Nếu hoa hồng ít nhánh hoặc không ra nhánh, bạn có thể kéo cành chính của nó xuống theo chiều ngang để kích thích cây ra nhánh mới.
Hoa hồng là loại hoa được nhiều người ưa chuộng bởi vẻ đẹp kiêu xa của nó. Cho nên, dù vườn nhà nhỏ hẹp hay không có đất trồng vì sống ở chung cư hay nhà cao tầng thì nhiều người vẫn muốn rinh một vài chậu hoa hồng về nhà.
Tuy nhiên nhiều người dù chăm bón kỹ càng mà cây vẫn ít nhánh tán, ít ra hoa và ngày một cỗi đi, đặc biệt là với hoa hồng trồng trong chậu thì tốc độ cây còi cọc sẽ càng nhanh hơn so với trồng ngoài đất vườn. Trên thực tế, bạn chỉ cần áp dụng 2 thao tác nhỏ là cây hoa hồng sẽ bật mầm, ra chồi đỏ và cho hoa nở đúng dịp Tết.
1. Kéo cành hoa xuống theo chiều ngang
Nếu hoa hồng ít nhánh hoặc không ra nhánh, bạn có thể kéo cành chính của nó xuống theo chiều ngang để kích thích cây ra nhánh mới. Điều này có nghĩa là kéo điểm cao nhất của cành gần với mặt đất.
Bạn có thể dùng dây buộc một đầu vào phần ngọn của cây hoa hồng, đầu dây còn lại buộc vào một viên gạch nhỏ rồi đặt dưới đất để cố định cành cây.
Hoa hồng là loại cây ưa sáng, kéo các cành sang ngang thì phần gốc sẽ nhận được nhiều ánh sáng hơn, từ đó giúp cây có thể tổng hợp thêm chất dinh dưỡng, kích thích mọc chồi mới.
Cách kéo cành hoa hồng xuống theo chiều ngang.
2. Cắt bỏ những cành tăm
Cành tăm được hiểu ở đây là những cành nhỏ, yếu, vô hiệu. Những cành tăm này không những không phát triển, không ra hoa mà còn làm tiêu hao chất dinh dưỡng của cây một cách vô ích. Nếu chúng mọc dày đặc mà không được cắt tỉa sẽ khiến cây hoa hồng dễ sinh bệnh, bị côn trùng gây hại tấn công. Vì vậy bạn nên loại bỏ chúng càng sớm càng tốt, vừa tập trung chất dinh dưỡng cho những cành đang phát triển tốt, vừa có lợi cho việc ra hoa.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cây hoa hồng ra cành tăm, chẳng hạn như do cây không đủ ánh nắng, nhiệt độ thấp, thiếu phân bón. Mùa thu là thời điểm hiện tại để cắt tỉa cành, việc này sẽ giúp cây phát triển mạnh mẽ hơn và nở nhiều hơn vào đúng dịp Tết.
Cành tăm của cây hoa hồng.
Sau khi loại bỏ cành tăm, bạn cũng có thể vùi một ít phân vào bên cạnh chậu hoa hồng. Nếu bón phân vào mùa thu, bạn nên dùng thêm phân hữu cơ sẽ có tác dụng cải tạo đất tốt hơn. Sau mùa thu, hoa hồng sẽ phát triển nhanh hơn, lúc này bạn nên bón phân 1-2 lần/tháng và vùi nông xuống chậu.
Ngoài cắt tỉa cành tăm, bạn nên cắt tỉa cành sau khi hoa tàn để ngăn cây tạo quả, bởi khi cây tạo quả thì chất dinh dưỡng sẽ dồn vào việc nuôi quả mà không tạo hoa mới và những bông hoa tàn này sẽ khiến cây hoa hồng trở nên tàn tạ, xấu xí. Ngoài ra, đây cũng là cách kích thích cây hoa hồng nhú thêm mầm mới mà không làm mất dinh dưỡng của cây.
Lưu ý, khi cắt tỉa cây hoa hồng nên tránh cắt tỉa khi gặp mưa nhiều hoặc sau khi mưa xong. Bởi lẽ, đây sẽ là điều kiện để nấm bệnh dễ xâm nhập qua vết cắt khiến cây bị yếu, mất sức.