Vẫn không gian nằm khiêm nhường trên con ngõ nhỏ phố Nguyễn Hữu Huân, vẫn thức uống lạ đặc biệt ấy – cafe trứng, 70 năm qua, dù ai đi xa cũng luôn nhớ về thức uống gắn bó với cả một bầu trời ký ức tuổi thơ của người Hà Nội.
Từ lâu, hương vị của ly cafe trứng thơm, béo ngậy đã trở thành một trong những món đặc trưng của ẩm thực Hà Nội. Ở Hà Nội có rất nhiều quán cafe, thế nhưng để tìm được một quán cafe truyền thống mang hơi thở của lịch sử không phải là điều dễ dàng.
Tuy nhiên với những thực khách nghiền cafe, đặc biệt món cafe trứng độc lạ, khi nhắc đến nó luôn nhớ về căn nhà nhỏ nằm khiêm nhường trên con phố Nguyễn Hữu Huân. Với dáng vẻ cổ kính, góc nhỏ nơi ấy gợi cho người ta nhớ về một Hà Nội thăng trầm, cổ kính, thanh lịch của một thời bao cấp và bao kỉ niệm tuổi thơ bất chợt ùa về.
Cafe trứng trên phố Nguyễn Hữu Huân trải qua thăng trầm 2 thế kỷ.
Cafe trứng gây thương nhớ bao thế hệ người Hà Nội
Nhắc đến Giảng cafe có lẽ ai cũng biết đến thương hiệu cafe trứng lâu đời của Hà Nội. Tại đây, cafe trứng là món chủ đạo với độ ngon khỏi phải bàn khi tên tuổi của quán lên báo nước ngoài, được kênh truyền hình CNN nức lời ca ngợi.
Với 2 phiên bản nóng và lạnh, mỗi phiên bản lại mang đến cho người thưởng thức những cảm nhận thú vị khác nhau. Cafe lạnh được pha chế trong một cốc thủy tinh, ăn bằng thìa, có vị như kem còn cafe nóng tạo vị ngọt đậm đà nhưng không quá gắt bởi cafe đặc từ đáy cốc thấm lên từng lớp trứng phía trên, cân bằng với vị ngọt của kem trứng.
Đặc biệt, phần trứng ngon và mịn, uống cùng với cafe đắng trong không gian phố cổ sẽ trở nên “siêu hợp” hơn bao giờ hết.
Một cốc đậu xanh trứng thơm bổ hay matcha trứng sẽ là những lựa chọn không hối tiếc dành cho những người ghét cafe.
Phần trứng ngon và mịn, uống cùng với cafe đắng trong không gian phố cổ sẽ trở nên “siêu hợp” hơn bao giờ hết.
Không quá khi nói đây là quán cafe gây thương nhớ bởi khi đến, thực khách sẽ được chiều lòng với tất cả mọi điều. Nếu như mọi người từ chối đồ uống liên quan đến trứng vì tanh thì đến đây, bạn sẽ phải thay đổi suy nghĩ của mình. Mọi thức uống có trứng đều không mang lại mùi vị khó chịu đó mà thay vào sự béo ngậy của lòng đỏ trứng gà, thơm ngon tỏa ra cùng những làn khói nóng.
Với những người không thích vị đắng của cafe vẫn có thể lựa chọn những đồ uống khác từ trứng, có thể là đậu xanh trứng, matcha trứng, rum trứng, bia trứng hay một ly cacao trứng để nhâm nhi, tận hưởng không gian yên bình hiếm có, tận hưởng một Hà Nội rất khác.
Quán không nằm sâu trong ngõ nên mọi người chỉ cần đi bộ một đoạn là có thể bước chân vào không gian cổ kính của Hà Nội xưa.
Ngoài đồ uống, không gian nơi đây cũng được khá nhiều người yêu thích bởi nó phù hợp với tất cả lứa tuổi, tầng lớp. Không giống như những quán cafe khoác lên mình chiếc áo sang trọng, nơi đây đúng chất cafe xưa với ngõ vào nhỏ xíu tạo cảm giác muốn khám phá, bộ bàn ghế thấp tạo cảm giác thoải mái.
Hơn nữa, không gian ở đây rất truyền thống. Từ những chiếc bàn, cầu thang, lối đi vào, khung ảnh đều gợi một Hà Nội xưa ùa về. Đặc biệt, những bức tranh vẽ gia đình thời xưa của chủ quán khiến cho mọi người muốn hoài niệm và cảm thấy gắn bó hơn. Mọi người có thể chọn cho mình những góc nhỏ ngồi dựa vào những bức tường màu vàng ngả tận hưởng một Hà Nội cũ, bình yên, dung dị.
Quán vẫn có một hương vị rất đặc trưng, và không tài nào bắt chước được.
Ly cafe trứng hơn 70 năm đi qua 2 thế kỷ và những kỉ niệm không thể quên
Nhiều người bảo rằng cafe Giảng ở phố Nguyễn Hữu Huân là quán cafe trứng đầu tiên ở Hà Nội. Dù không biết điều đó có thật hay không, nhưng chiếc biển cùng với những góc không gian xưa của Hà Nội cũng khiến người ta tin hơn.
Theo ông Nguyễn Chí Hòa – chủ quán cafe trứng chia sẻ, ông là đời thứ 2 của gia đình tiếp quản quán. Trước đó, bố ông – cụ Nguyễn Văn Giảng là người xây dựng và tạo nên thức đồ uống đặc trưng này.
Những bức ảnh gia đình cụ Giảng của một thời xa xưa đã ố màu theo thời gian.
Ông Hòa kể, xưa kia vào năm 1925, bố ông từng làm nhân viên pha chế của khách sạn Metropole. Đến năm 1946, ông quyết định mở quán tại con phố này với thức uống cafe trứng.
“Hồi đó cafe trứng không phải nhiều người uống. Ý tưởng bắt đầu từ món Capuchino của Ý cho váng sữa, từ suy nghĩ không cần váng sữa vẫn ngon, bố tôi đã nghĩ ra trứng và từ đó hình thành món cafe trứng.
Ngày xưa, đánh trứng bằng que, người lười đánh sẽ bị tanh còn đánh kỹ sẽ không tanh. Sau khi bố tôi mất, tôi tiếp quản quán từ năm 1988 đến nay. Hồi trẻ mặc dù không học nhưng mỗi ngày ngấm một chút đến khi bố tôi mất, tôi nhuần nhuyễn các khâu.
Thời bố tôi chỉ có cafe trứng với cafe đen thôi, đến thời tôi sáng tạo ra cacao trứng, đậu xanh trứng, matcha trứng, sau này mà có món khủng long biết chừng có khủng long trứng”, ông Hòa cười chia sẻ.
Trải qua hơn 70 năm, ly cafe trứng vẫn không hề thay đổi về dư vị.
Trải qua 70 năm tuổi với 2 thế kỷ, công thức cafe trứng vẫn không hề thay đổi. Vẫn lòng đỏ trứng gà, bột cafe Việt, sữa đặc có đường, bơ và phomai nhưng dường như sự sáng tạo theo thời gian đã chiều lòng được ngay cả những thực khách khó tính nhất hiện nay.
Ông Hòa bảo, điều quan trọng nhất trong ly cafe trứng gửi đến thực khách chính là sự trung thực, tất cả nguyên liệu đều chuẩn, ngon, đặc biệt trứng gà phải là gà ta, cafe phải tự tìm, tự rang, xay và pha.
“Dù thời gian trôi qua, món cafe tuyệt vời này với các thành phần trứng, sữa, cà phê sẽ mê hoặc và làm bạn không thể quên được hương vị của nó. Hương vị của trứng béo ngậy, hương vị cà phê thơm và đậm đà.
Cafe sau khi được lọc bởi phin sẽ được ủ trong 1 chén nhỏ, trước khi được trộn với lòng đỏ trứng đánh bông (đánh kĩ) cùng các thành phần khác. Chiếc cốc được đặt trong một bát nước nóng để giữ nhiệt. Cha tôi đã phát triển các công thức trong thời kỳ đường, sữa còn rất khan hiếm ở Việt Nam. Ông đã sử dụng lòng đỏ trứng để thay thế sữa”, ông Hòa chia sẻ.
Mọi người đến không chỉ để thưởng thức đồ uống ngon mà con để tận hưởng không gian của một Hà Nội xưa.
Kể về thực khách mà mình nhớ nhất, ông Hòa cho biết, đó là 3 bố con người Ả Rập tìm quán qua mạng. Họ đến chỉ gọi lipton thay vì sợ đồ uống có trứng tanh.
Ông đã cười bảo, “nếu tanh tôi tặng ông ly này, còn ngược lại, ông trả tôi 10 lần tiền”. Và cuối cùng vị khách đã thua khi đưa chiếc ly ấm kề trên môi và uống cạn trong tích tắc.
Dẫu thắng trong cuộc “cá độ”, thế nhưng ông Hòa vẫn chỉ lấy 25 nghìn/ly cafe sữa bởi đối với ông, giá trị ẩm thực không nằm trong số tiền khách trả mà nằm trong sự thỏa mãn của người thưởng thức.