Sự khéo léo, đảm đang trong từng mâm cơm của chị Nguyễn Ngân Tuyết khiến nhiều chị em dành không ngớt lời khen đúng chuẩn cơm gia đình.
Vào trong Sài Gòn lập nghiệp, mặc dù ở nhà thuê, căn bếp chỉ nhỏ nhắn, giản đơn nhưng ngày nào chị Nguyễn Ngân Tuyết (29 tuổi) với người em ở chung của mình cũng cố gắng nấu những bữa cơm gia đình đầy đủ.
Tuy những mâm cơm chị nấu đơn giản, không cầu kỳ nhưng nó cũng khiến chị cảm thấy vui vì đảm bảo được sức khỏe lại ấm lòng hơn, vơi nỗi nhớ xa gia đình.
Chị Nguyễn Ngân Tuyết.
Từ một lần ngộ độc, quyết về nhà nấu cơm
Chị Tuyết chia sẻ, bản thân mới nấu ăn nhiều được khoảng vài năm trở lại đây. Hồi còn nhỏ, chị thường nấu ăn phụ giúp gia đình. Khi vào đại học, chị cũng nấu cùng với các bạn những bữa ăn nhanh gọn với chi phí khá ít. Đến lúc đi làm, công cuộc nấu ăn của chị bị gián đoạn, có những thời điểm chị thường xuyên ăn ngoài. Mãi đến 3 năm nay, sau một lần ngộ độc khi đi ăn ngoài hàng, chị cố gắng thu xếp được công việc để nấu ăn. Nhờ có bạn trong nhà đồng điệu ăn uống nên chị nấu ăn nhiều hơn. Từ đó, việc vào bếp trở thành đam mê, sở thích để chị giải tỏa căng thẳng.
Hiện nay do đi làm công sở, cộng với việc học thêm ngoại ngữ nên chị chỉ nấu ăn 3 buổi/tuần. Vì công việc bận rộn nên chị tập trung những món đơn giản, không quá cầu kỳ mà vẫn đầy đủ chất dinh dưỡng.
“Thời gian đầu mình gặp khó khăn như đi làm về vào siêu thị mua đồ không có nhiều lựa chọn khiến bữa ăn nhàm chán, bếp lại nhỏ không có nhiều không gian khiến mình không thể mua nhiều dụng cụ bếp. Vì vậy một tuần mình đi siêu thị 2-3 lần. Cuối tuần, mình mua đồ tươi thịt cá, rau củ khá nhiều. Vì rau ăn lá không bảo quản được lâu nên mình tăng cường mua nhiều củ như su su, su hào, cà rốt, bí để ngày nào cũng có rau, củ cung cấp vitamin”, chị Tuyết cho hay.
Những mâm cơm chị Tuyết chăm chút mỗi ngày.
Vì có tìm hiểu về dinh dưỡng, đặc biệt chế độ dinh dưỡng dành cho người hoạt đông trí óc, tập thể dục nên bữa ăn của chị thường có món mặn như thịt, cá rán hoặc luộc, món rau, món canh, món xào và trái cây. Trong đó, bữa ăn luôn phải đủ nhóm dinh dưỡng chất đạm, chất béo, chất xơ và luôn phải thay đổi mỗi ngày.
“Muốn bổ mắt có nhiều vitamin A nên cà rốt ngày nào cũng có trên mâm cơm, trứng mình chỉ ăn 3-4 quả/tuần để không bị dư cholesterol, đặc biệt mình ăn nhiều rau lắm và rất thích ăn salad. Tuy nhiên em cùng nhà không thích nên mình ít làm”, chị Tuyết cho hay.
5 nguyên tắc nấu ăn nhanh chóng khiến ai cũng thay đổi suy nghĩ "cô nàng bad girl"
Được biết, vì mua những đồ đảm bảo trong siêu thị nên trung bình mỗi bữa cơm dành cho 4-5 người ăn của chị dao động khoảng 200-300 nghìn. Nhìn những mâm cơm chị Tuyết làm được trang trí đẹp mắt, hoa quả tỉa hình ngộ nghĩnh, không ít chị em dành lời khen về sự đảm đang, khéo léo 9X độc thân này và cho biết “anh nào lấy được quả có phúc”.
Tuy nhiên, để sắp xếp thời gian nấu nướng đầy đủ được như vậy, chị Tuyết cho biết, chị có 5 nguyên tắc cơ bản. Nguyên tắc thứ nhất, mặc dù căn bếp nhỏ nhưng chị luôn sắm đầy đủ dụng cụ cơ bản với 2 bếp điện, lò vi sóng rã đông hoặc hâm nóng thức ăn, nồi chiên không dầu và tủ lạnh 2 ngăn với đầy đủ đồ dùng bếp cơ bản. Chính vì vậy, dù không có đồ bếp xịn nhưng chị cũng có đủ dụng cụ cơ bản để làm bếp, phục vụ nấu nướng hàng ngày.
Nguyên tắc thứ 2, chị luôn dự trữ đồ hợp lý, rau ăn lá ăn sau khi mua về không để lâu mất chất dinh dưỡng, chỉ dự trữ nhiều củ. Bên cạnh đó, ngoài đồ tươi mỗi ngày, chị luôn có đồ dự trữ trong tủ khi bận, vội hay có khách vẫn có thể nấu như tôm khô nấu canh mồng tơi, bí bầu hay trứng để rán, nấu canh cà chua, nấu nấm hoặc cá khô để tiết kiệm thời gian.
Tôm khô, cá khô, trứng luôn có sẵn trong tủ nhà chị.
Nguyên tắc thứ 3, chị luôn phải phối hợp thực đơn nhanh chóng, sắp xếp món liên quan nhau để tiết kiệm thời gian như luộc thịt xong, cho rau vào nước luộc thịt sẽ được một món canh. Nếu nấu canh rau củ, tỉa hoa cà rốt, chị sẽ lấy phần thừa làm trứng cuộn có nấm hành cuộn. Nếu chiên cá, chị sẽ có kim chi, dưa muối trong tủ.
Nguyên tắc thứ 4, chị không để thời gian chết khi nấu ăn. Mỗi bữa chị chỉ nấu 30-45 phút nên trong lúc nấu, chị luôn đặt 2 bếp song song và không để tay mình trống. Trong lúc chờ đợi chị có thể tỉa trái cây, pha nước chấm nhanh.
Nguyên tắc thứ 5 là luôn phải yêu bếp. Đối với chị Tuyết, sau một lần ngộ độc đến ám ảnh, chị chăm nấu nướng hơn, yêu thích công việc này hơn. Việc nấu ăn ở nhà giúp chị chủ động được chi phí, hàm lượng chất dinh dưỡng mình mong muốn hơn. Bên cạnh đó, chị nâng cao được tay nghề nấu ăn và gắn kết được những người bạn bè, người em xa quê lại với nhau, quây quần bên mâm cơm vui vẻ, đầm ấm như ở nhà.
Đặc biệt, thấy chị chăm chút bữa cơm, mọi người thay đổi suy nghĩ về chị là một cô gái bad girl với phong cách ăn mặc cá tính ngoài đời mỗi ngày và yêu quý chị hơn.
“Nấu ăn giúp mình làm chủ thực đơn, đảm bảo an toàn, chất lượng, tiết kiệm được chi phí, chủ động thời gian, kết nối mọi người, tạo sợi dây liên kết để xích lại gần nhau hơn.
Có một câu nói rằng “con đường ngắn nhất dẫn đến trái tim là thông qua dạ dày”, những người mình yêu quý mời đến nhà ăn cơm sẽ có cảm giác rất vui. Đó cũng là một cách thể hiện tình cảm với nhau. Với mọi người xa nhà bữa cơm đầm ấm như thế quá là hạnh phúc rồi”, chị Tuyết tâm sự.
Không những vậy, nấu ăn còn giúp chị xả stress. Mỗi khi vào bếp tìm món mới, tận hưởng thành quả đầu tiên khiến chị quên đi hết mọi bộn bề cuộc sống, Và đó cũng là cách chị khám phá bản thân mình nhiều hơn.
Hoa quả được chị cắt tỉa đẹp mắt. Theo chị chỉ cần làm quen tay sẽ làm nhanh mà không hề gặp khó khăn.
Chị luôn tuân thủ 5 nguyên tắc để có bữa cơm nhanh, đầy đủ, bổ dưỡng.
Những mâm cơm đầm ấm dù ở xa quê của chị Tuyết.