Khi mang thai, về cơ bản Ly (Lào Cai) chỉ to mỗi bụng, chân tay và khuôn mặt không bị phù lên vì cả thai kỳ tăng cân rất ít nhưng con sinh ra vẫn đạt cân nặng chuẩn.
Mang bầu con đầu lòng nên Ly cũng có nhiều bỡ ngỡ. Suốt cả thai kỳ, về cơ bản Ly chỉ to mỗi bụng, còn chân tay và khuôn mặt không bị phù. Cả thai kỳ Ly chỉ tăng 5,5kg nhưng con sinh ra vẫn được 3,2kg.
Bản thân mẹ bầu xinh đẹp Lào Cai này cũng không biết có phải do cơ địa hay là do cách ăn uống cân bằng của bản thân trong suốt thời gian bầu bí.
Trước khi mang bầu, Ly tập gym nên ăn chế độ của người tập gym. Sau khi bầu, cô vẫn tập gym nhưng các bài tập được hạ độ nặng xuống. Còn chế độ ăn uống, Ly cho biết cũng không quá khắt khe, chỉ cần ăn đủ chất, đúng bữa và chú ý hạn chế 1 số hoa quả có quá nhiều đường ra khỏi khẩu phần ăn hàng ngày là được.
Ly bên con mới sinh. (Ảnh: NVCC)
“Khi chưa mang thai và khi đã mang thai, lúc nào em cũng tìm hiểu cách ăn như thế nào, ăn cái gì, ăn bao nhiêu, ăn lúc nào? Sau đó dựa theo thể trạng cơ thể mà đưa ra cách ăn uống phù hợp nhất với bản thân. Thực ra cách ăn này em đã duy trì rất nhiều năm và đã kiểm soát được cân nặng mà vẫn đủ chất. Cân nặng trước giờ của em rất ổn định, không bao giờ bị đột ngột tăng giảm cân hay rối loạn cân nặng”, Ly chia sẻ.
Mẹ bầu ăn như thế nào?
Ly khẳng định, cách ăn hàng ngày của mẹ bầu rất quan trọng. Khi ăn bữa chính, Ly luôn điều chỉnh thói quen và thực hiện theo 3 không: Không ăn hoa quả cùng bữa ăn; Không uống nước giải khát; Không ăn những thứ có hàm lượng đường cao… Bởi nếu vi phạm sẽ tăng nhanh quá trình chuyển đổi chất béo của cơ thể.
Thông thường, Ly ăn rau và thịt trước. Khi no đến độ 8 phần thì mới bắt đầu ăn tinh bột. Hành động này có thể giúp giảm bớt việc nạp tinh bột quá nhiều.
Lúc ăn, hãy ăn chậm một chút vừa giúp thúc đẩy tiêu hoá lại đẩy nhanh kích thích dạ dày. Lúc đói, mẹ bầu hãy uống 1 cốc nước ấm tầm 10 phút sau mới ăn cơm sẽ giúp giảm bớt cảm giác đói.
Do chế độ ăn uống cân bằng và luôn kiểm soát ăn hàng ngày nên mẹ bầu chỉ tăng 5,5 kg trong thai kỳ. (Ảnh: NVCC)
Mẹ bầu ăn những gì?
Trong giai đoạn bầu bí, chế độ ăn uống hàng ngày của Ly luôn kiểm soát lượng đường, tinh bột tinh chế; giảm bớt đồ ăn, những loại tương và gia vị có đường như: tương cà chua, sốt salad, sốt nướng thịt, sốt mè… đều là những thực phẩm chữa hỗn hợp dầu, đường.
“Khi có bầu em hạn chế ăn hoặc chỉ ăn lượng ít một số loại hoa quả chứa hàm lượng đường cao: nho, dưa hấu, mít, dưa gang, sầu riêng, na, măng cụt, nhãn, vải, dừa, xoài, chuối. Thay vào đó, có thể tham khảo 1 số loại hoa quả ít đường tốt cho bà bầu hơn như: việt quất, táo, dưa chuột, ổi, lê, đào, kiwi, cà chua bi, cam…”, mẹ bầu tỉ mỉ kể lại.
Ngoài ra, Ly cũng cho biết có thể dùng gạo lứt, bánh mì nguyên cám thay thế tinh bột tinh giúp mẹ bầu no lâu và không bị dễ lên cân.
- Ăn nhiều thực phẩm giàu đạm vì sự phát triển của thai nhi cần một lượng lớn chất đạm như: cá, bò, tôm, trứng, sữa…
- Mẹ bầu không uống nước ép và sinh tố vì hàm lượng đường cao (gấp nhiều lần ăn 1 quả gì đó, cảm giác no nhanh hết và cũng không có chất xơ).
- Ngoài những thứ trên ra, có thể bổ sung thêm protein, vitamin B bằng một số thực phẩm khác: đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, đậu gà, đậu nành, đậu phộng, hạt kê…
- Ăn các loại hạt dinh dưỡng ví dụ như: óc chó, hạnh nhân, hạt điều, hạt bí ngô…
- Bổ sung cani, sắt, vitamin B12, DHA theo ý kiến bác sĩ hoặc bổ sung thêm từ các thực phẩm như: sữa, rau xanh, hạt mè, đậu nành, ngũ cốc, lúa mạch, rong biển, rau bó xôi…
- Ăn đồ luộc hấp nhiều hơn, hạn chế ăn đồ nướng, chiên nhiều dầu mỡ. Luộc và hấp cũng giữ được chất dinh dưỡng nhiều hơn đồ chiên nướng, tốt cho mẹ bầu.
Chế độ ăn hàng ngày của Ly có nhiều đồ hấp luộc hơn hẳn đồ chiên nướng. (Ảnh: NVCC)
Mẹ bầu nên ăn thời điểm nào?
Ly cho biết, khi ăn hoa quả hàng ngày, cô sẽ chỉ thường ăn vào bữa phụ buổi sáng hoặc bữa phụ buổi chiều vì lượng đường cũng dễ dàng bị chuyển hoá. Tuyệt đối mẹ bầu Lào Cai không ăn hoa quả vào bữa tối.
- Không ăn bữa tối quá trễ, đặc biệt là sau 20h tối.
- Chỉ ăn nhẹ vào những bữa phụ buổi tối (cách khi vào giường ngủ 1,5-2 tiếng).
- Những gì muốn ăn nhất, nhiều calo nhất sẽ sắp xếp ăn vào bữa trưa trong ngày vì về cơ bản một ngày qua đi là đã đủ thời gian chuyển đổi chất hết.
Khi mang thai, về cơ bản Ly chỉ to mỗi bụng, chân tay và khuôn mặt không bị phù hay béo. (Ảnh: NVCC)
- Ăn bữa chính vào 3 bữa sáng trưa tối. Giữa các bữa này sẽ điểm 3 bữa phụ: dưa chuột, cà chua bi, trứng, hạt dinh dưỡng….
- Trong thời giang mang thai vẫn đều đặn tập luyện các bài tập gym hàng ngày và đi bộ sau ăn.
“Dù trong giai đoạn bầu bí nhưng em luôn duy trì 7 phần ăn, 3 phần tập luyện để duy trì vóc dáng, ăn vào con không vào mẹ mà vẫn có 1 thai kỳ khỏe mạnh. Thú thật em cũng đã chuẩn bị tinh thần mình rất có thể sẽ tăng 10-20kg và rạn da trong thời kì mang thai vì cơ thể sẽ thay đổi rất nhiều khi có bầu. Kết quả bầu không như dự kiến, em chỉ tăng hơn 5kg trong quá trình mang bầu và sinh con ở tuần 39, con được 3,2kg. Đa số dinh dưỡng em nạp đều vào con, chứ chẳng vào em được tẹo nào. Em nghĩ là do cơ địa nhưng cách ăn uống, vận động cũng góp 1 phần không kém”, mẹ bầu nói.