Sau sinh: "Loạn" cảm xúc

Ngày 28/09/2013 13:30 PM (GMT+7)

Sau sinh, bên cạnh niềm hạnh phúc được ôm con trong tay, chị em phải đối mặt với đủ chuyện.

Sau 9 tháng “vác ba lô ngược” với đủ các vấn đề như ốm nghén, đau lưng, mất ngủ..., nhiều chị em cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì bé yêu đã chào đời. Tuy nhiên bên cạnh niềm vui khi được nâng niu bé trong tay, những đau đớn, chán nản vẫn còn chờ đợi các bà mẹ trẻ ở phía trước.

Hạnh phúc khi được ôm bé trong tay

Nhiều chị em chia sẻ rằng khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời họ là khi bé yêu chào đời. Những lo lắng trong suốt thời kỳ mang thai và sự đau đớn trong quá trình “vượt cạn” dường như biến mất khi lần đầu tiên họ được ôm “thiên thần nhỏ” trong tay và nhìn vào đôi mắt của bé. Rồi ngày xuất viện đến, bé trở về nhà trong sự chào đón nhiệt tình của họ hàng hai bên. Đó cũng chính là ngày trọng đại và không thể nào quên với những ông bố, bà mẹ trẻ.

Cho con bú cũng là điều tuyệt vời đối với nhiều chị em bởi giở đây họ được gắn bó nhiều hơn với con yêu của mình. Bên cạnh đó, nuôi con bằng sữa mẹ cũng rất tốt cho sức khỏe của mẹ và bé. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo bởi nó rất giàu chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của bé. Các nghiên cứu đều cho thấy trẻ thường xuyên “măm măm” ti mẹ ít khi bị dị ứng, nhiễm trùng hay gặp phải các vấn đề về đường tiêu hóa so với  các trẻ khác. Đối với các bà mẹ, nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp tử cung trở lại kích thường bình thường nhanh hơn nhờ sự tương tác nội tiết tố.

Sau sinh: quot;Loạnquot; cảm xúc - 1
Hạnh phúc khi được ôm bé trong tay là tâm trạng chung của nhiều chị em (Ảnh minh họa)

Buồn bã khi bé phải bú bình là tâm trạng chung của nhiều chị em ít sữa. Tuy nhiên theo các bác sĩ, điều này hoàn toàn là bình thường. Khi pha sữa cho bé theo công thức ghi trên nhãn mác, bé vẫn hấp thụ được những dưỡng chất quan trọng. Đồng thời mối liên kết giữa mẹ và bé vẫn diễn ra như bình thường. Bằng cách này, các thành viên khác trong gia đình cũng có cơ hội được chăm sóc bé yêu và núm vú của mẹ có thời gian nghỉ ngơi cần thiết.

Bên cạnh niềm vui khi được nâng niu bé trong vòng tay, nhiều chị em cảm thấy hạnh phúc bởi giờ đây họ hoàn toàn có thể tham gia công cuộc “tạo người” lần nữa. Song các bà mẹ nên lưu ý rằng “chuyện ấy” chỉ nên bắt đầu từ 4- 6 tuần lễ sau sinh để sức khỏe hoàn toàn bình phục sau những đau đớn và mệt nhọc khi “lâm bồn”.

Đau đớn vì ti tỉ thứ

Cô bé đau nhức

Sau sinh đau đớn vì ty tỷ thứ là chuyện "thường ngày ở huyện". Đầu tiên phải kể đến đau nhức “cô bé”. Đa phần các chị em sinh thường sẽ được rạch tầng sinh môn để bé dễ dàng ra đời, sau đó mẹ sẽ được khâu lại để bảo đảm tính thẩm mỹ. Những mũi khâu này sẽ có thể khiến mẹ rất đau, nhưng hiện nay sau một tuần là vết khâu sẽ lành và chỉ sẽ tự tiêu. Tuy nhiên vết cắt đang lành gây đau, rát, ngứa ở vùng âm đạo đặc biệt khi đi vệ sinh. Để hạn chế tình trạng này, chị em nên chườm đá lạnh tại khu vực này trong vài giờ đầu tiên sau khi sinh. Ngoài ra ngồi lên một chiếc gối có hình bánh donut cũng sẽ giúp các bà mẹ trẻ giảm bớt đau đớn. Bên cạnh đó hãy chú ý lắng nghe những lời dặn dò của bác sĩ về việc vệ sinh vùng kín và giữ mũi khâu thật sạch để tránh nguy cơ nhiễm trùng.

Đau vết khâu

Chị em sinh mổ tuy không phải trải qua quá trình đau đẻ dữ dội nhưng vết thương do phẫu thuật cũng sẽ đồng hành cùng các mẹ trong những tuần đầu sau khi “bể chum”. Đừng cố gắng trở thành anh hùng khi phải đối mặt với những cơn đau từ vết mổ sau sinh nở. Hãy sử dụng đến sự hỗ trợ từ thuốc giảm đau. Chú ý ghi lại thời gian của lần sử dụng thuốc trước để tránh uống quá nhiều thuốc. Ngoài ra, các mẹ nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, với tư thế nằm nghiêng sang một bên. Khi đỡ đau, nên ngồi dậy và đi lại nhẹ nhàng giúp khí huyết lưu thông, tránh dính ruột, viêm tắc tĩnh mạch.

Tiết dịch âm đạo

Tiết dịch âm đạo sau sinh cũng là điều chị em cần quan tâm. Theo các chuyên gia, trước khi sinh, tử cung cần được mở rộng để cho em bé chui ra ngoài dễ dàng. Do vậy sau sinh chính là lúc tử cung hoàn thành sứ mệnh và bắt đầu quá trình hồi phục.Tại thời điểm này niêm mạc tử cung sẽ hoại tử, bị xơ hóa mà bong ra lẫn với những cục máu đông nhỏ từ vết thương nơi nhau bám và chất nhầy tử cung thoát ra ngoài. Đó chính là máu sinh hay thường gọi là sản dịch. Thông thường sản dịch sẽ tự biến mắt sau 2 – 6 tuần sau cơn “vượt cạn”.

Song nếu thấy các dấu hiệu như sốt 38 – 39 độ C, bụng dưới căng tức, đau tràn thì khả năng chị em đã bị bế sản dịch và cần đến bệnh viện ngay lập tức. Trong quá trình hậu sản, chị em nên hạn chế dùng tampon để tránh nguy cơ viêm nhiễm. Thay vào đó hãy sử dụng băng vệ sinh hàng ngày. Lưu ý thay băng mỗi giờ trong ngày đầu tiên sau sinh và từ 3-4 giờ trong những ngày tiếp theo. Trước và sau khi thay băng, chị em chú ý rửa tay sạch sẽ để hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn.

Sau sinh: quot;Loạnquot; cảm xúc - 2
Các bà mẹ trẻ mệt mỏi vì sản dịch sau sinh (Ảnh minh họa)

Rắc rối với nhũ hoa

Bên cạnh đau đớn ở vùng kín, do chưa có kinh nghiệm nuôi con bằng sữa mẹ, nhiều chị em gặp rắc rối với “núi đôi” của mình. Ngực căng sữa là một trong những trường hợp phổ biến. 2 – 5 ngày sau sinh, cơ thể các mẹ bắt đầu sản sinh sữa, gây ra căng nhức ngực. Do đó để giảm đau, chị em nên cho bé bú thường xuyên, cố gắng cho trẻ bú 10 – 12 lần mỗi ngày, trong đêm không nên để quá 3 giờ và nên nằm ngửa giữa mỗi lần cho bú.

Đôi lúc núm vú bị sưng do chưa bé bú đúng phương pháp. Điều này có thể được giải quyết bằng cách sử dụng máy hút sữa. Song đây chỉ là giải pháp tình thế bởi nếu dùng thường xuyên, sữa sẽ được sản xuất nhiều hơn, khiến bầu ngực càng căng tức. Thay vào đó chị em có thể tắm nước ấm bằng vòi hoa sen, xoa bóp tuyến vú nhẹ nhàng, chọn áo ngực nâng đỡ tốt, chườm đá lạnh bầu vú và dưới cánh tay sau mỗi lần cho bú để giảm sưng tuyến sữa. Khi quyết định không nuôi con bằng sữa mẹ, chị em phải ngừng cho bé bú ít nhất 3 ngày để sữa ngừng sản sinh. Nếu quá đau đớn, các mẹ nên tới gặp bác sĩ để lấy thuốc giảm đau.

Nứt núm vú là điều mà không mẹ nào mong gặp phải bởi những đau đớn, ngứa ngáy khó chịu và sự sợ hãi mỗi lần cho con bú mà nó mang lại. Để ngăn ngừa tình trạng “nứt cổ gà” nói trên, các chuyên gia khuyên rằng chị em nên sử dụng nước ấm (không có xà phòng) để lau rửa núm vú, để vú khô tự nhiên sau khi cho bé bú, cho bé bú đúng cách bằng việc đảm bảo miệng bé ngậm trọn phần đầu ti và quầng vú, tìm tư thế thoải mái nhất cho bé bú, thoa kem trong trường hợp quá đau nhức.

Sau sinh: quot;Loạnquot; cảm xúc - 3
Nhiều chị em gặp rắc rối với núi đôi sau sinh. (Ảnh minh họa)

Khi vi khuẩn lây truyền từ miệng trẻ vào ống dẫn sữa và gây ra nhiễm trùng, đó là viêm vú. Đây là vấn đề thường gặp của các bà mẹ trẻ và bắt buộc phải dùng kháng sinh để điều trị. Các triệu chứng thường gặp bao gồm vú bị đỏ, cứng, sưng, đau nhức, kèm theo sốt, ớn lạnh. Rất nhiều bà mẹ lo lắng không thể cho con bú sữa khi viêm vú. Đây là điều hoàn toàn sai lầm. Sữa không bị ảnh hưởng bởi viêm và không thể làm tổn thương em bé. Việc tiếp tục cho bé bú và hút sữa ra là vô cùng quan trọng. Mẹ có thể thực hiện vài động tác xoa bóp nhẹ nhàng để hút sữa ra hiệu quả hơn.

Nhiễm nấm là tình trạng nhiễm trùng nấm men truyền từ bé sang mẹ, khi bé có những đốm trắng trên lưỡi. Điều này làm cho núm vú mẹ bị khô, nứt và đau đớn. Khi gặp vấn đề này, chị em phải bôi kem chống nấm vài lần một ngày và cho bé uống thuốc theo đúng quy định của bác sĩ.  Việc điều trị có thể kéo dài đến tận vài tuần.

Thỉnh thoảng những cục u nhỏ, cứng sẽ xuất hiện trong ngực bạn khi cho bé bú. Đó là do một ống dẫn sữa đã bị nghẽn. Để làm thông tuyến sữa, các mẹ nên cho bé bắt đầu bú với bên ngực đang bị nghẽn và xoa nhè nhẹ trong quá trình cho bé bú nhằm giúp sữa dần dần di chuyển đến núm vú. Tuy nhiên, nếu đã áp dụng cách này mà vẫn không hiệu quả, nên ngừng cho bé bú và đến gặp bác sĩ để được thăm khám kỹ hơn, vì tuyến sữa bị nghẽn có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng vú, áp xe vú.

Áp xe làm cho vú chứa nhiều mủ, do vi khuẩn xâm nhập vào vú qua núm vú, lây nhiễm các ống dẫn sữa và tuyến vú, gây đau nhức dữ dội ở khu vực này. Thuốc kháng sinh sẽ được chỉ định điều trị trong trường hợp này và bạn được phép tiếp tục cho bé bú trong suốt quá trình điều trị.

Chán nản vì stress, trầm cảm

Có đến 80% sản phụ gặp phải tình trạng stress trong những tuần lễ đầu tiên sau khi chào đón bé yêu đến với thế giới. Nguyên do là bởi họ thường xuyên cảm thấy lo lắng về những thử thách và trách nhiệm mới đặt lên đôi vai của mình. Nếu gặp phải trường hợp này chị em nên cố gắng tránh ôm đồm nhiều việc, tranh thủ nghỉ ngơi, tự động viên bản thân rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn và không phải ai cũng là bà mẹ hoàn hảo ngay được.

Sau sinh: quot;Loạnquot; cảm xúc - 4
Trầm cảm sau sinh rất nguy hiểm cho cả mẹ và bé (Ảnh minh họa)

Bên cạnh stress, trầm cảm sau sinh là một triệu chứng rất nguy hiểm cần được can thiệp và điều trị sớm vì nó có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Đây là kết quả của nhiều yếu tố hợp lại như thiếu ngủ thường xuyên, thay đổi hormone, mâu thuẫn gia đình, khó khăn tài chính và tính nhạy cảm di truyền. Các dấu hiệu của trầm cảm bao gồm suy nhược cơ thể,  đau lưng, mất ngủ (ngay cả khi rất mệt mỏi), ngủ quá nhiều (ngay cả khi bé đã dậy), thường xuyên cảm thấy hoảng hốt, căng thẳng, lo lắng, mất hứng thú tình dục, không quan tâm đến bé hay các thành viên trong gia đình, có suy nghĩ tiêu cực như làm hại tới bản thân hay bé yêu. Nếu thấy các triệu chứng trên, gia đình cần đưa chị em tới gặp bác sĩ ngay lập tức để được tư vấn dùng thuốc.

Một số lời khuyên dưới đây giúp chị em ngăn chặn trầm cảm như chú ý ngủ đủ giấc để tránh sự thay đổi hormone, phân chia lịch chăm sóc bé với chồng và các thành viên khác trong gia đình, chấp nhận sự giúp đỡ của bạn bè và những người xung quanh.

Nguyệt Minh (Theo PC)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trầm cảm sau sinh