Trong khi nhiều người cho rằng mang thai và sinh nở ở nước ngoài là điều đáng mơ ước vì được chăm sóc tận tình, hưởng dịch vụ tốt nhất thì chị Hà lại tâm sự: "Có nhiều cái khổ lắm!"
Khi các bà mẹ ở nước ngoài chia sẻ hành trình mang thai và sinh nở của bản thân, hầu hết các mẹ Việt Nam đều rất ngưỡng mộ vì họ được hưởng những dịch vụ tốt nhất về cơ sở vật chất và chế độ chăm sóc. Tuy nhiên, đối với chị Thu Hà (26 tuổi, hiện đang sống tại cộng hòa Séc) thì "đẻ ở nước ngoài sướng thì có sướng nhưng vẫn khổ trăm đường".
Không giống như ở Việt Nam, từ khi mang bầu các mẹ đã được chồng, ông bà nội ngoại và họ hàng quan tâm, chăm sóc, chia sẻ công việc, nhiều mẹ mang thai và sinh ở "nơi xa xứ" phải chịu cảnh bầu bí một mình vì chồng bận công việc, họ hàng lại không có.
Chị Hà tâm sự: "Mình mới sang đây 2 năm nhưng ông xã ở đây 10 năm rồi. Anh phải đi làm một tuần mới được về nhà nghỉ một ngày. Bố mẹ chồng và em chồng mình cũng phải đi làm. Thành ra suốt cả thai kỳ mình đều ở nhà cơm nước, dọn dẹp một mình".
Chị Hà gặp nhiều khó khăn khi mang bầu vì căn bệnh tiểu đường thai kỳ.
Trong thai kỳ, chị Hà lúc nào cũng nơm nớp lo sợ do chị tăng cân nhiều dẫn đến bị tiểu đường thai kỳ nên nguy cơ sảy thai cao. Ngay trong 3 tháng đầu, chị Hà đã ra dịch nhầy nâu dọa sảy và nhiều lần phải đi cấp cứu. Chị cho biết, có tuần chị phải đi siêu âm đến 3 lần và được bác sĩ chỉ định đặt thuốc chống sảy.
Có lúc mệt mỏi quá, mình chỉ muốn về Việt Nam thôi. Dịch vụ sinh sinh đẻ ở nhà bây giờ cũng hiện đại mà có nhà ngoại bên cạnh. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, có khó khăn mình mới sớm tự lập được.
- Thu Hà - Eva.vn
”Chị chia sẻ: "Ở tuần thứ 25 thì mình được phát hiện bị tiểu đường thai kì và được giới thiệu một bác sĩ chữa tiểu đường riêng. Bác sĩ yêu cầu mình chia nhỏ bữa ăn, không ăn mặn. Từ lúc phát hiện tiểu đường thì mình cũng chuyển sang uống sữa tươi không đường chứ không uống sữa bầu nữa. Có thời điểm lượng đường trong máu mình tăng đặc biệt cao, bác sĩ cảnh báo ở mức nguy hiểm".
Gặp nhiều khó khăn trong lúc mang bầu như thế nhưng vì hoàn cảnh bất đắc dĩ mà chị Hà vẫn phải "vật lộn" một mình giữa thai kỳ. "Thời gian đầu mình dọa sảy, trời tuyết lớn thì bố mẹ sẽ đi chợ giúp, mình ở nhà cơm nước. Qua 3 tháng thì bố mẹ và em chồng về Việt Nam nên mình phải ở nhà một mình lo hết mọi chuyện. Cả tuần chồng mới được về một ngày, tranh thủ đưa mình đi khám thai".
Chị Hà cho biết một điểm khác biệt nữa là hầu hết các bác sĩ ở nước ngoài đều ưu tiên đẻ thường, nếu không rơi vào trường hợp khẩn cấp thì sẽ không được đẻ mổ.
Kể về hành trình vượt cạn của mình, chị Hà cho biết: "Sau 2, 3 ngày bong nút nhầy mà không có dấu hiệu sinh, mãi đến ngày 30/7, cách ngày dự sinh 6 ngày mình mới thấy rỉ ối và đến bệnh viện. Khoảng 9 giờ 30 thì mình đến bệnh viện, được đo tim thai, làm hồ sơ và thay áo bệnh viện. Đặc biệt, khi làm hồ sơ y tá sẽ yêu cầu mình ghi tên con, một tên nam và một tên nữ để bệnh viện gửi giấy tờ đi làm giấy khai sinh ngay sau khi mình đẻ. Lúc đấy mình cuống quá, còn chưa nghĩ tên nên ghi bừa, đến lúc lên bàn đẻ rồi mới xin đổi lại".
Điều khiến chị Hà ấn tượng và hài lòng khi sinh ở nước ngoài là phòng bệnh viện sạch sẽ,
trang thiết bị hiện đại.
Sau khi làm thủ tục, chị Hà được đưa đi khám trong và siêu âm nhưng cổ tử cung chưa mở. Bác sĩ báo tiên lượng thai to (trên dưới 3.8kg) mà chị Hà thân hình lại nhỏ nên có thể phải mổ. Tuy nhiên, họ ra chỉ định muộn nhất trong ngày hôm sau chị Hà không đẻ được thì mới cho mổ.
Vào phòng chờ đẻ, chị được phục vụ đồ ăn nhẹ và trà để ăn lấy sức. Đến sáng hôm sau, cuộc chiến sinh con của chị Hà chính thức bắt đầu. 6 giờ sáng, y tá vào đi tim thai và nhắc nhở chị tắm sạch sẽ trước khi khám. Vì không có dấu hiệu sinh nên bác sĩ quyết định kích đẻ cho chị. Chị Hà cho biết mình phải đặt 2 viên kích đẻ và dùng thủ thuật bấm ối do ối không vỡ.
Trước và sau khi sinh, chị đều được phục vụ đồ ăn nhẹ kèm trà nóng nhưng do không
hợp khẩu vị nên chị Hà cũng không ăn được nhiều.
"Đến khoảng 1 giờ chiều thì mình bắt đầu đau mạnh nhưng cổ tử cung mới mở được 5cm. Hôm trước không ngủ được nên cổ tử cung mình càng khó mở, y tá truyền thêm một chai kích đẻ nữa. Cơn đau mình ngắn, khoảng 2 phút một cơn 30 giây, tim thai giảm nên phải tiêm giảm đau khiến mình càng buồn ngủ và cổ tử cung càng lâu mở.
Vì cổ tử cung mãi không mở thêm nên mình được yêu cầu đi nhà tắm ngồi bóng, nhún và xả nước nóng vào vùng xương chậu. Đang đau rồi ngồi nhún nữa nên đau thấu trời. Sau đó vào thực hiện tư thế quỳ, hai tay đặt lên phần gác chân ở giường. Mình cứ vừa đau vừa buồn ngủ như thế. Y tá cách 30 phút vào khám một lần mà vẫn lắc đầu. Tầm 4 giờ kém thì cổ tử cung mình mở rộng, cơn đau kèm kiểu như buồn đi nặng. Lúc này được phép rặn. 4 giờ ekip bác sĩ vào, bắt đầu rặn.
Bồn ngâm nước nóng và bóng nhún để hỗ trợ sản phụ mở cổ tử cung nhanh hơn.
Mình rặn khoảng tầm hơn chục lần, ào 1 cái, thấy tuột ra khỏi người. Chồng mình đứng đấy ngồi thụp xuống, mình biết là đã xong. Cảm giác muốn khóc vì sung sướng. Chồng mình tự cắt dây rốn cho bé sau đó bé được đặt da tiếp da với mẹ.
Khi được hỏi về "cái được" và "cái mất" khi sinh ở nước ngoài, chị Hà cho biết: "Ở bên này thì mình thấy y tá, bác sĩ đều rất nhẹ nhàng, nhiệt tình, khi mình ấn chuông sẽ vào ngay lập tức. Có y tá chăm mẹ riêng và chăm bé riêng.
Mình lúc nào cũng lủi thủi một mình, từ khi bầu bí đến ngày sinh xong. Chồng và gia đình cũng bận rộn, chỉ tranh thủ chai sẻ với mình được lúc nào hay lúc ấy chứ không có người nhà túc trực chăm sóc như ở Việt Nam.
- Thu Hà - Eva.vn
”Phòng sinh cũng rộng rãi, thoải mái, như mình nằm phòng thường là 3 người một phòng. Mẹ một giường, con nằm xe đẩy riêng. Chỗ tắm và thay bỉm bé ngay bên cạnh, vệ sinh sạch sẽ. Đồ ăn được phục vụ tận nơi 3 bữa một ngày kèm trà nóng. Khi sinh thì thiết bị hiện đại, bác sĩ hướng dẫn hít thở, rặn đẻ kỹ càng và đặc biệt là chồng được vào phòng sinh để giúp đỡ vợ".
Tuy vậy, chị Hà cho biết vẫn có nhiều điều khiến chị tiếc và thấy "ghen tị" với các mẹ sinh ở Việt Nam. Trong khi ở Việt Nam, sản phụ sau sinh sẽ có người nhà chăm sóc thì chị Hà phải tự một mình vật lộn với con và vết rạch đau đớn khi sinh.
Theo quy định tại bệnh viện, người nhà chỉ được vào thăm 1 tiếng buổi sáng và 2 tiếng buổi chiều nên dù vết khâu đau, chị Hà vẫn phải một mình bế con, cho con bú trong 3 đêm nằm viện. Ngoài ra, trước mỗi lần bác sĩ khám, sản phụ đều được yêu cầu tắm rửa sạch sẽ nên chị Hà thấy khá vất vả do vết khâu còn đau, cơ thể còn yếu sau khi sinh.