U xơ tử cung trong thai kỳ gây ra những hậu quả nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Mặc dù u xơ tử cung thường được phát hiện trong thai kỳ do có sự liên quan mật thiết với việc tăng lượng nội tiết tố estrogen đặc thù ở giai đoạn này, gây ra những hậu quả nguy hiểm cho cả mẹ và bé như gây sẩy thai, sinh non, suy dinh dưỡng bào thai, băng huyết khi sinh v.v…, nhưng hầu hết thai phụ chưa có nhiều hiểu biết về u xơ tử cung. Tìm hiểu về căn bệnh này sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc phòng ngừa u xơ tử cung trong thai kỳ, đồng thời an tâm dưỡng thai nếu chẳng may phát hiện bệnh lý này trong lúc mang bầu.
Bà bầu mất ngủ vì u xơ tử cung
Phát hiện bị u xơ tử cung ngay từ tháng đầu tiên của thai kỳ, chị Hoàng (Tân Bình, TP HCM) lo lắng không yên. Để có thai, chị và chồng đã phải cố công chạy chữa khắp nơi hết gần 5 năm, nên việc phát hiện một khối u nhỏ trong tử cung làm cả nhà chị mất ăn mất ngủ. Chị càng lo lắng hơn sau khi tìm hiểu về các nguy hại của u xơ trong giai đoạn đầu thai kỳ như gây xuất huyết, sảy thai v.v… Vì vậy mặc dù đang là sếp tại một công ty nước ngoài với mức thu nhập hấp dẫn, chị Hoàng vẫn sẵn sàng bỏ việc để ở nhà dưỡng thai, tăng cường thực phẩm bổ dưỡng nhằm tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra cho thiên thần nhỏ của mình.
Muộn hơn chị Hoàng, chị Vân (Bình Chánh, TP HCM) chỉ phát hiện mình bị u xơ tử cung vào tuần thứ 15 của thai kỳ, khi chị bị đau bụng và ra dịch nâu, đến bệnh viện bác sĩ cho biết đó là các triệu chứng của u xơ. Dù có đến 3 khối u khác nhau, nhưng may mắn do không nằm cùng vị trí nên các khối u này không phát triển mà ngày càng teo đi. Chị đã thật sự thở phào nhẹ nhõm sau hàng tuần theo dõi trong lo lắng và hồi hộp, khi bác sĩ cho biết cả mẹ và con đều không gặp nguy hiểm gì, nếu đến gần sinh mà vẫn tiến triển bình thường thì chị không cần phải sinh mổ.
Khi phát hiện bị u xơ tử cung trong thai kỳ, bác sĩ sẽ khuyên bà bầu nên tăng cường chế độ dưỡng thai, nghỉ ngơi nghiêm ngặt hơn bình thường, thăm khám thường xuyên và cẩn thận xử trí với các biểu hiện bất thường có thể xảy ra. Tuân thủ nghiêm các chỉ định của bác sĩ sẽ giúp cho bà bầu đồng hành cùng căn bệnh này mà vẫn có một thai kỳ bình thường, khỏe mạnh. Trường hợp chị Thi (Q8, TP HCM) là một ví dụ điển hình. Phát hiện bị u xơ khi thai được 12 tuần tuổi, từ đó chị tuân thủ chế độ khám và dưỡng thai nghiêm ngặt của bác sĩ, đồng thời tuyệt đối nằm nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh và uống thuốc do bác sĩ chỉ định khi thấy những biểu hiện bất thường như đau bụng, bé cuộn cứng trong bụng … Nhờ vậy sau 9 tháng 10 ngày vất vả, cả hai mẹ con chị đã vượt cạn an toàn. Kinh nghiệm mà chị Thi thường hay chia sẻ với các chị em có cùng hoàn cảnh là: mặc dù sẽ phải trải qua cảm giác lo âu, mất ngủ khi phát hiện không may mắn mắc căn bệnh này trong thai kỳ, nhưng chị em nên bình tĩnh tìm hiểu kỹ về các loại u xơ tử cung, các tác hại của từng loại u xơ. Việc hiểu biết kỹ về bệnh sẽ giúp chị em có tâm lý vững vàng hơn và từ đó chủ động phòng tránh các tình huống xấu có thể xảy ra.
Dù sẽ trải qua cảm giác lo âu, mất ngủ khi phát hiện u xơ tử cung, nhưng bà bầu
nên bình tĩnh tìm hiểu kỹ về bệnh này. (ảnh minh họa).
Các tác hại của u xơ tử cung trong thai kỳ
Tử cung là một khối cơ, có vai trò như một túi đựng thai nhi khi người phụ nữ mang thai. Khi có một vùng nào đó của tử cung bị xơ hóa thì gọi là nhân xơ tử cung. Nhân xơ tử cung có thể có nhiều kích thước và vị trí khác nhau. Có khi tử cung chỉ có một nhân xơ, nhưng cũng có khi có nhiều nhân xơ (gọi là u xơ tử cung đa nhân), hay khối u to và chiếm toàn bộ tử cung gọi là u xơ tử cung, thường có hình tròn hoặc hơi tròn. Tùy vị trí mà khối u xơ sẽ làm cho người bệnh có các triệu chứng khác nhau, cũng như tiến triển và tiên lượng của khối u khác nhau.
Yếu tố chính ảnh hưởng đến sự phát triển của u xơ tử cung là tình trạng tiết estrogen –một nội tiết tố chủ yếu ở phụ nữ do buồng trứng tiết ra, sẽ thúc đẩy khối u xơ phát triển. Thông thường, u xơ có khuynh hướng to lên từ từ, đặc biệt sẽ to ra nhanh trong khi mang thai do sự gia tăng hoóc môn đột biến trong thai kỳ. Là loại u lành tính thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt ở những phụ nữ lớn tuổi mới có thai, hay những người có thai lần 2 trở lên, u xơ tử cung nếu trong giai đoạn khối u nhỏ thường sẽ không có triệu chứng cụ thể, người bệnh chỉ phát hiện bệnh khi khám phụ khoa định kỳ hay tình cờ siêu âm kiểm tra vùng bụng. Vì vậy mà trước khi mang thai nhiều chị em không biết mình đã bị u xơ tử cung, đến khi có thai mới phát hiện ra.
U xơ tử cung có thể gây các biến chứng trong thai kỳ như đau bụng âm ỉ hoặc đau nhẹ, xuất huyết nhẹ, có thể gây sẩy thai, thai lưu hoặc gây sinh non, dễ làm cho ngôi thai bất thường, rau bám ở vị trí bất thường (rau tiền đạo, rau cài răng lược), nếu các khối u nằm ở vị trí thấp có thể cản trở việc đứa trẻ chào đời, … Đồng thời, bé sinh ra khi mẹ bị u xơ tử cung trong thai kỳ có thể bị nhẹ cân hoặc suy dinh dưỡng do máu nuôi thai phải chia một phần nuôi khối u xơ. U xơ tử cung cũng có thể gây ra các biến chứng tuy ít gặp, nhưng thường rất nặng như xuất huyết trong khối u hoặc xuất huyết vào trong ổ bụng; xoắn bệnh u xơ có cuống hoặc xoắn cả tử cung có mang khối u xơ; có dấu hiệu bất thường ở đường tiểu do bàng quang bị kéo lên cao; nhiễm khuẩn hoại tử do vi khuẩn yếm khí trong thời kỳ hậu sản v.v…
Đối với trường hợp sẩy thai do u xơ tử cung sẽ gây ra tình trạng xuất huyết nhiều vì dễ sót rau và tử cung co hồi kém. Bên cạnh đó, u xơ tử cung còn có thể làm sẩy thai liên tiếp do lớp nội mạc không phát triển đầy đủ, do buồng tử cung bị chèn ép, không phát triển to ra được.
Khi sinh, tử cung có nhân xơ thường to và mềm, nhão nên dễ bị băng huyết, nhiễm trùng sau sinh hay khối u thoái hóa. Nó cũng làm kéo dài cơn chuyển dạ. Những khối u to, nằm ở vị trí tiền đạo có thể làm cho sản phụ không sinh được, phải mổ. Khi sổ rau, sản phụ có u xơ tử cung dễ băng huyết do sót rau hoặc do tử cung co hồi kém. Trong thời kỳ hậu sản, thường là u xơ sẽ nhỏ lại, tuy nhiên, cũng có khi gây biến chứng nhiễm khuẩn, nhất là đối với các u xơ dưới niêm mạc; những u xơ có cuống dễ gây biến chứng xoắn do ổ bụng rỗng đột ngột…
Vì vậy, nthai phụ có u xơ tử cung cần được theo dõi chặt chẽ trong thai kỳ, phòng ngừa sẩy thai, sinh non bằng cách nghỉ ngơi nhiều, dùng thuốc chống co bóp tử cung. Nếu sẩy, nên nạo kiểm tra buồng tử cung để tránh sót rau. Trong khi mổ lấy thai, không nên bóc nhân xơ vì nguy cơ chảy máu rất nhiều và có thể dẫn tới phải cắt tử cung, bác sĩ mổ sẽ chỉ bóc nhân xơ nếu vị trí u xơ nằm ngay mặt trước đoạn eo của tử cung ( vị trí mở cơ tử cung để lấy em bé) hoặc u xơ nằm dưới thanh mạc có cuống có thể kẹp cắt dễ dàng ít gây chảy máu.
Dưỡng thai khi bị u xơ tử cung
Ngoài các kinh nghiệm mà chị Thi đã chia sẻ ở phần trên như nghỉ ngơi nhiều, tuân thủ chặt chẽ lịch khám và tái khám, dùng thuốc chống co bóp tử cung theo đúng chỉ định của bác sĩ …, bà bầu có thể áp dụng chế độ ăn dành cho bệnh nhân bị u xơ tử cung để hạn chế tối đa sự phát triển của khối u trong suốt thời gian mang thai, cụ thể như sau:
Táo có thể tốt cho bà bầu bình thường, nhưng lại là loại trái cây cần tránh nếu
bà bầu chẳng may bị u xơ tử cung (ảnh minh họa)
Các loại thực phẩm cần tránh: Bà bầu không nên ăn thịt màu đỏ, thịt từ động vật có vú như thịt bò, thịt lợn…, hạn chế dùng các sản phẩm sữa có hàm lượng chất béo cao như kem, sữa béo, bơ… vì chứa nhiều kích thích tố, trong đó có estrogen có thể làm cho khối u phát triển to hơn. Cafein trong nước ngọt, socola, trà, cà phê hay thực phẩm có hàm lượng muối cao như đậu nướng, bánh quy, khoai tây chiên, dưa chua, dầu oliu, súp đóng hộp v.v…đều là các thực phẩm bà bầu cần phải tránh xa vì cafein khiến cho các hoạt chất hóa sinh trong cơ thể tăng lên, là nguyên nhân hình thành các khối u, trong khi đó, muối lại được xem là tác nhân khiến gan không thể lọc bỏ được hết các độc tố gây mất cân bằng nội tiết tố nữ. Ngoài các thực phẩm trên, bà bầu cũng cần tránh ăn các loại trái cây hay rau quả làm gia tăng mức estrogen trong cơ thể như táo, anh đào, lê, mận, cà chua, cần tây, củ cải, bông cải xanh, súp lơ, cà rốt, dưa chuột, nấm ….
Các loại thực phẩm nên dùng: Những loại trái cây chứa vitamin C và có màu sắc rực rỡ như cam, chanh, bưởi, ổi, dâu… nên nằm trong thực đơn hàng ngày của bà bầu bị u xơ tử cung, vì đây là những trái cây thuộc họ beta – carotene khi được cơ thể tiêu hóa sẽ biến thành vitamin A có tác dụng thúc đẩy các mô lành mạnh, sửa chữa mô thích hợp, làm thu lại các mô bị bệnh. Các loại rau, củ sống dưới biển như rong biển, rau câu v.v…không chỉ rất tốt về mặt dinh dưỡng mà còn hỗ trợ cơ thể chống lại u xơ tử cung. Ngoài ra, bà bầu cũng nên ăn các loại thực phẩm có mức độ estrogen cân bằng, giàu bioflavonoid như đậu nành, sữa đậu nành, đậu hũ, đậu đen, đậu lăng, v.v… , các loại thịt có màu trắng, thịt từ gia cầm và các loại cá.
Đồng thời, để phòng tránh nguy cơ mắc phải u xơ tử cung trong thai kỳ, trước khi quyết định có thai, chị em nên khám tầm soát bệnh này để được phát hiện và chữa trị sớm. Không nên có thai nếu đang bị u xơ tử cung dù kích thước khối u nhỏ. Cũng lưu ý là u xơ tử cung thường dễ tái phát, nên với các chị em đã từng điều trị u xơ tử cung bằng phương pháp “bóc nhân xơ” cần tránh mang thai ngay sau khi mổ, chỉ nên có thai lại sau 1- 2 năm.