Bất ngờ hơn, chủ nhân của những chiếc bánh đẹp lung linh này vẫn còn là một chàng sinh viên năm thứ 3 chuyên ngành quản trị khách sạn.
Là con trai nhưng ngay từ những năm đầu trung học cơ sở, khoảng lớp 6, lớp 7, chàng trai Phan Minh Tùng (20 tuổi, Phú Thọ) đã có hứng thú với những chiếc bánh kem thơm mùi vani, béo ngậy bởi đây là thứ không thể thiếu trong các bữa tiệc sinh nhật của gia đình.
Cũng từ đó, cậu bé mới chỉ hơn 10 tuổi đã tự mua đồ về mày mò làm bánh để rồi nhiều năm sau đó cho đến hiện tại, đang là sinh viên năm 3 chuyên ngành quản trị khách sạn (Hà Nội), Minh Tùng đã sở hữu trong tay mình nhiều mẫu bánh đẹp, khác lạ, được rất nhiều thực khách yêu thích, hài lòng.
Minh Tùng chia sẻ, có lẽ mình may mắn khi bố là thợ chụp ảnh, mẹ là chuyên gia trang điểm nên bản thân cũng thừa hưởng một chút năng khiếu nghệ thuật của gia đình. Gen khéo tay ấy đã được Tùng tận dụng từ rất sớm khi bắt đầu chạm vào thế giới đa sắc của bếp bánh, của hương vani hay của những bàn tay lấm bột.
Minh Tùng có niềm đam làm bánh từ nhỏ, lớp 8 đã biết bán chiếc bánh đầu tiên do mình làm
Chàng trai 20 tuổi kể rằng, những ngày mới bắt đầu tìm hiểu và học làm bánh sinh nhật cho tới bây giờ cũng đã được 6-7 năm. Khi đó, các kênh thông tin về làm bánh chưa phổ biến rộng rãi, những clip hay blog dạy làm bánh rất hiếm. Còn chỗ ở của Tùng ngày ấy là tỉnh lẻ, việc mua đồ làm bánh rất khó khăn. Mỗi lúc muốn mua nguyên liệu hay dụng cụ gì đó là phải chờ cả tuần.
Điều này khiến Tùng nhớ lại lần đầu tiên mở thùng dụng cụ làm bánh ra, cảm giác như cả một thế giới bột bánh đang chào đón cậu bé lớp 6, lớp 7 tới khám phá vậy. Một điều đặc biệt là chiếc dao chà láng bánh đầu tiên Tùng mua cách đây 7 năm vẫn được cậu sử dụng cho tới bây giờ như một cách để chàng trai lưu giữ kỉ niệm đầu đời.
Lên lớp 8, sau khi đã nắm được những cách làm bánh cơ bản, chàng trai mạnh dạn mang thành phẩm của mình đi bán cho bạn bè.
"Khi đó mình làm cake-pop, loại bánh ngọt được làm từ vụn bánh gato rồi tạo hình rất ngộ nghĩnh, đáng yêu. Mình mời các bạn đặt trước, rồi sáng hôm sau mang tới trường đưa tận tay cho các bạn. Nghĩ lại chuyện đó tới giờ mình thấy rất nhớ, và cảm ơn những người xung quanh mình đã ủng hộ từ khi mới bắt đầu", Tùng vui vẻ cho biết.
Cho đến khi học cấp 3, có điều kiện cũng như kiến thức được bổ sung nhiều hơn, kỹ năng làm bánh của Tùng được cải thiện, nâng cao dần. Thế là chàng trai bắt đầu tự tin bán những chiếc bánh sinh nhật đầu tiên.
Những ngày đầu bán bánh gato, mọi người đã đón nhận sản phẩm của Tùng với thái độ tích cực và ủng hộ. Không phải do may mắn mà bởi những mẫu bánh Tùng làm luôn có sự khác biệt về hương vị cũng như cách trang trí so với các tiệm ở đó dù còn mắc chút lỗi cơ bản.
"Nhìn lại những chiếc bánh đó mình lại tự hỏi không hiểu sao mọi người lại ủng hộ đến vậy vì vẫn mắc một số lỗi cơ bản. Tuy nhiên mình vẫn rất biết ơn quãng thời gian đó, đó chính là động lực để mình cố gắng và có được vị trí trong lòng khách hàng của mình".
Quả thật, làm bánh không hề đơn giản chỉ là việc nhào nhào, trộn trộn các nguyên liệu với nhau rồi “tống” mọi thứ vào lò chờ chín. Những chiếc bánh ngọt vô cùng khó tính và đỏng đảnh như một nàng công chúa, cũng biết dỗi hờn, nếu chẳng may bỏ thừa nguyên liệu, sai cách trộn bột, nhiệt độ lò chưa đạt… lệch một thao tác nhỏ thôi cũng đủ khiến cả mẻ bánh thất bại rồi. Thế nhưng với Minh Tùng, làm bánh không phải là một bộ môn nghệ thuật khó chinh phục nhưng nó đòi hỏi cả trí lực lẫn thể lực của người theo đuổi. Làm bánh chỉ khó với những ai thiếu sự kiên trì và tình yêu với bếp bánh.
"Với những người thật sự đam mê và yêu bánh, họ coi những sản phẩm mình tạo ra như những đứa con thật sự. Đây là cả một hành trình dài, đi lên từ thất bại và chứa đựng tình yêu, niềm đam mê với những thứ ngọt ngào này. Nhiều người xem những video làm bánh đẹp lung linh trên mạng sẽ nghĩ đây là công việc rất dễ dàng và khá nhàn hạ, nhưng thật là làm bánh đòi hỏi cả trí lực và thể lực khá nhiều", Tùng tâm huyết chia sẻ.
Đến hiện tại, nam sinh viên đã sở hữu trong tay mình kha khá bộ sưu tập bánh đẹp mắt. Thế nhưng, chiếc bánh khiến cậu "đau tim" nhất là chiếc đã làm cách đây không lâu. Nó được một tập đoàn của Pháp đặt đem tặng để chúc mừng sinh nhật 10 năm của đối tác.
Ông chủ trẻ cho biết, kích thước của chiếc bánh này lên tới 70cm x 120cm. Tùng đã phải cùng với 2 người nữa mất 3 ngày chuẩn bị, từ làm cốt bánh, nhân đến đánh kem, đặt đế gỗ đủ sức chứa chiếc bánh to và nặng hơn 10kg này.
Chiếc bánh nặng hơn 10kg, giá gần 10 triệu khiến Tùng "đau tim" nhất
Quá trình vận chuyển chiếc bánh này cũng rất vất vả. Tùng đã phải thuê một chiếc ô tô tài cỡ nhỏ để vận chuyển quãng đường dài 7km. Khi đến nơi an toàn, chàng trai mới thở phào nhẹ nhõm, thoát cơn "đau tim" vì may mắn không có sự cố nào xảy ra. Được biết chiếc bánh ấy phải cần đến 4 người khiêng mới di chuyển được. Giá của nó cũng không hề rẻ, gần 10 triệu đồng. Dù mệt và vất vả nhưng đó là kỉ niệm Tùng không bao giờ quên. Hơn thế, đó cũng là mốc để đánh giá tài năng cũng như thành phẩm của cậu được khách hàng lớn tin tưởng và công nhận.
Dẫu đang thành công với con đường bếp bánh nhưng Tùng vẫn không quên nhiệm vụ học tập của bản thân. Để cân bằng được hai việc này, chàng sinh viên đã lên lịch làm việc rõ ràng. Đầu tuần dành cho học tập, riêng cuối tuần cậu dành thời gian, toàn tâm toàn ý cho bánh trái. Khi nào có thời gian rảnh hơn, Tùng lại mở lớp dạy học làm bánh cho những ai có cùng đam mê.
Nhờ có nghề tay trái này mà toàn bộ chi phí học tập của những ngày tháng sinh viên Tùng không phải xin bố mẹ. Không những thế, nó còn giúp Tùng trang trải chi phí để theo đuổi sở thích riêng.
Khi được hỏi về dự định tương lai, soái ca 20 tuổi cho biết, sau khi ra trường, bản thân vẫn sẽ làm công việc đang theo học là quản trị khách sạn. Khi công việc đã ổn định, Tùng sẽ mở một tiệm bánh của riêng mình để thỏa mãn đam mê.