Là một người có chuyên môn điều trị chứng trầm cảm sau sinh cho các mẹ, Tara chưa từng nghĩ rằng, có một ngày nào đó, mình lại bị tấn công bởi chính căn bệnh mà cô tưởng chừng như đã hiểu rõ từng "chân tơ kẽ tóc" này.
Là một người có chuyên môn điều trị chứng trầm cảm sau sinh cho các mẹ, Tara chưa từng nghĩ rằng, có một ngày nào đó, mình lại bị tấn công bởi chính căn bệnh mà cô tưởng chừng như đã hiểu rõ từng "chân tơ kẽ tóc" này.
Đã sáu năm kể từ những ngày đó, giờ đây, Tara mới có thể dũng cảm chia sẻ về những khó khăn mà cô đã gặp phải khi lần đầu làm mẹ.
Tara không thể ngờ rằng bản thân mình lại gặp vấn đề với chính căn bệnh mà mình hiểu rất rõ.
Sau khi sinh bé đầu tiên, Tara đã gặp phải những vấn đề tâm lí nghiêm trọng. Cô sợ hãi việc bế con, cho con bú, và choáng ngợp trước cảm giác đơn độc trong một ngôi nhà đầy ắp những bình sữa, tã bỉm, máy hút sữa, và một đứa bé sơ sinh không ngừng khóc.
Mỗi khi chồng cô ra khỏi nhà đi làm, cô cảm thấy mình như bị đông cứng với nỗi sợ hãi. Cô không dám bế con mình quá lâu, thậm chí còn muốn trốn chạy với chính em bé của mình. Cô cũng cảm thấy rất căng thẳng, lo lắng và cảm thấy tội lỗi vì chuyện cho con bú.
Trong tháng đầu tiên sau khi sinh con trai đầu, cô ngủ rất ít, cứ cách 3 tiếng đồng hồ, cô lại vắt sữa một lần, cố gắng để cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ. Thế nhưng, trên thực tế, bản thân cô vẫn luôn chật vật và ám ảnh bởi "nghĩa vụ" này.
Thế nhưng, với áp lực từ định kiến xã hội, cô luôn cố gắng che giấu vấn đề của mình. Ngay cả khi đến thăm khám bác sĩ, được hỏi về những khó khăn khi lần đầu làm mẹ, cô vẫn rất tự tin trả lời rằng mọi thứ vẫn tốt, và cô ổn. Với gia đình mình, cô vẫn luôn "diễn thật tròn vai" đến mức, chính cô cũng thấy ngạc nhiên vì khả năng che giấu của mình.
Tara cho biết, dưới áp lực định kiến xã hội, nhiều mẹ đã cố gắng "diễn tròn vai" như cô.
"Rất nhiều mẹ giống như đang ở trên một sàn diễn vậy. Chứng trầm cảm sau sinh là thứ mà nhiều mẹ muốn che giấu. Trong một vài tiếng đồng hồ khi họp mặt gia đình, hay khi đến thăm khám bác sĩ, chúng tôi luôn tỏ ra rằng mình ổn", Tara cho biết.
Từ trải nghiệm của mình,Tara cho biết, "nỗi sợ bị xã hội đánh giá là một bà mẹ tồi" là nguyên nhân chính dẫn đến chứng trầm cảm sau sinh và sự cố gắng che giấu căn bệnh này của cô.
"Thật tồi tệ khi bạn không thể làm được điều mà cả xã hội cho rằng bạn lẽ ra phải làm được. Ngay cả khi họ không chứng kiến bạn làm được điều đó, họ vẫn luôn trông chờ rằng bạn hiển nhiên sẽ làm được như vậy".
Chính vì thế, Tara đã nỗ lực để xoay sở, luôn tự trách móc bản thân mình vì không thể làm được điều mà "tất cả các mẹ khác đều làm được" như bế ẵm con, nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Khi vừa đưa con cho người trông trẻ, cô lập tức dằn vặt bản thân mình vì "mình là kiểu mẹ gì mà đến bế ẵm con cũng không dám chỉ vì sợ hãi những hành động của chính mình". Cô liên tục đến thăm khám bác sĩ vì "những cơn nhức đầu".
Cuối cùng, cô cho phép bản thân mình "được dừng lại".
"Cuối cùng, tôi cho phép bản thân mình được dừng lại", Tara chia sẻ. Cô quyết định nói với chồng, anh Charles, về những vấn đề mình gặp phải. Sau đó, hai vợ chồng cô đã cùng đến gặp bác sĩ. Tara vẫn nhớ được câu trả lời đẫm nước mắt của mình khi ấy.
"Tôi sẽ không làm đau con mình. Đó không phải là điều tôi muốn. Tôi chỉ đặt bé xuống và chạy trốn khi tôi nghĩ rằng tôi không thể chịu đựng thêm được nữa. Nhưng đó không phải là "kiểu mẹ" mà tôi nghĩ mình nên trở thành".
Sau đó, cô và chồng đã thẳng thắn đối diện với chứng trầm cảm sau sinh của mình. Cô uống thuốc, và chấp nhận nuôi con bằng sữa ngoài thay vì cố gắng nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Dần dần, cô đã vượt qua được căn bệnh này. Sáu năm qua, cô và chồng đã có thêm 2 em bé nữa, khỏe mạnh và hạnh phúc.
Từ câu chuyện của mình, Tara đã thực hiện một nghiên cứu về căn bệnh này.
Từ những trải nghiệm của chính bản thân mình, cô đã thực hiện một nghiên cứu mới về căn bệnh trầm cảm sau sinh, đặc biệt là những trường hợp luôn muốn che giấu chứng bệnh này do những định kiến xã hội về khái niệm "bà mẹ tiêu chuẩn".
Đồng thời, qua nghiên cứu của mình, cô mong muốn truyền động lực để các mẹ dũng cảm thừa nhận những vấn đề mà mình gặp phải, và nhắc các bác sĩ nên chú ý đến những "dấu hiệu ngầm" thay vì chỉ tập trung vào những biểu hiện bề mặt.
"Bạn không nên chỉ chú ý đến những ý nghĩa bề mặt trên những câu trả lời của bệnh nhân mình, khi họ đến thăm khám nhiều lần mà tình trạng vẫn không hề cải thiện", Tara chia sẻ.
Chuyên mục Bà bầu – nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về thụ thai, mang bầu, những kinh nghiệm sinh nở cho phụ nữ trước, trong và sau khi có thai. Mời độc giả có những thắc mắc, chia sẻ, tâm sự liên quan đến vấn đề này gửi thư về địa chỉ babau@eva.vn để được chia sẻ, tư vấn từ chuyên gia. |