Trong khi nhiều ngành cứ gần Tết công việc sẽ giảm bớt, rảnh rỗi hơn thì với phần lớn nghề bếp lại bận hơn bao giờ hết.
"Tôi không có giao thừa"
Sinh ra ở Thái Bình rồi lập nghiệp ở Hà Nội, anh Nguyễn Văn Khu (30 tuổi) đã đến với nghề bánh như một sự sắp đặt của số phận. Hiện tại, anh đang là đầu bếp bánh Âu của một khách sạn 5 sao ở Hà Nội.
Trong khi nhiều người khác đi mua sắm chuẩn bị đồ Tết với bạn bè, gia đình thì đầu bếp Nguyễn Văn khu lại "bù đầu" với những công việc của một người phục vụ khách hàng. Anh cho biết, "nghề của chúng tôi là nghề dịch vụ. Những ngày nghỉ của mọi người sẽ là những ngày chúng tôi làm việc cật lực để mang lại cho thực khách những món ăn ngon nhất, những giây phút sum họp, quây quần hạnh phúc nhất".
Anh còn lý giải, "ngày Tết thì lượng khách nước ngoài đến Hà Nội nhiều hơn vì họ muốn tìm hiểu về văn hoá Tết Nguyên Đán của Việt Nam. Mà những ngày này hàng quán bên ngoài không mở nhiều nên khách sẽ ăn rất nhiều ở khách sạn. Lượng đặt hàng tăng lên đáng kể. Với đặc thù công việc của tôi là làm đêm, phục vụ khách ăn sáng và chuẩn bị bánh cho chuỗi cafe nên khối lượng công việc tăng lên khá nhiều trong những ngày Tết này".
Trong khi nhiều người khác đi mua sắm chuẩn bị đồ Tết với bạn bè, gia đình thì đầu bếp Nguyễn Văn khu lại "bù đầu" với những công việc của một người phục vụ khách hàng
Chính vì thế, khi bao người cùng gia đình đón giao thừa thì những người đầu bếp như anh Khu vẫn túc trực trong căn bếp của khách sạn với guồng quay công việc. Tuy công việc chiếm hết thời gian nhưng cũng không ngăn được đôi lúc anh cảm thấy chạnh lòng. "Nghề của chúng tôi là vậy đấy! Các bạn được quây quần bên gia đình thì chúng tôi vẫn mải miết với công việc. Nhiều lúc cảm thấy tủi thân đến phát khóc vì không được về quê sum họp gia đình, bạn bè và người thân".
Tuy thiệt thòi về mặt tinh thần như vậy nhưng đầu bếp Khu tâm sự, đã xác định theo nghề thì bản thân phải chấp nhận hi sinh. Khi đã đam mê thì không nên nghĩ tới những thiệt thòi. "Tôi yêu căn bếp đó, yêu những món ăn ngon và tôi luôn hết mình với công việc, bởi vì ẩm thực luôn ở trong trái tim tôi".
Bên cạnh những bận bịu về công việc, trước Tết, đầu bếp Khu còn tham gia các nhóm từ thiện cho trẻ em miền núi và những bệnh nhân chạy thận. Chính vì thế, thời gian nghỉ ngơi của anh càng không có nhiều. Nhưng được mang tiếng cười cho trẻ em khó khăn, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, với đầu bếp Khu chính là một phần thưởng tinh thần lớn cho anh trong dịp năm mới này.
"Không nghỉ Tết đã thành quen"
Là một đầu bếp chuyên về các món ăn Pháp của nhà hàng 5 sao ở khu Nhà hát Lớn Hà Nội, chị Hải Anh cũng đón Tết trong bộn bề công việc.
Đầu bếp Hải Anh cho biết, công việc của những đầu bếp như chị "chắc chỉ" gấp gôi ngày thường... Ngoài công việc ở nhà hàng cần hoàn thành với số lượng nhân viên rất hạn chế thì khi về nhà chị còn phải dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị cho Tết gia đình, cộng thêm con cái khiến thời gian nghỉ ngơi rất ít. Những kế hoạch hơi xa một chút chị "không dám" tính trước.
"Mình chỉ mong mọi việc như sắp xếp, mình có thể cùng gia đình bên mâm cơm tất niên và năm mới cùng nhau. Sáng đầu tiên của năm mới có thể đưa các con đi chúc Tết ông bà nội ngoại, thế là hạnh phúc rồi".
Nhà hàng nơi chị làm việc không được nghỉ Tết vì thế, chị Hải Anh cho biết, bản thân không được nghỉ Tết đã thành quen.
Giống như bao chị em khác, chị Hải Anh quan niệm, dù bận bịu đến mấy chị vẫn phải chuẩn bị những mâm cỗ Tết để tỏ lòng thành kính, dâng lên tổ tiên. "Mâm cỗ truyền thống để thắp hương các cụ Tổ Tiên là điều không thể thiếu". Và với chị, những mâm cỗ truyền thống không quá khó, chỉ cần chú ý đến hương vị và cấu trúc món ăn là có thể làm được.
Nhà hàng nơi chị làm việc không được nghỉ Tết vì thế chị Hải Anh cảm thấy không được nghỉ Tết đã thành quen. Chị cảm thấy có chút thiệt thòi cho con cái vì bố mẹ bận bịu khiến con chưa có Tết trọn vẹn.
"Nhà hàng mình mở cửa cả Tết, mình vẫn làm việc Tết vì các bạn xa quê cần ưu tiên hơn. Không nghỉ Tết với mình có lẽ cũng đã thành quen, nhưng tội cho bọn trẻ lắm Tết là lúc chúng được xả hơi, không cần quan tâm đến sách vở nhưng đôi khi vì công việc của bố mẹ nên chúng không được xả hơi hoàn toàn như mong muốn", chị Hải Anh chia sẻ.
Bận nhưng vẫn dành thời gian cho gia đình dịp Tết
Là một đầu bếp chuyên về các món ăn Thái kiêm luôn nhà đầu tư nên anh Nguyễn Văn Hùng cho biết, công việc của anh bận "không ngừng nghỉ". "Mình vừa phải lo chế biến các món ăn cho khách hàng lại phải hoàn tất các công việc của nhà hàng dịp cuối năm nên có rất ít thời gian nghỉ ngơi", anh Hùng lý giải.
Công việc tuy căng như dây đàn như vậy nhưng anh cho biết, bản thân anh vẫn cố gắng dành thời gian để cùng vợ con đi sắm Tết. Mọi năm, khi chưa mở nhà hàng riêng, cũng như các đầu bếp lớn khác, anh đều làm cả Tết, nhưng năm nay, may mắn là anh tự cho mình nghỉ Tết 1 tuần. Vì thế, trong những ngày Tết chính, anh được cùng vợ con quây quần bên những người thân và đi chúc Tết họ hàng.
Là một đầu bếp chuyên về các món ăn Thái kiêm luôn nhà đầu tư nên anh Nguyễn Văn Hùng cho biết, công việc của anh bận "không ngừng nghỉ"
Là đầu bếp nấu món Thái nhưng anh Hùng rất thích các món ăn truyền thống Việt Nam. Anh chia sẻ, mình là người theo "trường phái" không lạm dụng gia vị nên lại càng thích những món giản dị và truyền thống. Hơn thế, những món ăn này luôn gắn bó với bản thân anh cũng như bao người Việt khác từ thửa còn thơ bé. Bánh chưng chính là món mà anh chưa bao giờ cảm thấy ngán. "Mình có thể ăn hết 1 cái bánh trưng đấy", anh cười và chia sẻ.
Tuy không phải làm việc thông Tết như nhiều anh chị trong nghề khác nhưng anh Hùng cho rằng nếu vẫn như mọi năm thì anh cũng rất vui vẻ đón nhận nhiệm vụ vì thực sự nấu ăn luôn là đam mê không bao giờ dứt của mình.