Lần đầu tiên được trải nghiệm sinh con trong nước tại nhà và không cắt dây rốn sau sinh (phương pháp liên sinh) khiến Verena vừa hưng phấn vừa bối rối.
Verena Raschke-Cheema và Bobby Singh Cheema là một cặp vợ chồng trẻ sống tại Austinmer (Úc). Verena đã sinh con đầu lòng, bé Jayden, theo phương pháp thông thường nên khi mang thai con thứ hai, bé Lukas, cô quyết định trải nghiệm cảm giác sinh trong nước tại nhà và áp dụng phương pháp liên sinh (Lotus birth) - sinh con không cắt dây rốn.
Dưới đây là nhật ký chi tiết hành trình vượt cạn đặc biệt của bà mẹ hai con này.
Verana khi mang bầu Lukas.
"Khi mang thai Lukas, tôi xác định sẽ sinh con trong nước tại nhà để được tận hưởng sự thoải mái và thân thuộc khi sinh. Để chuẩn bị cho việc này, tôi đã học phương pháp thở và chăm chỉ tập luyện yoga thường xuyên trong suốt thai kỳ.
Cô quyết định lựa chọn sinh tại nhà trong bồn nước.
Khi mang thai 38 tuần, vì người hỗ trợ sinh hay còn gọi là bà đỡ cho tôi có việc bận cần ra nước ngoài vài tuần nên đã hỏi tôi có muốn đến bệnh viện sinh không. Tuy nhiên, ước mong được sinh tại nhà của tôi rất mạnh mẽ nên đã quyết định nhờ cô ấy giới thiệu một bà đỡ khác.
Chiều ngày 18/6, khi tôi mang thai được 38 tuần 3 ngày, Sonja, bà đỡ mới đến gặp tôi để kiểm tra tình hình. Cô ấy là một người thân thiện, giàu kinh nghiệm nên tôi cũng bớt căng thẳng.
1 giờ sáng ngày hôm sau, cơn co tử cung đầu tiên xuất hiện khi tôi đang trong phòng tắm. Tôi nói với Bobby, chồng mình rằng có thể con sẽ ra đời sớm khiến anh cười rạng rỡ. Tôi lên giường nằm và theo dõi thấy cơn gò xuất hiện khoảng 20 phút/ lần. Tôi nhắn tin cho Sonja và báo rằng mình sẽ tiếp tục tình hình. Đến 4 giờ sáng, cơn gò rút ngắn xuống còn 10 phút/lần.
Bé Lukas ra đời sau 4 giờ mẹ chuyển dạ.
7 giờ 30 phút, Jayden đã thức dậy và ăn sáng, cơn gò của tôi nhanh và mạnh hơn. Chúng dữ dội đến mức tôi không thể ngồi xuống được, chỉ có thể bám vào bàn bếp và hít thở sâu. Tối nói Bobby đưa Jayden sang nhà bạn gửi một ngày. Trong khi đó, tôi trở lại giường và gọi báo với Sonja đến càng sớm càng tốt.
Khi Bobby quay về, anh ấy lấy bồn phao trong bếp ra và đổ đầy nước. Tôi thay quần áo để và bước vào bồn với cảm xúc vui mừng, lo lắng hỗn độn khi chuẩn bị sinh. Ngay sau đó, Sonja có mặt khiến tôi cảm thấy bình tĩnh, an toàn hơn. Cô ấy lập tức chuẩn bị đồ đạc, dụng cụ cần thiết còn Bobby thì làm chút đồ ăn, thức uống giúp tôi bổ sung năng lượng khi vượt cạn.
Khi hai người hoàn thành công tác chuẩn bị, họ ngồi xuống bên cạnh bồn nước, tôi ngồi trong bồn, đầu dựa vào tay Bobby. Tôi cảm thấy thật tuyệt khi ở trong nước. So với lần sinh đầu tiên, tôi thấy dễ chịu hơn nhiều vì mỗi khi cơn co đến thì dòng nước lại len lỏi nhẹ nhàng vào xoa dịu nó.
Sinh con trong nước mang lại cho Verana cảm giác dễ chịu hơn.
Sau hai giờ ngồi trong nước, các cơn co của tôi tăng lên 3 phút/lần nhưng Lukas vẫm chưa có dấu hiệu muốn ra. Sonja khuyên tôi ra khỏi bồn và đi lại một chút để tránh chuột rút. Tôi bước ra khỏi bồn, Bobby quấn khăn quanh lưng để giữ ấm cho tôi. Tôi đi vòng quanh vài phút rồi vịn người vào ghế và ngả về phía trước.
Những cơn đau ngày càng dữ dội và tôi tự rặn theo bản năng. Bobby vui mừng thông báo đã thấy một phần tóc đen của con lòi ra nên tôi lập tức quay lại bồn nước. 30 phút tiếp theo, tôi ngồi xổm đủ tư thế trong bồn nước, vừa tập trung hít thở sâu vừa rặn.
12 giờ 40 phút, con trai bé bỏng Lukas của tôi đã ra đời sau 4 tiếng chuyển dạ. Tôi đỡ Lukas bằng tay, nâng con lên và đặt lên ngực mình. Một cảm giác hạnh phúc lan tràn khắp cơ thể. Tôi bây giờ đã là mẹ của hai cậu con trai xinh đẹp. Bobby vòng tay ôm cả hai mẹ con và tôi thấy mắt anh đỏ hoen vì xúc động.
Bánh nhau và dây rốn của Lukas được giữ lại cho đến khi rụng tự nhiên.
Con trai bé bỏng của tôi mở mắt và vừa khóc vừa mò đến bầu sữa mẹ. Thằng bé bắt đầu bú một cách tự nhiên và ngon lành. Khoảng thời gian thiêng liêng kết nối hai mẹ con đó tôi sẽ không bao giờ quên.
Tôi mất thêm khoảng 30 phút để sinh ra bánh nhau. Giống như sự ra đời của Lukas, nó đòi hỏi tôi phải kiên nhẫn. Chúng tôi đặt bánh nhau trong một tấm vải thưa để nó khô thoáng.
Sau đó tôi bước ra khỏi bồn nước, lau khô người và bế cả Lukas cùng bánh nhau vào phòng ngủ. Trong khi tôi tắm, Bobby cùng Sonja dọn dẹp mọi thứ sạch sẽ. Bobby lập tức đi đón Jayden về để thằng bé được gặp em trai mới sinh. Thật hạnh phúc khi được nhìn nụ cười vui vẻ của con trong lần đầu gặp em.
Hiện tại Lukas rất khỏe mạnh, phát triển tốt.
Chúng tôi để nguyên bánh nhau gắn với dây rốn của Lukas và cố gắng vệ sinh sạch sẽ. Hai ngày sau, dây rốn tự rụng.
Lần trải nghiệm sinh tại nhà và không cắt dây rốn cho con này để lại cho tôi nhiều cảm giác khó quên. Sinh con trong chính căn nhà thân thuộc của mình, theo cách tự nhiên nhất giúp tôi thoải mái và cũng xúc động hơn rất nhiều."
Liên sinh là gì? "Liên sinh" hay còn gọi là phương pháp sinh con Hoa sen (Lotus birth) ngày càng được nhiều bà mẹ Mỹ và các nước phương Tây lựa chọn nhưng ở Việt Nam, không nhiều người từng nghe về kiểu sinh này. Thay vì cắt cuống nhau cho bé khi chào đời thì bà mẹ sẽ lựa chọn lưu giữ nhau thai trong một túi vải lụa và để rụng tự nhiên. Trước khi trở nên phổ biến vào những năm 1970, phương pháp "liên sinh" được quan sát thấy ở loài tinh tinh. Đến năm 1974, một bác sĩ đã áp dụng cách này khi sinh cậu con trai của mình và từ đó đến nay, Lotus birth được quan tâm nhiều hơn. Lý do phổ biến khiến phương pháp này ngày càng được nhiều người áp dụng là do người ta tin rằng việc em bé gắn kết với nhau thai càng lâu thì sẽ mang lại những lợi ích lạ thường, gần như là huyền bí. Tuy nhiên niềm tin mãnh liệt đôi khi có thể khiến họ phạm sai lầm. Nguồn gốc của phương pháp sinh con Hoa sen dựa trên nền y học cổ truyền phương Đông. Tuy nhiên, đến khoảng những năm 70 được gia nhập vào phương Tây và họ tin rằng việc để nhau thai gắn với em bé sau khi ra đời sẽ tạo ra sự gắn kết mạnh mẽ giữa mẹ và con. Phương pháp sinh này cũng được cho là giúp trẻ sơ sinh chống lại nguy cơ nhiễm trùng, bệnh vàng da hay các bệnh về đường hô hấp, miễn dịch ở em bé do được gắn liền với nhau thai (có chứa máu của người mẹ). Tuy nhiên, trái với suy nghĩ của nhiều bà mẹ trên thế giới, các chuyên gia y tế lại hoài nghi về công dụng của phương pháp sinh con Hoa sen. Theo ATTN, các chuyên gia y tế đã cảnh báo rằng phương pháp sinh con Hoa sen không chỉ gây nguy cơ về mặt y tế mà còn gây phản khoa học. Họ muốn các ông bố bà mẹ nên dừng áp dụng phương pháp này. |
>> XEM TIẾP: Cuộc vượt cạn gian nan của mẹ trẻ 9x mạnh tay chi 80 triệu đồng đón con chào đời
Chuyên mục Bà bầu – nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về thụ thai, mang bầu, những kinh nghiệm sinh nở cho phụ nữ trước, trong và sau khi có thai. Mời độc giả có những thắc mắc, chia sẻ, tâm sự liên quan đến vấn đề này gửi thư về địa chỉ babau@eva.vn để được chia sẻ, tư vấn từ chuyên gia. |