Hiện nay, ngày càng nhiều chị em chọn phương pháp mổ lấy thai.
Với ưu điểm là đỡ đau và có tính thẩm mỹ nên hiện nay, ngày càng nhiều mẹ bầu chọn phương pháp sinh mổ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chị em phải chỉ định đẻ mổ như gặp vấn đề bất thường về nhau thai, thai nhi quá to… Vậy bạn đã thực sự hiểu một ca đẻ mổ diễn ra như thế nào chưa?
Dưới đây là những thắc mắc phổ biến của chị em về đẻ mổ:
Những ai phải đẻ mổ?
Khi bác sĩ chuyên khoa nhận thấy sinh thường có thể gây nguy hiểm cho sản phụ hoặc bé, họ sẽ khuyên bạn sinh mổ. Dưới đây là một số lý do khiến bác sĩ quyết định như vậy:
• Nhau tiền đạo: là khi nhau thai bám thấp trong tử cung hoặc cản đường ra của thai nhi
• Bạn mang thai sinh ba trở lên
• Thai của bạn quá lớn không thể lọt qua khung xương chậu được
• Bạn bị huyết áp cao hoặc một bệnh nguy hiểm nào đó như tiền sản giật
• Sức khỏe của bé đang bị đe dọa và bác sĩ cần đưa bé ra thật nhanh
• Thai có ngôi mông
• Sa dây rốn: khi dây rốn rơi về phía trước cản trở việc bé chui ra ngoài
• Bạn đang bị siêu vi trùng Herpes âm đạo, có thể lây sang bé nếu bé ra ngoài qua âm đạo.
Trong một số trường hợp, chị em phải chỉ định đẻ mổ như gặp vấn đề
bất thường về nhau thai, thai nhi quá to…(ảnh minh họa)
Cần chuẩn bị gì cho ca sinh mổ?
Các mẹ sẽ bắt đầu bằng việc gặp bác sĩ gây mê để trao đổi về tiền sử sức khỏe của bạn và yêu cầu bác sĩ giải đáp những gì bạn thắc mắc. Họ sẽ lấy một ít máu của bạn và đề nghị bạn ký đơn đồng ý sinh mổ. Bạn sẽ được cho uống Antacid để trung hòa axít trong dạ dày và truyền dịch qua ven tay để bác sĩ có thể theo dõi mức nước trong cơ thể và cho bạn thêm thuốc giảm đau nếu cần.
Khi lên đến bàn mổ, bác sĩ gây mê sẽ gây tê cục bộ (ở sống lưng hoặc ngoài màng cứng) cho bạn và bạn sẽ được nối ống dẫn tiểu để làm sạch bàng quang (ống dẫn sẽ vẫn được gắn ở chỗ đó khoảng từ 12 - 24 tiếng đồng hồ sau khi phẫu thuật xong). Bạn cũng có thể được cạo một phần lông mu để làm sạch chỗ cần rạch.
Ca sinh mổ diễn ra như thế nào?
Những bác sĩ phẫu thuật phải là những bác sĩ sản khoa giàu kinh nghiệm. Sau khi thai phụ đã được gây tê, thử phản ứng, bác sĩ rạch một đường chừng hơn 10 cm trên da, rồi đến các lớp mô, và chạm tới tử cung. Chỉ trong vài giây, em bé được đưa ra khỏi túi ối kèm theo cả dây rốn và thậm chí cả nhau thai. Nữ hộ lý sẽ cho người mẹ nhìn thấy em bé nếu người mẹ còn tỉnh táo, trước khi đưa bé chăm sóc. Thời gian kể từ vết cắt đầu tiên tới khi em bé được chào đời chỉ trong khoảng 10 phút. Công việc khâu lại các lớp mô, cơ, đòi hỏi thời gian lâu hơn, khoảng 30 phút, các bác sĩ có thể sẽ chọn chỉ tự tiêu hoặc chỉ phải rút ra ở đường khâu bên ngoài sau 7-9 ngày ngày.
Điều gì xảy ra sau khi bé chào đời?
Bé của bạn sẽ được đưa tới phòng sưởi ấm, là một chiếc giường nhỏ và ấm, để bác sĩ nhi khoa khám cho bé. Khi bác sĩ thấy bé hoàn toàn khỏe mạnh, bác sĩ sẽ quấn bé vào chăn mềm và trao bé cho bạn hoặc chồng của bạn.
Một ca sinh mổ thường kéo dài khoảng 1 giờ. (ảnh minh họa)
Sinh mổ có thể làm thay đổi việc tiếp xúc giữa mẹ và bé?
Sản phụ sẽ được chỉ định dùng thuốc gây tê, hoặc thậm chí là thuốc gây mê, cho ca mổ. Vì vậy thời gian mẹ được gặp gỡ con sẽ muộn hơn bình thường. Người mẹ sẽ tỉnh dậy với cơn đau ở bụng dưới và một đứa trẻ đã được quấn tã sạch sẽ nằm bên cạnh. Người mẹ sẽ bị dằn vặt vì sự thất vọng và cảm giác có lỗi khi không thể làm mẹ “như tất cả mọi người”. Hãy chuẩn bị tinh thần và tự trấn an mình tách khỏi tâm lý ấy, và đặc biệt là những người thân, hãy động viên và khen ngợi thành công của người mẹ. Tất nhiên, ca sinh mổ không thể cho phép việc tiếp xúc da thịt giữa mẹ và con ngay khi đứa trẻ vừa ra đời.
Người mẹ cần bao lâu để phục hồi sau ca mổ?
Sẽ lâu hơn với những ca đẻ thường, bởi dù không phức tạp, nhưng đây vẫn là một cuộc phẫu thuật thực sự. Thông thường phải cần 20 tới 30 ngày để sản phụ khỏe mạnh trở lại. Tất nhiên để đứng được dậy thì nhanh hơn nhiều, chỉ trong vòng 24h sau sinh. Ban đầu, có thể rất khó khăn khi bước đi. Nếu vùng bụng quá đau, bác sĩ sẽ phải dùng đến thuốc giảm đau có nguồn gốc morphine trong bốn tám giờ đầu. Thời gian sản phụ lưu lại bệnh viện cũng sẽ lâu hơn, thường trong khoảng 5-6 ngày.
Sau khi sinh mổ bao lâu người mẹ lại có thể mang thai?
Các bác sĩ khuyến cáo nên chờ ít nhất hai đến ba năm để sinh đứa trẻ thứ hai sau khi sinh mổ, và khoảng cách tốt nhất là năm năm. Tuy nhiên, nếu vì lý do tuổi tác hoặc chỉ vì “lỡ kế hoạch” mà có bầu, người mẹ cũng cần tới thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt để có lời khuyên chính xác về việc có nên giữ thai lại hay không và những chế độ chăm sóc cần thiết để đảm bảo an toàn cho bà mẹ và thai nhi.