặp ở trẻ em (khoảng 90% trường hợp mắc bệnh xảy ra ở trẻ dưới 10 tuổi), tỷ lệ tử vong khoảng 1/50.000 trường hợp tại Mỹ.

Theo nhiều nghiên cứu khác nhau, tần suất mắc bệnh thủy đậu nguyên phát (mắc bệnh lần đầu tiên) trong thai kỳ khoảng 5/10.000-7/10.000, bởi hầu hết thai phụ từng mắc bệnh khi còn nhỏ hoặc đã được chủng ngừa trước đó.

Mắc bệnh thủy đậu khi mang thai - 1

Dù là bệnh lành tính nhưng khi thai phụ bị nhiễm thủy đậu có thể bị những biến chứng nguy hiểm (Ảnh minh họa)

Phụ nữ từng nhiễm bệnh thủy đậu trước khi mang thai hoặc đã được chủng ngừa bệnh thủy đậu thì miễn dịch với bệnh này, trong cơ thể đã có kháng thể chống lại bệnh. Do đó, khi mang thai, những thai phụ đã có kháng thể chống lại bệnh thủy đậu không phải lo lắng về biến chứng của bệnh đối với bản thân họ cũng như thai nhi.

Nguy cơ cho con

Đối với những thai phụ mắc bệnh thủy đậu nguyên phát khi mang thai, sự ảnh hưởng của bệnh trên thai nhi tùy vào từng giai đoạn tuổi thai:

- Trong ba tháng đầu, đặc biệt là tuần lễ thứ 8-12 của thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 0,4%. Biểu hiện thường gặp nhất của hội chứng thủy đậu bẩm sinh là sẹo ở da. Những bất thường khác có thể xảy ra là tật đầu nhỏ, bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, nhẹ cân, chi ngắn, chậm phát triển tâm thần. Ngoài ra, có thể gây sẩy thai hoặc thai chết lưu.

- Trong ba tháng giữa, đặc biệt là tuần 13-20 của thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 2%.

- Sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ, hầu như không ảnh hưởng trên thai.

Nếu người mẹ nhiễm bệnh trong vòng năm ngày trước sinh và hai ngày sau sinh, bé sơ sinh dễ bị bệnh thủy đậu lan tỏa do mẹ chưa có đủ thời gian tạo kháng thể truyền cho thai nhi trước sinh. Tỷ lệ bé sơ sinh tử vong lúc này lên đến 25-30% số trường hợp bị nhiễm. Để tránh nguy cơ lây bệnh cho con, ngay sau sinh bé cần được dùng varicella zoster immune globulin và cách ly với mẹ.

Mắc bệnh thủy đậu khi mang thai - 2

Thai phụ cần được chăm sóc chu đáo, nghỉ ngơi, uống nước nhiều, ăn thức ăn lỏng để dễ tiêu hóa khi bị nhiễm thủy đậu (Ảnh minh họa)

Cách xử trí

Khi mắc bệnh thủy đậu, thai phụ cần được nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu hóa, nếu sốt có thể dùng thuốc hạ sốt paracetamol. Giữ vệ sinh thân thể, tránh làm vỡ những bóng nước vì có nguy cơ bội nhiễm.

Vì nguy cơ cao do biến chứng của bệnh thủy đậu, các thai phụ chưa có kháng thể bảo vệ (chưa từng bị bệnh thủy đậu hoặc chưa được chủng ngừa trước khi mang thai) nên dùng varicella zoster immune globulin (VZIG) trong vòng 72 giờ đầu sau khi phơi nhiễm với bệnh.

Việc dùng VZIG không phòng ngừa được nhiễm trùng bào thai, hội chứng thủy đậu bẩm sinh cũng như bệnh thủy đậu sơ sinh. Như vậy, việc dùng VZIG cho thai phụ chỉ phòng ngừa biến chứng nặng ở mẹ chứ không giúp ích cho thai nhi hoặc trẻ sơ sinh.

Để dự phòng biến chứng trên con nên dùng VZIG cho bé sơ sinh.

Đối với thai phụ nhiễm bệnh thủy đậu diễn tiến nặng có nguy cơ viêm phổi, nên được tư vấn dùng Acyclovir đường tĩnh mạch để giảm nguy cơ cho cả mẹ và thai. Acyclovir có vai trò ức chế sự phát triển của virus nên ức chế sự phát triển của bệnh.

Phòng bệnh

Nên chủng ngừa bệnh thủy đậu khi còn bé hoặc ít nhất ba tháng trước khi mang thai. Khi mang thai nên tránh tiếp xúc với người bệnh thủy đậu. Giữ vệ sinh môi trường và vệ sinh thân thể tốt.

Theo TS.Bs Lê Thị Thu Hà (Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh)
Nguồn:

Tin bài cùng chủ đề Bệnh dịch