"Tháng cuối thai nhi tăng cân như thế nào?" là thắc mắc chung của hầu hết các mẹ bầu, đặc biệt là những người lần đầu mang thai.
Trong suốt 9 tháng thai kỳ, có thể nói tháng cuối là một cột mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển hoàn thiện và sự ra đời của thai nhi. Ở thời điểm này, việc biết được cân nặng của thai nhi là điều hết sức cần thiết để mẹ kịp thời bổ sung cho bé những chất quan trọng, tránh tình trạng trẻ sinh ra bị nhẹ cân. Vậy tháng cuối thai nhi thường tăng bao nhiêu kg?
Bảng cân nặng và chiều cao của thai nhi trong tháng cuối
Đến tháng thứ 9, bé đã phát triển toàn diện và bắt đầu quay đầu xuống xương chậu mẹ để giúp chân và mông bé dễ vận động hơn nhờ không gian rộng hơn. Lúc này, cân nặng và chiều dài của mỗi bé sẽ khác nhau tùy thuộc vào giới tình, số lượng thai và kích thước bố mẹ.
Tháng cuối là một cột mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển hoàn thiện và sự ra đời của thai nhi (Ảnh minh họa)
Trung bình, một em bé ở giai đoạn này sẽ nặng khoảng 3 – 3,5kg và dài 50cm. Bé sẽ tăng khoảng hơn 1 kg so với tháng trước để chuẩn bị cho quá trình sống bên ngoài cơ thể mẹ.
Dưới đây là bảng cân nặng và chiều dài cơ thể bé trong tháng cuối thai kỳ:
Tuần tuổi |
Chiều dài (cm) |
Trọng lượng (gram) |
37 |
48,6 |
2859 |
38 |
49,8 |
3083 |
39 |
50,7 |
3288 |
40 |
51,2 |
3462 |
41 |
51,5 |
3597 |
Ngoài việc phát triển nhanh chóng về cân nặng ra, tháng cuối thai kỳ còn là lúc trí não bé phát triển nhanh nhất. Lúc này, não của trẻ có thể đạt đến 25% trọng lượng não của người trưởng thành. Chế độ dinh dưỡng, cách dưỡng thai của mẹ trong kỳ tam cá nguyệt cuối sẽ là một cơ hội quý giá để giúp bé phát triển hoàn thiện, thông minh lanh lẹ hơn trong tương lai.
Những thay đổi của trọng lượng cơ thể mẹ bầu trong tháng cuối
Trong suốt thai kỳ, thai phụ nên tăng từ 9 – 14kg, mang đa thai tăng từ 15 – 20kg. Ở tháng cuối, mẹ bầu thường tăng khoảng ½ kg mỗi tuần, hoặc 2 đến 2,5 kg mỗi tháng trong tam cá nguyệt thứ ba. Ở tuần thứ 40, mẹ bầu có thể bị sụt ký và đây là một dấu hiệu bình thường và mẹ bầu có thể sẽ chuyển dạ trong vòng 10 ngày trở lại.
Các mẹ bầu chú ý rằng ở tháng cuối thay kỳ, chân tay mẹ thường bị sưng phù do tăng lượng máu lưu thông. Khi ấy, nếu mẹ thấy cơ thể sưng nhiều, tăng cân từ 2kg mỗi tuần thì cần gặp bác sĩ ngay bởi việc tăng cân đột ngột ở mức cao như vậy có thể là dấu hiệu của chứng cao huyết áp hoặc tình trạng nhiễm độc thai nghén, tiểu đường thai kỳ.
Ở tháng cuối, mẹ bầu thường tăng khoảng ½ kg mỗi tuần, hoặc 2 đến 2,5 kg mỗi tháng trong tam cá nguyệt thứ ba (Ảnh minh họa)
Chế độ ăn hợp lý cho bà bầu ở tháng cuối
Dinh dưỡng cho giai đoạn này cực kỳ quan trọng vì cơ thể mẹ sắp trải quan giai đoạn vượt cạn khó khăn. Hãy bổ sung cho cơ thể những thực phẩm giàu năng lượng như thịt gà, cá và các thực phẩm giàu carbohydrate như gạo và ngũ cốc. Chúng sẽ giúp bạn trữ năng lượng để trải qua giai đoạn vượt cạn một cách nhẹ nhàng nhất.
Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng nên:
- Ăn đủ và phong phú cả 4 nhóm chất
Các mẹ bầu cần nhớ trong khẩu phần ăn mỗi ngày phải cân bằng cả 4 nhóm chất, bao đồm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa), chất béo (dầu ôliu, bơ, đậu phộng, các loại hạt tự nhiên), tinh bột (gạo, ngũ cốc, khoai, sắn), chất xơ (rau củ). Đặc biệt, bổ sung thêm các chất như sắt, can-xi, kẽm, magie, vitamin C… sẽ rất tốt giúp thai nhi phát triển xương mạnh khỏe.
- Bổ sung axit béo
Mẹ đừng bỏ quên bổ sung thêm lượng axit béo, nhất là omega 3, DHA và EPA trong tháng cuối thai kỳ vì chúng rất cần thiết giúp phát triển mắt, hệ thần kinh và não bộ của thai nhi. Mẹ có thể bổ sung chất béo thông qua các nguồn thực phẩm như cá hồi, cá thu, đậu nành, các loại hạt như hạt bí, hạt hướng dương, hạnh nhân, óc chó, dầu nành, dầu ôliu…
- Ăn các loại rau củ, trái cây
Mẹ bầu tháng cuối cũng nên nhớ cần ăn nhiều các loại rau củ quả, trái cây để cung cấp cho cơ thể nhiều loại vitamin thiết yếu giúp thai nhi phát triển một cách khỏe mạnh.
Mẹ bầu nên ăn nhiều hoa quả (Ảnh minh họa)
- Nạp thêm sữa và phô mai
Ngoài rau củ, thịt cá, mẹ bầu cũng nên nạp thêm sữa và phô mai bởi sữa rất giàu protein, can-xi và carbohydrate giúp thai nhi tăng cân. Tuy nhiên mẹ bầu nên chọn các loại sữa tươi không đường vì sữa có đường có thể gây nên tình trạng khó tiêu, tiêu chảy.
- Uống đủ nước
Nước rất tốt với bà bầu đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ 3. Uống đủ nước sẽ giúp mẹ có đủ nước ối, làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, ngăn chặn tình trạng táo bón cũng như chứng phù nề. Duy trì thói quen uống nước từ 2-2.5 lít/ngày, trong 1 lần uống không nên uống nhiều vì có thể gây áp lực lên thận.
>> XEM TIẾP: Những tuyệt chiêu ăn uống giúp mẹ bầu 3 tháng cuối "giải quyết" mọi khó chịu
Chuyên mục Bà bầu – nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về thụ thai, mang bầu, những kinh nghiệm sinh nở cho phụ nữ trước, trong và sau khi có thai. Mời độc giả có những thắc mắc, chia sẻ, tâm sự liên quan đến vấn đề này gửi thư về địa chỉ babau@eva.vn để được chia sẻ, tư vấn từ chuyên gia. |