Cứ mỗi lần định gần gũi vợ, anh lại bị ám ảnh bởi cảnh máu me khi chứng kiến nàng sinh nở.
Ngày nay, việc người chồng tham gia ca sinh nở cùng vợ chẳng còn là chuyện hiếm. Khi có chồng bên cạnh, chị em sẽ được tiếp thêm sức mạnh, có thêm động lực để vượt qua những cơn đau đẻ. Khi vào phòng sinh cùng vợ, các đấng mày râu cũng hiểu hơn về sự vất vả, khó khăn của chị em trong hành trình vượt cạn. Tuy nhiên, không phải anh chồng nào cũng đủ kiến thức và sự dũng cảm để đối mặt với cơn đau cùng vợ. Xung quanh việc vào phòng đẻ cùng vợ cũng có bao chuyện dở khóc dở cười.
Vợ đau đẻ, chồng “chết ngất”
Xem trên phim ảnh và sách báo thấy ở nước ngoài, người chồng được vào phòng sinh cùng vợ, anh Lâm tỏ ra thích thú lắm. Vậy là ngay từ ngày vợ mới mang bầu, hai vợ chồng đã lên ý tưởng sẽ chọn một bệnh viện trong nước mà cho người thân vào phòng đẻ cùng. Dịch vụ này ở Việt Nam vì chưa mấy phổ biến nên phải khó khăn lắm hai người mới tìm được bệnh viện như ý muốn. Trước ngày vợ gần sinh, anh còn phải đi học một lớp đào tạo về kỹ năng hỗ trợ vợ khi sinh nở. Vì đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng nên anh Lâm rất tự tin khi vào phòng đẻ cùng vợ.
Thế nhưng tình huống mà anh chưa từng nghĩ đến là ca sinh nở của vợ anh thuộc loại khó, chị phải đau đẻ đến hơn 1 ngày. Suốt thời gian đó, anh cứ chạy ngược chạy xuôi lo đủ việc. Đến khi vợ chính thức lên bàn đẻ cũng là lúc anh mệt nhoài, mất hết bình tĩnh. “Nói thật là đến lúc ấy, vì luống cuống quá nên tôi quên hết mọi thứ đã được học. Chỉ còn biết cầm tay, vuốt tóc cho vợ thôi. Khi thấy vợ đau quá khóc hét lên thì mình cũng chỉ biết hét cùng vợ. Khi vợ khóc, chẳng hiểu sao tôi cũng nước mắt ngắn dài. Thấy tôi lóng nga lóng ngóng lại mất bình tĩnh, bác sĩ đã yêu cầu tôi ra ngoài vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý của vợ. Thế nhưng vì khó khăn lắm tôi mới xin được vào phòng đẻ cùng vợ, sao lại ra dễ dàng thế được nhất là khi vợ chưa thể sinh nở. Tôi cố xin ở lại bằng được và tự dặn lòng phải bình tĩnh lại", anh Lâm chia sẻ.
Ngày nay, việc người chồng tham gia ca sinh nở cùng vợ chẳng còn là chuyện hiếm. (ảnh minh họa)
Những tưởng từ lúc ấy anh Lâm sẽ lấy lại được bình tĩnh ai ngờ càng thấy vợ la hét, kêu khóc vì đau mặt anh càng tím tái, anh bảo chỉ sợ lúc ấy vợ ngất đi thì không biết làm thế nào. Đến lúc cơn đau đẻ của vợ anh lên đến đỉnh điểm, vợ nắm chặt tay anh để rặn đẻ thì anh lăn đùng ra ngất. Vậy là ekip đỡ đẻ hôm đó phải chia làm 2 nhóm, một nhóm tiếp tục cho ca sinh nở còn 2 y tá phải đưa anh ra ngoài. Lúc tỉnh dậy anh đã thấy người nhà đang bế em bé ngồi quanh anh. Thấy anh tỉnh, ai cũng cười đùa bảo anh nhát gan thế còn xin vào phòng đẻ cùng vợ.
Dù chẳng giúp được gì nhiều cho vợ trong ca sinh nở nhưng cũng từ hôm chứng kiến vợ đau đẻ, anh Lâm thêm thương và chiều vợ hơn. Anh bảo: “Đúng là có vào phòng sinh cũng vợ mới hiểu được nỗi vất vả của chị em khi đau đẻ. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng đau đẻ lại khủng khiếp thế. Thấy vợ đau như chết đi sống lại, đầu tóc xõa xượi mà thương vợ quá. Mình chỉ chứng kiến thôi mà đã không chịu nổi rồi”.
Dường như “được” chứng kiến cảnh đau đẻ của vợ cũng khiến anh Lâm tâm lý hơn. Từ ngày ở bệnh viện về, vì không có người phụ giúp chăm bé nên anh chẳng quản ngại thức đêm bế con hay dậy pha sữa đêm cho con để vợ có thêm thời gian để ngủ. Tình cảm vợ chồng từ khi đó cũng trở nên thắm thiết hơn.
Cũng tương tự như trường hợp của anh Lâm nhưng câu chuyện đi đẻ cùng vợ của anh Chí lại có phần bi hài hơn. Anh vốn là người nhút nhát, sợ đau nhưng do vợ nhiệt tình rủ vào phòng sinh cùng nên anh miễn cưỡng đồng ý.
Anh kể: “Chẳng hiểu sao vợ mình học được ở đâu chuyện rủ chồng vào phòng sinh cùng. Mặc dù không muốn một chút nào vì tính mình nhát lắm nhưng vợ lại là người hay giận dỗi, sợ không làm theo ý cô ấy, nàng sẽ buồn, mà lại sắp đến ngày sinh nở rồi. Thế là đành tặc lưỡi đồng ý. Mà nghĩ cho cùng, được chứng kiến cảnh con chào đời cũng khá thụ vị đấy chứ”.
Đến khi vào phòng đẻ, anh cố gắng giữ bình tĩnh hết sức có thể. May mà vợ anh sinh nở cũng nhanh. Chỉ khoảng 30 phút là con đã cất tiếng khóc chào đời. Thế nhưng cũng đúng lúc ấy thì anh chợt nôn ọe hết cả ra sàn. Lý do là vì khi vợ đau đẻ đến giai đoạn cuối, bác sĩ hô: “1,2,3 rặn nào! Được rồi!”, anh vội nhìm trộm ra sau thì thấy em bé máu me be bét. Anh sợ quá, thế là nôn ngay trong phòng đẻ và chạy ra ngoài khi chưa kíp tự tay cắt rốn cho con.
“Mình đã lường trước hết mọi tình huống có thể xảy ra, đã cố gắng giữ bình tĩnh để làm động lực cho vợ, vậy mà vào giây phút cuối mình lại không thể ở lại để tự tay cắt dây rốn cho con. Chắc vợ lúc ấy sẽ buồn lắm. Nhưng nói thật nhìn cảnh ấy rất hãi, nếu có “tập 2” chắc mình xin thôi cái khoản vào phòng đẻ cùng vợ”, anh Chí chia sẻ.
Nhiều người chồng bị ám ảnh sau khi chứng kiến cảnh vợ sinh nở. (ảnh minh họa)
Sợ “yêu” sau khi vào phòng đẻ cùng vợ
Thông thường, người đàn ông nào khi vợ đẻ cũng bị "nhịn đói" cả mấy tháng trời, đằng này sau khi chứng kiến cảnh vợ sinh nở anh Thành (Từ Liêm, Hà Nội) bỗng sợ vợ, nhất là “chuyện ấy”. Anh ngậm ngùi kể: “Vợ sinh hết cữ là hai vợ chồng định gần gũi nhau, nhưng cứ mỗi lần yêu vợ, mình lại tưởng tượng ra cảnh mình nhìn thấy lúc vợ sinh con, cứ thấy sợ sợ, ghê ghê thế nào ấy. Thế là mọi cảm hứng đang cao trào dâng lại tụt xuống. Cố mấy cũng không thôi ám ảnh. Tình trạng đấy kéo dài tới tận tới khi con được gần 1 năm mới yêu vợ được. Mình khuyên thật lòng các ông chồng nếu thương vợ thì vào động viên cho vợ có thêm động lực chứ đừng tò mò xem vợ đẻ, sẽ bị ám ảnh lắm đấy.”
Thấy chồng cả năm trời sau khi vợ đẻ vẫn rất lạnh lùng với chuyện ấy, chị Nhung đâm nghi ngờ sợ anh có bồ bịch bên ngoài. Chị chia sẻ: “Ban đầu mình không thể hiểu vì sao chồng lại không yêu mình như trước. Thậm chí nhiều lúc mình còn tưởng vì mình bầu bí rồi sinh con nên chồng bồ bịch ở ngoài. Mỗi lần hai vợ chồng thử yêu nhau rồi anh ấy không làm được là mình lại giận dỗi. Giận mãi đến lúc không chịu được nên mình phải nói chuyện thẳng thắn với chồng. Thấy mình quá căng thẳng anh ấy mới khai thật là tại anh chứng kiến mình đẻ nên sau này mỗi lần định “yêu” mình anh ấy lại tưởng tượng ra cảnh đó, thấy sợ sợ nên không làm gì được nữa. Biết chồng vì nguyên nhân đó mà lạnh nhạt với vợ nên mình đã cố gắng cho anh ấy “yêu” từ từ. Mình cũng cố gắng làm mọi cách để anh không bị ám ảnh chuyện mình sinh nở nữa. Mãi đến bây giờ, khi Sóc con đã gần 1 tuổi, cuộc sống chăn gối vợ chồng mới trở lại được như xưa. Nghĩ lại mình thấy hối hận vì đã bắt chồng vào phòng sinh cùng”.
Kết
Chuyện chồng vào phòng sinh cùng vợ ngày nay đã không còn là hiếm. Tuy nhiên để không rơi vào tình huống dở khóc dở cười như những anh chồng nói trên, các cặp đôi nhất là người chồng cần chuẩn bị tâm lý vững vàng, cần có kiến thức nhất định về vấn đề sinh nở để không phải luống cuống gây mất bình tĩnh cho người vợ trong quá trình chuyển dạ cũng như ảnh hưởng đến chính tâm lý người chồng sau khi chứng kiến cảnh vợ sinh nở.
Mời các mẹ đón đọc Phần 2: Được - mất khi vào phòng sinh cùng vợ vào 10h ngày 11/9/2013 trên chuyên mục Bà bầu.