Vắt sữa non trước sinh - Việc nhiều mẹ làm nhưng lắm nguy cơ!

Ngày 05/08/2016 05:30 AM (GMT+7)

Thai phụ vắt sữa non trước sinh sẽ kích thích cơ thể sản xuất oxytocin - một hormone khởi phát cho quá trình chuyển dạ.

Rộ phong trào vắt sữa non khi mang bầu để dành cho con

Để con có sữa bú ngay từ giây phút chào đời, nhiều mẹ bỉm sữa đã bày cho nhau cách vắt sữa non trước sinh. Chị Thùy Anh (25 tuổi, Tp.HCM) bắt đầu vắt sữa non khi thai nhi được 35 tuần tuổi. Chị tâm sự: “Qua tìm hiểu, mình biết thông tin sữa non rất giàu kháng thể và chứa nhiều yếu tố tăng trưởng cần thiết cho sự hấp thu dinh dưỡng ở trẻ. Do đó, mình chấp nhận đau đớn để vắt từng giọt sữa dành cho con yêu”.

Thời gian đầu, chị Thùy Anh vắt được khoảng 0.5ml sữa/ngày. Chị cho hay, chị sử dụng xilanh để hút sữa, rồi đem đổ vào bình và bảo quản trong tủ lạnh. Đến nay, chị Thùy Anh đã dự trữ được khoảng 50ml sữa non.

Dự định sinh con bằng phương pháp sinh mổ, chị Ngọc Hòa (30 tuổi - Đà Nẵng) đã chuẩn bị cho con 2 bình sữa non để khi chào đời, bé được bú sữa mẹ. “Trước khi lên bàn mổ, bác sĩ sẽ tiêm kháng sinh vào cơ thể mình. Tránh trường hợp thuốc truyền sang cơ thể con qua đường bú, mình đã chuẩn bị sẵn lượng sữa non để con đủ uống sau này”, chị Hòa cho biết.

Mặc dù vậy, chị Hòa vẫn băn khoăn việc vắt sữa như vậy có đảm bảo vệ sinh hay không. Đặc biệt là khâu cắt vỏ bao xilanh, tháo đầu kim sử dụng và ống tiêm có cần tráng qua nước ấm để tiệt trùng,…

Vắt sữa non trước sinh - Việc nhiều mẹ làm nhưng lắm nguy cơ! - 1

Sản phụ vắt sữa non trước sinh rất dễ gặp phải nguy cơ sinh non. (ảnh minh họa)

Nguy cơ khi bà bầu vắt sữa non

Theo bác sĩ CK sản Thân Ngọc Tuấn (Bệnh viện Đa khoa Medlatec), cơ thể mẹ bầu bắt đầu sản xuất sữa non từ quý thứ 2 của thai kỳ. Thông thường, giai đoạn tạo những giọt sữa non đầu tiên được diễn ra trong khoảng  thời gian từ tuần thứ 16-20. Ở giai đoạn này, khoảng cách giữa các nang sữa chưa kín, sự lưu thông qua lại giữa máu và sữa khá cao. Vì vậy, sữa non rất đặc và có màu vàng.

Sản phụ vắt sữa non trước sinh rất dễ gặp phải nguy cơ sinh non. “Động tác vắt sữa non sẽ kích thích cơ thể sản xuất ra oxytocin- 1 loại hormone khởi phát cho quá trình chuyển dạ. Bởi vậy, nhiều sản phụ vắt sữa non có thể đẻ sớm khi chưa đến ngày “nhảy ổ””, bác sĩ Tuấn cho hay.

Sau sinh, mẹ bầu nên cho con bé trực tiếp từ bầu vú để kích tuyến vú tiết ra nhiều sữa và nguồn sữa được đảm bảo sạch sẽ. Trong 1 số trường hợp, thai phụ được phép vắt sữa để dành cho con:

- Trẻ khó bú ở giai đoạn đầu khi sinh như sứt môi, hở hàm ếch,...

- Con sinh thiếu tháng  chưa có phản xạ bú tự nhiên.

- Trẻ được chăm sóc trong lồng ấp và bơm sữa nuôi ăn.

- Mẹ bị lao phổi, viêm hô hấp trên, nhiễm cúm A/H1N1, bị chấn thương vú do herpes,..

- Mẹ bị tiểu đường typ 1 hoặc tiểu đường thai kỳ. 

Sữa non rất tốt cho sức khỏe trẻ?

Sữa non rất giàu kháng thể và chứa nhiều yếu tố tăng trưởng cần thiết cho sự hấp thu dinh dưỡng. Tuy nhiên, sữa non được bảo quản lâu trong tủ lạnh sẽ không đảm bảo chất lượng, dễ bị nhiễm khuẩn. Khi đó, trẻ bú vào có thể bị tiêu chảy, viêm ruột hoại tử. Vì vậy, các mẹ cần hạn chế vắt để dành, tốt nhất là cho con bú thường xuyên và đều đặn ngay sau khi ra đời.”, bác sĩ Tuấn khuyến cáo.

Nếu có ý định vắt sữa non trước sinh, người mẹ cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn đầy đủ nhất về lợi ích cũng như nguy hại có thể xảy ra.

Vân Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác