Khổ Qua là loại quả tuy có vị đắng nhưng lại có rất nhiều công dụng đối với sức khỏe con người. Hãy cùng tìm hiểu cách trồng khổ qua tại nhà ngay sau đây để bạn có thể tự mình tạo ra loại quả bổ dưỡng này nhé.
Đặc điểm của Khổ Qua
Khổ Qua hay còn được gọi là mướp đắng, là loại quả vô cùng phổ biến hiện nay ở nước ta. Khổ Qua vốn có nguồn gốc từ các nước trong khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ,... chúng thường được thu hái để làm thức ăn hoặc thuốc chữa bệnh do nó có vị đắng đặc trưng và đắng nhất trong các loại rau củ thuộc họ Bầu Bí.
Cây Khổ Qua là cây dây leo, thuộc họ Bầu Bí, có khả năng sinh trưởng nhanh và mạnh mẽ, sống được trong nhiều điều kiện thời tiết. Ngoài ra Khổ Qua chịu hạn tốt, chống chọi sâu bệnh hiệu quả lại rất dễ trồng, do đó rất được ưa thích. Cả quả và lá của cây đều có vị rất đắng, tuy nhiên nếu chế biến đúng cách sẽ có lợi cho sức khỏe con người và hỗ trợ điều trị các bệnh về đường huyết, rôm sảy ở trẻ, thanh nhiệt, giải độc,...
Hình ảnh của Khổ Qua (mướp đắng)
Công đoạn chuẩn bị trước khi trồng
1. Chuẩn bị dụng cụ
- Hạt giống Khổ Qua
- Chậu hoặc thùng xốp có lỗ thoát nước
- Que tre hoặc que gỗ, dây thép để làm giàn cho cây
- Dao, kéo
2. Chuẩn bị hạt giống
Hạt giống bạn có thể tìm mua dễ dàng tại các tiệm bán đồ nông sản và cây trồng. Hoặc bạn cũng có thể lấy hạt từ những quả Khổ Qua đã chín vàng. Hạt giống yêu cầu phải khỏe mạnh, không bị bệnh và bị lép hỏng. Trước khi đem trồng thì cần phải có biện pháp xử lý hạt giống phù hợp.
Hạt giống Khổ Qua
3. Chuẩn bị đất trồng
Khổ Qua không hề kén đất trồng, chúng rất thích được trồng trong những loại đất giàu dinh dưỡng, chất hữu cơ và có độ pH từ 6-7. Bạn nên trộn các loại đất mùn với xơ dừa và phân bón hữu cơ để làm tăng dinh dưỡng cho đất trước khi trồng. Ngoài ra đất trồng cần đảm bảo thoát nước tốt và có độ tơi xốp cao.
Hướng dẫn cách trồng khổ qua tại nhà bằng hạt trong chậu hoặc thùng xốp
1. Thời vụ trồng
Cây Khổ Qua có thể trồng được quanh năm và cho năng suất cao khi trồng đúng kỹ thuật. Do đó mà đây là loài cây trồng cực kỳ phổ biến tại các nước có khí hậu nhiệt đới, nhất là Việt Nam.
2. Xử lý hạt giống trước khi trồng
Hạt giống sau khi mua về, bạn hãy đem ngâm trong nước ấm khoảng từ 30-40 độ C trong 6-8 tiếng. Sau đó vớt hạt ra rửa sạch rồi ủ trong khăn ẩm để qua đêm. Hôm sau nhìn thấy hạt đã tách vỏ tức là đã có thể đem gieo trồng được rồi. Những hạt nào không tách vỏ tức là bị hỏng hoặc chất lượng không cao.
3. Gieo hạt trong chậu
Đổ lượng đất trồng đã chuẩn bị vào trong các chậu hoặc thùng xốp đã đục sẵn lỗ thoát nước cần thiết. Sau đó bạn tạo ra các hố nhỏ sâu từ 1-2cm để đặt hạt giống khổ qua vào gieo trồng. Mỗi hố nhỏ cần cách nhau từ 20cm trở lên để không cản trở đến sự phát triển của cây. Sau cùng, bạn thả mỗi hố 2-3 hạt giống Khổ Qua, rồi lấp một lớp đất mỏng lên trên, tưới nước chăm sóc như bình thường. Chỉ sau khoảng 2 tuần là hạt sẽ nảy mầm và hình thành cây non.
4. Tưới nước
Khổ Qua cần khá nhiều nước để sinh trưởng, nhất là trong giai đoạn đầu khi mới trồng. Vậy nên bạn hãy duy trì tưới nước đầy đủ 2 lần/ngày cho cây, không được để đất trồng bị khô sẽ khiến cây bị héo và chậm sinh trưởng, mau chết. Vào mùa mưa, bạn có thể làm mái che chắn cho cây không bị nước mưa xối vào, từ đó giúp năng suất của quả được đảm bảo, chất lượng.
Làm giàn leo cho Khổ Qua để đạt năng suất tốt
5. Bón phân
Nếu như ban đầu đất trồng bạn đã trộn thêm xơ dừa và phân hữu cơ để tăng thêm dinh dưỡng cho cây thì bạn sẽ không cần phải bón thêm phân nữa thì cây Khổ Qua vẫn có thể sinh trưởng và cho ra trái. Còn nếu không, bạn hãy bón lót phân hữu cơ cho cây ngay từ khi mới gieo hạt, cứ 1 tháng một lần. Trong thời điểm cây sắp ra hoa và kết trái, bón thúc liên tục phân ure và phân lân cho cây 1 tuần một lần nhằm kích thích cây mau ra trái và cho năng suất cao.
6. Làm giàn cho cây
Bạn nên tiến hành làm giàn cho cây Khổ Qua khi cây non bắt đầu lớn từ 20cm trở lên và cho ra từ 5-6 lá. Hãy sử dụng những thanh tre, cọc gỗ để cố định xung quanh tạo thành hệ thống giàn treo, sau đó dùng dây thép buộc chúng lại cho chắc chắn. Kế đến, bạn chỉ việc luồn tua cuốn của cây vào giàn để cho nó tự leo bám sau này. Cuối cùng, đặt chậu cây cùng giàn leo ra những nơi có thật nhiều ánh sáng Mặt Trời để kích thích cây sinh trưởng và leo bám mạnh hơn.
7. Thu hoạch
Khổ Qua kể từ khi trồng cho đến lúc thu hoạch mất khoảng hơn 2 tháng mà thôi. Trong giai đoạn khi cây bắt đầu nở hoa, bạn có thể nhờ ong bướm thụ phấn cho cây hoặc tự mình làm điều đó để đảm bảo năng suất. Khi hoa đã rụng là lúc quả bắt đầu hình thành, lúc này bạn cần ngắt bớt lá mọc dày trên thân để cây có thể tập trung dinh dưỡng tạo quả. Sau này khi cây đã tạo quả, cứ vài ngày là bạn có thể thu hoạch trái để sử dụng cho đến lúc kết thúc mùa vụ. Khổ Qua sau khi thu hoạch có thể được dùng chế biến món ăn hoặc phơi khô để làm dược liệu.