Những vị vua đời nhà Thanh đều dùng bữa một mình, rất cô đơn chứ không như nhiều người nghĩ.
Lịch sử phong kiến Trung Hoa có tổng cộng 495 hoàng đế (từ Tần Thủy Hoàng đến Phổ Nghi), chuyện ăn của hoàng đế xưa kia là chuyện cơ mật trong cung đình, không tiết lộ ra ngoài.
Trên thực tế, bữa ăn của hoàng thượng như thế nào? Có bao nhiêu người phục vụ? Những đồ ăn thừa được xử lý như thế nào?...là những câu hỏi khiến nhiều người tò mò.
Những bữa ăn cô đơn
Trong các bộ phim truyền hình Trung Quốc về triều đại nhà Thanh, nhiều người thường thấy hoàng đế thưởng thức bữa ăn rất hạnh phúc với người thương. Tuy nhiên trên thực tế, tại thời điểm hoàng đế ăn, cả bàn ăn rộng lớn chỉ có một mình.
Xung quanh hoàng đế sẽ có một loạt người đứng phục vụ, nhưng tuyệt nhiên không ai ăn cùng, không ai chuyện trò. Món ăn nào hoàng đế muốn ăn, chỉ cần liếc nhìn thì thái giám sẽ gắp và bưng đến trước mặt
Hoàng đế ăn gì?
Mỗi triều đại Trung Hoa, các hoàng đế lại có bữa ăn khác nhau. Ví dụ như triều đại nhà Minh, hoàng đế Chu Nguyên Chương yêu cầu mỗi bữa ăn phải có những miếng thịt thật lớn. Tuy nhiên, không có nhiều hơn một chục món ăn cho bữa trưa.
Vào thời nhà Thanh, tiêu chuẩn của hoàng đế cho mỗi bữa ăn đã tăng thành hơn 20 đến 40 món ăn, 4 loại thức ăn chính, 2 loại cháo (hoặc canh). Ngoài các món ăn chế biến từ gà, vịt, ngan, lợn, cá và rau củ theo mùa làm chính còn các món sơn hào hải vị, kỳ hoa dị quả làm phụ.
Gạo nấu cơm cho hoàng đế được giã từ loại lúa đặc biệt, có 3 màu vàng, trắng, tía, hoặc dùng loại gạo tiến vua. Ngoài ra các địa phương mỗi năm còn theo quy định mà dâng các loại nai, đuôi hươu, gân hươu, tay gấu, heo rừng, xương hổ, yến sào, vi cá, hải sâm…
Vào thời của Từ Hy thái hậu, mỗi bữa ăn của vị thái hậu này phải hơn 100 món, chế biến rất cầu kỳ.
Làm gì với đồ ăn thừa?
Trong lúc hoàng thượng dùng bữa, ngoài những cận thần thân tín đứng bên cạnh tất cả mọi người đều đứng cách đó rất xa. Ví dụ như những đại thần được “sủng ái”, khi hoàng thượng ăn không hết mà tâm trạng vui vẻ thì những thức ăn thừa đó sẽ được phân phát cho các đại thần, phi tần, người hầu phục vụ trong bữa ăn đó.
Những người được thưởng đồ ăn thừa sẽ phải đứng để ăn hết những đồ ăn đó, dẫu là đang no hay đói nhưng đều phải ăn và phải khen bữa ăn tuyệt vời với những món ăn ngon. Nếu ai không ăn hay ăn mà chê thì sẽ bị trừng phạt.
Qui tắc tránh việc bị hạ độc
Nơi đảm nhận công việc chế biến và nấu ăn cho hoàng thượng là Ngự Thiện Phòng, thuộc sự quản lý trực tiếp và điều hành của Phủ Nội vụ. Tại đây có một vài đại thần phụ trách công việc chuyên môn và đều là những người vô cùng thân tín với hoàng thượng. Mục đích của việc làm này đó là tránh việc có người bỏ độc vào những món ăn của hoàng thượng.
Trong khi dùng bữa, ngự tiền thị vệ truyền gọi Ngự Thiện Phòng bắt đầu mang thức ăn lên. Những món ăn này được sắp xếp theo thứ tự đã được quy định. Mặc dù người của Ngự Thiện Phòng đều là những người thân cận nhưng để tránh trường hợp có người hạ độc, sau khi thức ăn được dâng lên, hoàng thượng không ăn ngay mà sẽ phải tiến hành thử độc bằng đũa bạc. Nếu trong đồ ăn có độc thì ngay lập tức đũa bạc sẽ chuyển sang màu đen, sau khi đũa thử biểu hiện dấu hiệu an toàn thì hoàng thượng mới dùng bữa.
Dùng bữa cùng phi tần
Những vị vua đời nhà Thanh đều dùng bữa một mình, bữa cơm đoàn viên thân mật khi đón năm mới thường được tổ chức ở Cung Càn Thanh. Bên cạnh ngai vàng của hoàng thượng được bố trí các bàn tiệc hai bên dành cho các ái phi.
Những vị trí này được phân theo hướng “Đông” và “Tây”, vị trí của hoàng hậu được bố trí ở vị trí đầu tiên của bàn tiệc bên tay trái, Hoàng Quý phi, Quý phi, Phi, Quý nhân, Thường Tại… cùng những phi tần khác chia đều về hai phía và ngồi theo cấp bậc từ cao đến thấp. Sau khi ổn định chỗ ngồi, màn biểu diễn kịch truyền thống bắt đầu, hoàng thượng và các phi tần vừa nghe nhạc vừa dùng bữa.
Chuyện ăn uống của các Hoàng đế Trung Hoa đến nay được sử sách ghi chép là tốn rất nhiều ngân lượng quốc gia.