Trải qua 4 năm tìm kiếm con, những tháng ngày cận kề cửa tử để giữ thai nhưng dường như vẫn chưa hết khó khăn khi chị Dương Ngọc lại phải đối mặt với ca đẻ non ở tuần 33 và hành trình chăm sóc con sinh non trong tương lai.
Vợ chồng chị Dương Ngọc (sinh sống tại Hoài Đức, Hà Nội) mong muốn có con ngay từ khi mới cưới cách đây 5 năm nhưng chờ đợi mãi con yêu vẫn chẳng đến. Cuối cùng, anh chị đã quyết định tìm đến với những phương pháp hỗ trợ sinh sản để sớm thụ thai.
Sau 3 lần làm thụ tinh nhân tạo (IUI), cuối cùng con yêu cũng đã đến hồi tháng 4 vừa qua. Với lần thứ 3 làm thụ tinh nhân tạo, chị đã bị quá kích buồng trứng và phải đối mặt với những ngày cận kề tử thần để giữ thai. Chị chia sẻ: “Thật sự bị quá kích rất kinh khủng, bụng mình chướng to, căng, đau đớn, nhìn bên ngoài giống như mang bầu 6 tháng. Mình thậm chí không ăn được gì, không ngồi được, không đứng được, nằm cũng không sao ngủ được. Mình mất 4 ngày nằm ở phòng cấp cứu, tràn dịch nách, thận, ổ bụng, lên tới phổi... Kết quả mình phải thở oxy mất mấy đêm... Hằng ngày phải truyền albumin, một loại đạm chuyên trị quá kích, giá của mỗi chai đó là gần 1 triệu, có ngày phải truyền 4 chai...”
Tuy nhiên may mắn sau đó, sức khỏe chị dần hồi phục lại và hạnh phúc hơn cả là chị đã giữ được thai nhi trong bụng.
Vậy là sau 4 năm chạy chữa với rất nhiều công sức, thời gian, tiền bạc và những ngày tháng đầu mang bầu gian nan, cuối cùng vợ chồng chị Dương Ngọc cũng giữ con được bên mình. Những tưởng khó khăn sẽ dừng lại ở đó và phía trước là chặng đường đầy hạnh phúc nhưng không phải. Ở tuần 33 thai kỳ, chị đã vô cùng đau đớn khi nhận ra những cơn đau chuyển dạ sớm. Bà mẹ trẻ đã vô cùng lo lắng và đến bệnh viện ngay nhưng không thể kịp bởi lúc này cổ tử cung chị đã mở 6cm và buộc phải để em bé chào đời sớm 7 tuần.
Em bé của chị Dương Ngọc chào đời ở tuần 33 thai kỳ.
Việc chăm sóc một em bé sơ sinh bình thường đã không hề đơn giản, nuôi một em bé sinh non còn khó khăn hơn gấp bội. Tuy nhiên, may mắn sau 5 ngày nằm viện, sức khỏe bé dần ổn định và đã được về bên gia đình. Chị Dương Ngọc chia sẻ: “Dù rất hạnh phúc vì con yêu đã nằm trong vòng tay mình nhưng thật sự với mình trận chiến nuôi con mới chỉ bắt đầu.”
Sau 2 tuần sinh con, chị cũng đã ghi lại những dòng nhật ký đi đẻ mang tên “Nỗi sợ hãi đẻ non” của mình để cùng chia sẻ với chị em:
“Hôm nay, sau khi sinh tròn 2 tuần, em mới đủ bình tâm để viết ra những dòng chia sẻ này với mong muốn được kể với mọi người về trường hợp của em: SINH NON Ở TUẦN 33.
Đã từng là một bà mẹ hiếm muộn, em có bầu bé Mon sau gần 4 năm trời chạy chữa. Lúc có bầu em cẩn thận nghe theo lời bác sĩ, hạn chế đi lại tuyệt đối vì em bị buồng trứng đa nang, có thai rất dễ xảy hoặc lưu.
Rút kinh nghiệm từ các mẹ khác, em cẩn thận đi đo chiều dài cổ tử cung để chắc chắn rằng mình không cần phải khâu hay nâng.
Trong suốt quá trình mang thai, em nghỉ hẳn làm và chỉ buôn bán trên mạng kiếm thêm thu nhập. Nhưng có lẽ do việc buôn bán bận rộn kèm theo em hơi căng thẳng nên em nghĩ đó cũng là lý do khiến bé ra sớm.
Dự kiến sinh của em là 23/12, nhưng rạng sáng 13/11 như thường lệ, em dậy đi vệ sinh và ăn khuya, ăn xong bỗng thấy đau bụng từng cơn. Nằm xuống cũng không đỡ, em vội vã gọi chồng dậy lấy cho em hai viên giảm co. Nhưng chưa kịp uống thì máu ở ‘cửa mình’ đã chảy ra giường. Em nằm xuống khép chân lại nhưng máu vẫn ồ ạt chảy. Chồng em kêu taxi, 20 phút sau chúng em có mặt ở bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Khám trong xong, bác sĩ nói em đã mở 6cm rồi, và nói không còn cách nào khác, phải cho đẻ non ra thôi chứ không giữ được nữa.
Đo monitor thì quả thực cơn co đã rõ ràng và càng ngày càng mau. Em nghe loáng thoáng các y bác sĩ bảo với chồng em là do em không tiêm mũi trưởng thành phổi nên nếu sinh non thì con em sẽ bị vấn đề về hô hấp, về da....
Chị Dương Ngọc sinh con chỉ vỏn vẹn trong vòng 15 phút. (ảnh minh họa)
Em nghe mà bàng hoàng, đến lúc lên bàn đẻ, trong đầu em chỉ nghĩ: Làm thế nào để con em khoẻ, đau đẻ nhưng em không tiêm bất cứ thứ thuốc gì giảm đau cả. Em sinh con trong vỏn vẹn 15 phút, nghe tiếng con oe oe là em ngất đi, chưa kịp nhìn thấy con thì y tá đã mang đi rồi. Bác sĩ phải lay em dậy để khâu tầng sinh môn. Khâu xong em được chuyển lên khu chăm sóc sau sinh và hai ngày trời em xa con, con nằm lồng kính còn em thì vạ vật trong phòng sau sinh.
Đêm, lúc đi vệ sinh qua các phòng khác, thấy người ta được ôm con, cho con ti mà em ứa nước mắt, tự trách bản thân không cẩn thận để con phải ra đời sớm.
Chiều bác sĩ thông báo con em tự thở được, ăn được nên cho ra với mẹ. Em hồi hộp cả buổi trưa không ngủ được. 4 giờ chiều con ra với em. Đón lấy con mà em không khỏi sốc. Nhìn con em bé như con chuột con (2,1kg), da nhăn nheo, xanh xao , em bật khóc.
Sữa về nhưng vì con còn non quá nên không bú được. Em phải xúc cho con từng thìa đổ vào miệng. Lúc con khóc, miệng run lên như bị rét, lúc ấy bất lực ghê gớm.
Rồi con em lại vàng da, bác sĩ cho vào chiếu đèn hai hôm. Trong hai hôm đó em cứ vắt sữa đem vào cho con. Nhìn các mẹ khác sinh non con có 800g, 900g em lại thấy mình may mắn hơn họ, họ cố gắng được thì nhất định em làm được.
Hai mẹ con ở viện 5 ngày thì bệnh viện cho về. Trộm vía về nhà cháu đã tự tập ti mẹ và ti ngon lành. Nhưng quần áo em mua cho con chả cái nào vừa, mặc vào cứ rộng thùng thình, xô lệch.
Mấy hôm nay trời trở lạnh con bắt đầu ngủ không ngon. Và thật sự với em lúc này, trận chiến nuôi con mới chỉ bắt đầu."