Những mâm cỗ nhà chị Kim Thanh không chỉ chỉn chu, đẹp mắt mà còn thể hiện tấm lòng thành kính của chị và gia đình với tổ tiên.
Trong những dịp lễ Tết hay ngày trọng đại, những mâm cỗ cúng tươm tất, đẹp mắt không chỉ thể hiện sự thành kính với tổ tiên mà còn là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Với sự khéo léo và tinh tế, chị Kim Thanh (Hải Phòng) luôn khiến mọi người phải ngưỡng mộ khi mỗi mâm cỗ chị làm đều mang đậm dấu ấn riêng, vừa giữ gìn giá trị xưa cũ, vừa hòa quyện cùng hơi thở ẩm thực hiện đại, sáng tạo và độc đáo.
Mê nấu ăn, có hai mẹ truyền cảm hứng vào bếp
Là người thích nấu ăn nên mỗi ngày, sau giờ tan làm, chị Kim Thanh đều vào bếp để chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn cho cả nhà. 8X tâm sự, đây là một trong những đam mê của bản thân.
“Vì vậy, mỗi khi có thời gian mình đều dành cho góc bếp nhỏ của gia đình. Đặc biệt là vào dịp Tết Âm lịch, khi có thời gian nghỉ dài hơn thì thời gian dành cho Bếp của mình cũng nhiều hơn. Mình cảm thấy hạnh phúc khi thấy gia đình ăn ngon miệng, mâm cơm nhà luôn đầy đủ và tràn đầy tiếng cười”, chị Kim Thanh vui vẻ nói.
Chị Kim Thanh.
Để nấu ăn được như hiện tại, từ lúc nhỏ, chị Thanh đã được mẹ dạy làm những món đơn giản. Chị Thanh ngày ấy chỉ thấy nấu ăn là việc phải học chứ chưa hẳn đã thích. Khi lớn lên, đi học đại học, phải tự mình vào bếp để nấu nướng và chăm sóc bản thân, chị mới bắt đầu mày mò, tham khảo, học hỏi nhiều công thức qua sách báo. 8X bật mí, đến giờ trên kệ sách nhà mình vẫn còn các cuốn báo từ những năm 2005 có phần dạy nấu ăn. Chẳng thế mà con trai chị hiện tại cũng biết chế biến nhiều món ăn nhờ những trang báo này của mẹ để lại.
Sau này về chung một nhà với ông xã, chị càng yêu căn bếp nhỏ. Bởi đó không chỉ là nơi làm ra những món ăn ngon mà còn nuôi dưỡng tình yêu, tình cảm gia đình. Các nhóm ẩm thực trên mạng xã hội cũng giúp chị học hỏi được rất nhiều. Từ các công thức mới đến cách trang trí món ăn sao cho đẹp, gọn gàng hơn.
Với chị, mẹ đẻ và mẹ chồng luôn là người truyền cảm hứng nấu ăn cho bản thân nhiều nhất. Hai bà là mẫu người chăm chỉ, chịu khó, luôn dành thời gian chăm lo cho các thành viên trong nhà. Cả hai mẹ không chỉ dạy chị cách nấu từng món ăn mà còn truyền cho 8X sự cẩn thận, chỉn chu và tình yêu cho gia đình qua từng bữa cơm.
Khi nấu ăn, để bữa cơm luôn ngon, mới mẻ trong mắt cả nhà, chị luôn để ý đến sở thích của mỗi người. 8X cũng thường xuyên thay đổi thực đơn với những món ăn truyền thống nhưng thay đổi cách chế biến hoặc thêm nguyên liệu mới vào. Ngoài ra, trong mâm cơm chị nấu luôn xen kẽ các món canh, món mặn, món xào để bữa ăn luôn phong phú và hấp dẫn.
Mâm cỗ cúng luôn tươm tất, chỉn chu nhất có thể
Không chỉ chăm lo cho bữa cơm gia đình, vào các ngày đầu tháng Âm lịch, các dịp lễ Tết, chị Kim Thanh còn luôn chuẩn bị những mâm cỗ để dâng lên tổ tiên.
Chị chia sẻ, việc chuẩn bị mâm cỗ dâng Tổ tiên cũng là một cách để chị lưu giữ phong tục và để các con hiểu và trân trọng thêm những giá trị truyền thống không chỉ của gia đình mà là cả dân tộc. Để làm được một mâm cỗ chỉn chu, chị thường lên kế hoạch từ trước, chọn nguyên liệu tươi ngon, chuẩn bị từng bước một cách kỹ lưỡng.
“Mình sẽ lên thực đơn món ăn, chuẩn bị nguyên liệu từ hôm trước. Những nguyên liệu gì có thế sơ chế trước mình đều làm sẵn, các loại rau thơm cũng nhặt sẵn để tủ để tránh mất thời gian. Một bữa cỗ được chuẩn bị đồ sẵn sàng, mình sẽ mất từ 1h để làm, đôi khi có thể là 1,5 - 2h và thường sẽ có từ 7-10 món. Trong quá trình chế biến, sẽ kết hợp làm nhiều món một lúc để tránh mất thời gian”, chị tự hào kể.
Các mâm cỗ cúng của nhà chị Thanh thường có thiên hướng truyền thống. Tuy nhiên, chị cũng kết hợp thêm các món ăn hiện đại để mâm cỗ thêm phong phú, đa dạng, hấp dẫn hơn.
“Với các mâm cỗ Rằm và mùng 1 thì mình thường làm đơn giản hơn. Thường sẽ là xôi chè, khoanh giò xếp hoa, bánh trôi, bánh xu xuê. Còn mâm cỗ dịp lễ, Tết sẽ là mâm cỗ mặn đủ đầy hơn và có xu hướng theo khẩu vị gia đình”, 8X cho biết.
Nhờ có sự chỉn chu, đảm đang, nên sau khi thắp hương xong, lúc hạ lễ để thụ lộc, cả nhà đều khen mâm cỗ chị thực hiện vừa đẹp mắt lại chất lượng. Các con chị là bé Bi và Bo luôn khen mẹ “Bếp nhà Bibo mãi đỉnh”. Chính những lời khen của các con, người thân đã trở thành động lực để chị Thanh thêm yêu và thích vào bếp mỗi ngày.
Với chị Thanh, những mâm cỗ tươm tất không chỉ là lòng thành kính của con cháu dâng lên ông bà, Tổ tiên mà còn là sự trân trọng những giá trị truyền thống. “Mình muốn gìn giữ nét đẹp này và mong muốn các con sau này cũng tiếp tục duy trì phong tục đó để gia đình luôn gắn kết”, chị Thanh nói.