Đến những tháng cuối thai kỳ, chị chỉ mong con yêu sớm chào đời để thoát khỏi cảnh đau lưng.
Đau lưng đồng hành cùng bầu bí
Chị Đ.C (Cầu Giấy, Hà Nội) hiện đang mang bầu tuần thứ 31 chia sẻ, từ ngày bầu bí bước sang 3 tháng cuối chị thấy cơ thể đau nhức nhiều lắm đặc biệt là chứng đau lưng. “Mấy tuần nay, mình đứng lên ngồi xuống không yên vì đau lưng ghê gớm. Mỗi khi nằm xuống hay ngồi dậy mình phải vịn vào thành giường. Khổ nhất là buổi đêm mình không thể ngủ ngon vì chứng đau lưng. Mỗi lần chuyển tư thế nằm phải mất 10 phút và nhiều lần phải nhờ đến sự giúp đỡ của anh xã. Bầu bí to vượt mặt, đã không thể nằm được thoải mái lại bị đau lưng ghê gớm khiến mình mất ngủ thường xuyên, mệt vô cùng.”
Không chỉ buổi đêm, ngay cả ban ngày, chứng đau lưng cũng ‘hành hạ’ chị. Chị kể, một ngày ngồi làm việc chị phải đứng lên đến chục lần. Nhiều lúc không thể ngồi nổi, chị chỉ muốn đứng để làm. Mà đứng lên ngồi xuống nhiều cũng đau, ngồi mãi cũng đau. “Đến tuần này rồi, chỉ mong con yêu nhanh nhanh chào đời để mình thoát khỏi cảnh đau đớn này. Công nhận bầu bí mệt mỏi thật”, chị lắc đầu nói.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến mẹ bầu bị đau lưng. (ảnh minh họa)
Cùng chung hoàn cảnh với chị Đ.C, Xuân Thanh (Thanh Liêm, Hà Nam) còn bị đau nhức nặng nề hơn nhiều. Cô kể ngay từ hồi mới thử que lên 2 vạch, cô đã bị đau lưng ghê gớm. Tưởng đó là dấu hiệu mang bầu và sẽ thuyên giảm sau đó nhưng suốt từ thời gian đó đến giờ đã hơn 7 tháng, chứng đau lưng chẳng đỡ. Đi khám bác sĩ bảo thai kỳ vẫn phát triển bình thường, chỉ là do cơ địa cộng với việc chị làm văn phòng ngồi nhiều nên bị đau lưng.
“Không chỉ bị đau lưng, từ tháng thứ 7, tôi còn bị đau mông lắm. Mỗi khi nằm ngủ là chỉ nằm một tư thế và không thể nào xoay người được. Khi bị mỏi quá, tôi phải gọi anh xã dậy để nâng chân rồi lật người tôi sang bên kia. Khổ nhất là mỗi lần lên xuống xe máy. Tôi không thể tự lên được mà lúc nào chồng cũng phải dựng xe để đỡ tôi lên, mà đã lên rồi là rất khó xuống. Nhiều lúc đau đến phát khóc luôn. Từ ngày bụng bầu lớn vượt mặt, cơ thể toàn thân đau nhức mới cảm nhận được sự vất vả của việc bầu bí.”, chị Thanh tâm sự.
Vì sao bầu bí lưng lại đau nhức?
Theo các chuyên gia, đau nhức cơ thể đặc biệt đau lưng là triệu chứng phổ biến trong thời gian mang thai. Sự gia tăng hormone khi bầu bí sẽ khiến các dây chằng ở khu vực xương chậu trở nên mềm hơn, những khớp xương cũng lỏng lẻo hơn để chuẩn bị cho sự ra đời của thai nhi. Sự thay đổi ở các khớp xương và quá trình giãn nở của dây chằng đã làm suy giảm chức năng nâng đỡ lưng thông thường. Chính vì vậy lưng sẽ yếu hơn và có cảm giác đau nhức.
Ngoài ra, khi mang bầu trọng tâm của bạn dần dần tập trung về phía trước khi tử cung và thai nhi ngày càng phát triển, làm tư thế đứng ngồi cũng thay đổi theo. Sự tăng cân đáng kể trong quá trình mang thai cũng tạo ra sức ép khiến lưng phải chống đỡ nặng nề hơn rất nhiều.
Thêm vào đó, tâm lý trong thời gian mang bầu thường mệt mỏi, stress cộng với việc đứng ngồi sai tư thế cũng khiến chứng bệnh đau lưng, đau hông trầm trọng hơn.
Massage thường xuyên giúp chị em bớt đau lưng khi bầu bí. (ảnh minh họa)
Có cách nào để hạn chế cơn đau không?
Một tin buồn với các mẹ là các chứng bệnh đau nhức nói chung và đau lưng khi mang thai là không thể chữa trị dứt điểm. Sau sinh nở, bệnh sẽ thuyên giảm dần. Tuy nhiên, vẫn có những cách giúp chị em bớt đau và thoải mái hơn khi ngủ cũng như làm việc.
Tập thể dục nhẹ nhàng
Trong thời gian mang thai, mẹ bầu luôn được khuyến khích tập các bài tập nhẹ nhàng để tăng sức mạnh và độ dẻo dai cho cơ thể. Những bài tập dành cho vùng lưng, bụng và xương chậu sẽ giúp bạn hạn chế tối đa được cơn đau lưng. Tuy nhiên, chị em cần lưu ý luyện tập nhẹ nhàng và tốt hơn cả là tham khảo ý kiến chuyên gia để có phương pháp tập đúng đắn nhất.
Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý đến tư thế tập. Khi mang thai, trọng tâm của cơ thể sẽ dồn về phía trước. Lúc này, tư thế thường gặp ở các bà bầu là cố gắng dồn hể cơ thể về phía sau để tạo thế cân bằng. Điều này có thể làm phần cơ ở vùng phía dưới lưng bị kéo căng, gây ra các cơn đau lưng. Do vậy, cần chỉnh sửa tư thế đúng bằng cách hạ mông xuống, kéo thẳng hai vai về phía sau và đứng thẳng, vươn người lên cao.
Massage thường xuyên
Mỗi buổi tối, hãy nhờ anh xã massage lưng, chân, tay hay bát cứ vùng nào bạn cảm thấy đau nhức. xoa bóp nhẹ nhàng sẽ khiến cơ thể được thoải mái, bớt đau nhức. Bạn cũng có thể đến các trung tâm massage dành riêng cho mẹ bầu để được massage một cách bài bản hơn.
Chú ý đến tư thế nằm
Từ tháng thứ 5 thai kỳ, mẹ bầu được khuyến khích nằm nghiêng chứ không nên nằm ngửa khi ngủ. Bạn cũng có thể dùng thêm những chiếc gối ôm mềm để chèn xung quanh cơ thể. Biện pháp này sẽ khiến chị em có giấc ngủ ngon dù bụng bầu đã vượt mặt.
Ngoài tư thế nằm, chị em cũng cần chú ý đến tư thế đứng, ngồi. Không nên đứng, ngồi một chỗ quá lâu. Khi ngồi nên chọn ghế có phần tựa, đặt thêm chiếc gối nhỏ phía sau lưng và gác chân lên cao một chút.
Sử dụng đai đeo bụng
Từ tháng thứ 7 thai kỳ, khi bụng bầu đã khá lớn, chị em nên sử dụng đai đeo bụng bầu để hỗ trợ việc nâng đỡ cho lưng. Trên thị trường hiện có bán rất nhiều sản phẩm này, chị em có thể tham khảo và chọn cho mình đai đeo phù hợp nhất.
Ngải cứu rang muốn giúp mẹ bầu bớt đau lưng. (ảnh: internet)
Chữa đau lưng bằng bài thuốc dân gian
Ngoài những lưu ý trên, chị em có thể áp dụng thêm những bài thuốc dân gian trị đau lưng khá hiệu quả dưới đây:
Ngải cứu + muối
Chuẩn bị một nắm lá ngải cứu, rửa sạch, để ráo nước rồi đem sao vàng lên với muối hạt to. Sau đó bọc lá ngải trộn muối vào một chiếc khăn mỏng hoặc túi vải. Để nhiệt độ ấm vừa phải rồi chườm lên vùng bị đau nhức nhiều lần vào buổi tối trước khi đi ngủ. Đã có nhiều mẹ thực hiện phương pháp này và thấy khá hiệu quả.
Rượu gừng
Gừng rửa sạch đập dập rồi cho vào lọ rượu trắng, đậy nắp để khoảng 3 ngày lấy ra xoa bóp những khu vực bị đau nhức. Để hỗn hợp này đạt hiệu quả hơn, chị em nên ngâm rượu gừng lâu hơn một chút (khoảng một tháng). Chăm chỉ xoa bóp với rượu gừng mỗi buổi tối sẽ giúp mẹ bầu bớt đau lưng và ngủ ngon hơn đấy.
Nhãn hàng đồng hành: DHA NEURO IQ |