Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy, tâm lý của mẹ khi mang thai có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của em bé.
Độc giả Nguyễn Dung (NĐ) lo lắng: "Vốn là em lấy chồng làm xây dựng nên anh thường xuyên đi công trình vắng nhà. Một năm chỉ về được 2-3 lần nên em tủi thân lắm. Rất nhiều đêm sau khi nói chuyện với chồng qua điện thoại em lại ôm gối khóc vì nghĩ chồng không thương mình hoặc có những suy nghĩ không đâu...
Hôm trước mẹ em ở quê gọi điện lên có bảo em rằng bầu bí thì đừng có khóc lóc nhiều mà phải vui tươi lên. Nếu hay buồn là khi con ra đời nó cũng hay buồn, mặt mũi rũ rượi, chậm chạp, kém thông minh. Thế nhưng có nhiều việc xảy ra mình không thể kiềm chế được.
Bây giờ đến tháng thứ 7 thai kỳ rồi nhưng thời gian em buồn nhiều hơn vui. Em thực sự lo lắng vì nhỡ sau này con em giống như lời mẹ em nói thì sao? Các chị cho em hỏi bầu bí mà hay khóc thế có ảnh hưởng đến con không ạ?"
Giải đáp thắc mắc của độc giả trên, Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cho biết: "Tâm lý của người mẹ khi mang thai có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu người mẹ luôn suy nghĩ, buồn tủi, lo lắng và stress trong thời gian dài có thể khiến thai nhi chậm phát triển, em bé sinh ra dễ đối mặt với nguy cơ tự kỉ, chậm nói, hay quấy khóc, giảm khả năng học tập, dễ mắc bệnh hơn,....
Do đó, người mẹ nên cố gắng giải tỏa tâm lý, giữ tinh thần luôn vui vẻ, thoải mái cùng với chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để giúp em bé phát triển tốt nhất".
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội), tâm lý của mẹ khi mang thai có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của em bé. (ảnh minh họa)
Còn theo điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thu Thanh (Khoa sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) thì: "Trong cuộc sống, có không ít những vẫn đề khiến ta phải suy nghĩ, lo lắng. Đối với bà bầu thì càng dễ bị ảnh hưởng tâm lý bởi những phiền muộn đó hơn. Tuy nhiên, người mẹ cần nhớ rằng, vấn đề quan trọng nhất là sức khỏe và sự phát triển của con.
Nhất là giai đoạn mang thai, não của bé phát triển rất nhanh; do đó, từ khi em bé hình thành trong bào thai, có tim thai, rồi đến khi thai biết máy, cử động,... mẹ nên dành thật nhiều tình cảm cho con, yêu thương con. Mẹ cũng nên trò chuyện nhẹ nhàng với thai nhi, cho con nghe nhạc,... để kích thích trí não bé phát triển; thay vì lo âu, căng thẳng sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của trẻ sau này.
Để em bé và cả mẹ đều khỏe thì tốt nhất, thai phụ nên có chế độ ăn uống hợp lý, tránh căng thẳng, giữ cho tinh thần thoải mái và tâm sinh lý ổn định. Nếu có những lo lắng, buồn phiền thì nên tìm cách giải tỏa như chia sẻ với người khác, nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, tập thể dục nhẹ nhàng hay tham gia các hoạt động khiến tinh thần thoải mái,... Cố gắng bỏ qua những vấn đề phiền muộn trong cuộc sống khiến tâm lý bị ảnh hưởng, hoặc tìm cách giải quyết triệt để giúp tình trang lo âu, buồn bã không kéo dài. Có như vậy em bé sinh ra mới khỏe mạnh và phát triển tốt được".