Mâm cỗ nào của chị em cũng hấp dẫn, có những đặc sắc riêng, thế mới biết, ngày Tết Đoan Ngọ có ý nghĩa như thế nào trong đời sống tâm linh người Việt.
Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch) vốn có nguồn gốc sâu xa từ Trung Quốc nhưng khi về nước ta, nó đã được Việt hóa, trở thành Tết “giết sâu bọ” và thờ cúng tổ tiên.
Theo tục lệ, vào ngày này mọi người phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng, trong đó nhiều loài sâu có thể ăn được và chúng được coi như là chất bổ dưỡng. Người ta tin rằng khi ăn món ăn đầu tiên trong ngày này thì sâu bọ, giun sán trong người sẽ bị chết hết.
Chính vì thế, hoa quả, bánh trái có nguồn gốc tự nhiên (những loại có vị chung là chua, cay, nóng...) là những đồ cúng không thể thiếu. Ngoài ra còn có các món ăn khác tùy theo tập quán của từng địa phương, khu vực.
Cũng trong dịp này, các chị em nội trợ cũng đã tất tả mua sắm các lễ vật, chuẩn bị các mâm cỗ cúng. Tuy nhiên, năm nay Tết Đoan Ngọ rơi vào thứ 6, không là ngày nghỉ cuối tuần nên phần lớn các mâm cỗ đơn giản hơn nhiều. Chị em chủ yếu chuẩn bị hoa quả, trái cây theo mùa để cúng.
Trong khi phần lớn các chị em chỉ chuẩn bị mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ là hoa quả, bánh trái truyền thống thì chị Nguyên Hạnh (Thái Bình) lại chuẩn bị hai mâm cỗ riêng biệt, một là mâm mặn, còn mâm thứ 2 là mâm ngọt. Chị Hạnh cho biết, đây cũng là lần đầu tiên mình thực hiện mâm cỗ mặn với nhiều món phong phú như vậy.
Các món ăn chị làm trong mâm cỗ mặn bao gồm: Xôi lá cẩm - Nộm ngó sen tai heo - Đậu phụ rán - Bánh dầy đỗ - Gà chọi xào sả ớt - Thịt thỏ chiên sả - Đuôi bò hầm củ sen - Vịt om sấu - Chè hạt sen đường phèn - Trà mạn ướp sen - Cơm sen - Hoa quả các loại. Nhìn mâm cỗ chị làm ai cũng phải trầm trồ vì phong phú, trình bày đẹp và hấp dẫn.
Mâm cỗ mặn cúng Tết Đoan Ngọ ấn tượng của chị Nguyên Hạnh
Bên cạnh mâm cỗ mặn, chị Nguyên Hạnh còn cúng riêng mâm cỗ ngọt với các loại hoa quả theo mùa, bánh trái, cơm rượu đơn giản nhưng vô cùng ý nghĩa.
Mâm cỗ ngọt cúng Tết Đoan Ngọ của chị Hạnh.
Cùng xem thêm các mâm cỗ hấp dẫn, bắt mắt, nhiều màu sắc của chị nội trợ khác:
Vì năm nay đi du lịch nên chị Tô Hưng Giang (Hà Nội) không có nhiều thời gian để chuẩn bị một mâm cỗ đầy đủ đúng với ý mình. Chị cho biết, lần cúng Tết Đoan Ngọ này chị chỉ kịp sắm hoa quả theo mùa như vải, mận rồi cơm rượu và xôi cốm cùng các loại hoa để dâng lễ cúng. Sang năm, ít bận hơn, chắc chắn chị sẽ làm thêm các loại bánh ngon, hấp dẫn mang màu sắc của quê hương Sơn La của mình
Vì Tết Đoan Ngọ rơi vào ngày vẫn đi làm nên chị Vũ Thanh Hoan (Hà Nội) cũng chỉ chuẩn bị các lễ vật đơn giản nhưng cũng đủ ý nghĩa như mận, vải, đào, cơm rượu và bánh chưng
Mâm cỗ đầy ắp hoa quả như quýt, đào, mận, vải, chôm chôm, táo, dâu da đất cùng cơm rượu và bánh tro của chị Phạm Thu Hiền. Chị Hiền chia sẻ, năm nào chị cũng cúng nhiều hoa quả như thế này. Hoa quả chị lựa chọn theo mua đồng thời đúng với sở thích của các con chị
Còn đây là mâm cỗ cúng và giết sâu bọ của chị Phạm Hồng Thắm - Bắc Ninh. Mâm cỗ của gia đình chị cũng rất đơn giản theo truyền thống gồm các món chè, cơm rượu, bánh tro cùng các loại hoa
Mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ được chuẩn bị cầu kỳ và dễ thương của chị Nghĩa Nguyễn
Mâm cỗ đẹp mắt của chị Lê Quỳnh Trang (TP HCM)
Mâm cỗ của gia đình chị Thảo Lê (Hà Nội)
Mâm cỗ toàn hải sản nhà chị Kiều Ly
Mâm cỗ Tết Đoan Ngọ đẹp mắt của chị Bích Lệ (Hà Nội)
Mâm cỗ cúng của gia đình chị Nhung Ngô