Khi nhắc tới những nhà khoa học đầu ngành về công nghệ gene ở Việt Nam, giới chuyên môn và nhiều vợ chồng Việt thường nhớ ngay tới cặp vợ chồng GS.TS Lê Đình Lương và ThS Nguyễn Thị Nga ở Hà Nội.
Có dịp gặp gỡ với vợ chồng GS.TS Lê Đình Lương, ai cũng không khỏi ngạc nhiên khi ở tuổi "xưa nay hiếm" phong thái làm việc của họ vẫn nhanh nhẹn, chuyên nghiệp. Suốt mấy chục năm nay, vợ chồng GS.TS Lê Đình Lương vẫn đam mê nghiên cứu khoa học và những công việc trong phòng thí nghiệm với các mẫu xét nghiệm ADN đa dạng cho khách hàng. Nhưng ít ai biết được để có những thành quả và nổi tiếng trong giới gene ADN hôm nay, vợ chồng nhà khoa học này cũng trải qua những ngày tháng khó khăn, chật vật để sống tốt với nghề đã lựa chọn.
GS.TS Lê Đình Lương cùng vợ là ThS Nguyễn Thị Nga hiện đang làm về phân tích ADN. Trước đó, GS.TS Lê Đình Lương từng là Chủ nhiệm Bộ môn Di truyền, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Vi sinh vật của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Dù là cán bộ giảng dạy trình độ cao, GS.TS Lê Đình Lương cho biết, thu nhập của hai vợ chồng ông thời đó thấp, không đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống gia đình. Vì thế, ngay cả khi chuẩn bị nghỉ hưu, ông bà vẫn chưa có nhà riêng.
Là những người tiên phong trong lĩnh vực di truyền học và là người khai sinh ra việc ứng dụng công nghệ phân tích ADN đầu tiên ở Việt Nam, 2 vợ chồng GS.TS Lê Đình Lương cũng đã chứng kiến từng bước phát triển của nó. Thậm chí vợ ông – Thạc sĩ Nguyễn Thị Nga với gần 20 năm trong nghề đã chứng kiến biết bao câu chuyện buồn vui của khách hàng xét nghiệm ADN.
Nhiều lần bản thân 2 vợ chồng bà bị khách hàng lớn tiếng đe dọa yêu cầu thay đổi kết quả xét nghiệm ADN nhưng vẫn quyết không chịu: “Bao năm nay vì biết mình làm đúng và luôn trung thực nên chúng tôi không sợ 1 thế lực đe dọa nào. Cũng chưa bao giờ chúng tôi tham tiền mà nhận 1 số tiền khủng để thay đổi kết quả ADN cho khách dù nhận được rất nhiều lời đề nghị cho việc này. Sự thật như thế nào sẽ cho kết quả xét nghiệm ADN đúng như vậy. Trung thực, tỉ mỉ là nguyên tắc đầu tiên và xuyên suốt của những người làm xét nghiệm ADN như chúng tôi. Không bao giờ lương tâm cho phép cho ra 1 kết quả khác với kết quả của máy để trả cho khách”.
Cô Nga cũng kể về trường hợp bà mẹ trẻ ở Hà Nội đến xét nghiệm ADN để xác định huyết thống con trai mình với bố đứa trẻ. Thế nhưng kết quả lại cho thấy con cô ấy không có quan hệ máu mủ với chồng. Nếu đem kết quả như thế này về, mẹ đẻ của cô đang bị bệnh sốc mà chết. Chồng cô từ lâu đã nghi ngờ bé không phải con mình sẽ không bao giờ tha thứ cho vợ. Vì thế cô cầu xin bà Nga thay đổi kết quả để gia đình hạnh phúc trọn vẹn.
Dù rất thông cảm với người vợ trẻ nhưng bà Nga cho biết không thể đồng lõa trong chuyện này. Bà khuyên cô hãy thú nhận và nhận hậu quả vì sự thật không thể giấu chồng được mãi. Kết quả động trời khiến gia đình cô tan nát vì chồng và gia đình chồng phức tạp không thể tha thứ cho người phụ nữ trên khi đã dối lừa họ trắng trợn. Dù buồn cho người mẹ trẻ trên nhưng bà Nga không thể làm khác được.
Bà Nga cũng nhớ như in về trường hợp 2 chị em (chị gái với em trai) thất lạc nhau từ nhiều năm trước. Một ngày họ nhận nhau qua lời kể thấy trùng khớp và qua xét nghiệm ADN ở trung tâm khác khẳng định họ là chị em ruột.
Làm chị em hơn 10 năm nay nhưng người chị cứ cảm giác không phải em mình nhưng cũng không biết phải làm sao. Cho đến ngày có người đàn ông khác tìm đến nhận người này là chị gái. Không hiểu sao nhìn hình thức và tính cách của người đàn ông xa lạ này, người phụ nữ cứ có linh cảm đây mới thật sự là em mình.
Vì thế, người phụ nữ ấy bí mật xét nghiệm ADN giữa chị và đứa em trai đã nhận nhau năm xưa thì không phải là chị em ruột. Làm xét nghiệm ADN với người đàn ông sau thì mới đúng là em trai của mình. Hóa ra, do trung tâm xét nghiệm kia năm xưa làm sai nên phải xét nghiệm lại.
Hay có trường hợp còn dọa kiện trung tâm xét nghiệm ADN của vợ chồng nhà khoa học này vì đã không cho ra kết quả theo ý khách hàng. Đó là trường hợp một đàn ông này từ chối nhận đứa con rơi. Nhưng hiện nay, do anh ta bị ung thư giai đoạn cuối muốn con về ở với mình nên đòi nhận làm bố con. Vì thế anh ta đưa mẫu tóc của con đi xét nghiệm nhận huyết thống. Nhưng kết quả lại không công nhận đó là 2 cha con. Vì thế anh ta làm um lên đe dọa quấy nhiễu đòi bà Nga thay đổi kết quả ADN. Dù rất thông cảm với hoàn cảnh bệnh tật của anh ta nhưng bà Nga vẫn vững vàng, giữ nguyên kết quả.
Điều đáng quý là ở bên nhau cùng sống và làm việc suốt mấy chục năm qua nhưng vợ chồng GS.TS Lê Đình Lương vẫn ngày ngày cần mẫn nỗ lực với đam mê di truyền học. Hàng ngày cứ 6h sáng là cặp vợ chồng nhà khoa học này thức giấc. Sau khi tập thể dục và cùng nhau ăn sáng thì bà đến làm ở phòng thí nghiệm ADN chìm đắm trong các mẫu xét nghiệm ADN. Còn ông thì say mê dành thời gian nghiên cứu khoa học, cải cách di truyền học.
Tính đến thời điểm này, giáo sư Lương đã có hơn 30 đầu sách tự biên soạn về khoa học di truyền ADN. Bên cạnh đó, ông còn miệt mài nghiên cứu ADN để ứng dụng rộng rãi công nghệ di truyền trong dược học và y tế, mong đọc xét nghiệm ADN có thể đoán được hàng trăm bệnh nguy hiểm chính xác để từ đó có các phương pháp phòng ngừa và điều trị phù hợp, mang sự thật về gene cho vạn gia đình Việt.