Khi cây lưỡi hổ nở hoa, điều đó đồng nghĩa với việc tài lộc đang tới gõ cửa, gia chủ sẽ may mắn gấp bội.
Phải công nhận một điều rằng, lưỡi hổ là một trong những loại cây “dễ dãi”, đặt ở đâu cũng sống được. Thậm chí, lá của nó bị chặt chém ra thành nhiều mảnh nhưng chỉ cần chạm đất cũng bén rễ, không lâu sau sẽ mọc thành cây con.
Trong phong thủy, loại cây này có tác dụng xua đuổi tà ma, mang lại may mắn, tài lộc cho gia chủ. Khi cây nở hoa, điều đó đồng nghĩa với việc tài lộc đang tới gõ cửa, gia chủ sẽ may mắn gấp bội.
Đa số cây lưỡi hổ có hoa màu trắng, mùi thoang thoảng như hoa oải hương, nhưng cũng có những loại ra hoa màu đỏ tươi. Thậm chí, một số cây lưỡi hổ mẹ không có cuống mà trực tiếp ra hoa ở gốc, kết thành chùm lớn.
Hoa lưỡi hổ khá bền, có thể nở trong vài tuần đến một tháng. Sau khi hoa tàn, bạn cần tỉa các cuống hoa từ gốc để bảo toàn năng lượng cho cây sinh trưởng và phát triển.
Mặc dù là loại cây cảnh dễ tính nhưng cây lưỡi hổ lại cực kỳ khó nở hoa. Vậy thay vì chờ đợi, tại sao không thử bắt tay vào chăm sóc, tìm cách giúp lưỡi hổ nở hoa sớm? Để lưỡi hổ ra hoa, người trồng cần chú ý những điều dưới đây, nếu làm đúng thì dù có khó ra hoa đến đâu lưỡi hổ cũng hé cánh, trổ bông, gọi lộc về nhà.
1. Cho cây lưỡi hổ phơi nắng thường xuyên
Lưỡi hổ là loại cây ưa bóng râm bán phần, thích ánh sáng yếu thay vì thời tiết nắng gắt. Bạn nên chọn những khu vực ít nắng để trồng cây, bên cửa sổ hướng Đông là một vị trí rất phù hợp để đặt chậu cây lưỡi hổ.
Nếu cây được đặt trong nhà, bạn nên cho cây phơi nắng mỗi ngày, thời gian khoảng từ 7-9 giờ sáng. Trong điều kiện ánh sáng phù hợp, cây lưỡi hổ sẽ nhanh chóng đâm chồi, nở hoa.
2. Đất trồng cần tơi xốp, thoáng khí
Tuy dễ tính nhưng cây lưỡi hổ thích nhất là đất tơi xốp, thoáng khí, khả năng thoát nước nhanh, vì cây này không chịu được ẩm. Nếu đất bị ẩm hay úng nước, cây rất dễ bị thối rễ khiến cây bị vàng lá, chậm phát triển và thậm chí là chết.
Khi trồng lưỡi hổ, bạn nên trộn một ít đất phù sa, mùn cưa vào đất trồng, như vậy cây sẽ phát triển tốt hơn. Ngoài ra, cây lưỡi hổ cũng thích đất kiềm, không ưa đất chua.
3. Không tưới nhiều nước cho cây
Lưỡi hổ là loại cây cảnh không ưa nước nên bạn phải nhớ không nên tưới nhiều nước, không cần phải tưới nước thường xuyên. Vào mùa lạnh hay mùa mưa, chỉ cần tưới nước 1 lần/tháng cho cây là được. Ngoài ra, chỉ cần tưới khi đất trong chậu đã khô.
Để kiểm tra đất trong chậu đã khô hay chưa, bạn có thể cắm vào chậu một chiếc đũa gỗ. Khi rút đũa lên, nếu đũa khô thì chứng tỏ cần tưới nước, nếu đũa ẩm và còn dính đất thì bạn chưa cần phải tưới nước vội.
Ngoài ra, bạn cũng nên nhớ rằng chỉ cây lưỡi hổ trồng lâu năm mới có thể nở hoa, những cây mới trồng sẽ không ra hoa. Và nếu đảm bảo 3 yếu tố trên, cây lưỡi hổ sẽ phát triển tốt, nhanh chóng lấp đầy chậu và nở hoa.