Tất cả bộ phận của cây đều có thể sử dụng được, từ lá, hoa, quả đến hạt và rễ. Không chỉ có thể ăn được, đây còn là một loại dược liệu quý chữa được nhiều bệnh.
Loại quả được mệnh danh là “vàng xanh” chính là đậu rồng, hay còn gọi là đậu khế, đậu xương rồng, tên khoa học là Psophocarpus tetragonolobus, thuộc họ Đậu. Đây là loại cây thân leo sống lâu năm, quả có màu xanh, 4 cánh có răng cưa dọc theo quả và thắt lại ở hai đầu.
Sở dĩ nó được mệnh danh là “vàng xanh” vì đậu rồng là nguồn chứa vitamin dồi dào, đặc biệt là vitamin A và vitamin C. Không những vậy, loại quả này còn có hàm lượng canxi cao nhất trong các loại đậu, cùng nhiều khoáng chất quan trọng khác như sắt, đồng, mangan, magie,… Chính vì vậy, nó còn được gọi là “vua của các loại đậu”.
Loại quả này có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, giảm quá trình lão hóa ở da, kiểm soát bệnh hen suyễn, cung cấp thêm chất sắt cho phụ nữ sau sinh, hỗ trợ giảm các bệnh thiếu máu, tốt cho những người mắc bệnh đái tháo đường, giảm viêm khớp,…
Tất cả bộ phận của cây đậu rồng đều có thể sử dụng được. Quả có thể chế biến thành nhiều món ngon như xào, nấu canh chua, nướng hoặc thái lát bỏ vào nước lọc để uống. Quả có vị giòn, ngọt và mát.
Lá non của cây đậu rồng có thể dùng làm rau ăn. Hoa dùng trong các món bánh, rễ ăn giống khoai tây nhưng giàu dinh dưỡng hơn cả khoai tây.
Hạt đậu rồng có mùi giống măng tây, phơi khô rồi đem rang làm trà như trà đỗ đen sẽ được loại thức uống có hương vị rất ngon. Hoặc, bạn có thể rang rồi xay nhuyễn hạt đậu rồng thành bột, uống vào buổi sáng trước khi ăn để điều trị bệnh dạ dày.
Tuy có nhiều lợi ích sức khỏe như vậy nhưng loại “vàng xanh” này hiếm khi xuất hiện trên thị trường. Vậy tại sao bạn không trồng đậu rồng ngay tại nhà để vừa ăn, vừa làm thuốc quý cho gia đình sử dụng?
Cách trồng và chăm sóc cây đậu rồng
Thời điểm thích hợp nhất để trồng đậu rồng là vụ xuân (vào tháng 2 trở đi) và vụ thu (vào tháng 8 trở đi). Cây sẽ cho thu hoạch quả sau 3-4 tháng gieo hạt, hoặc có thể nhanh hơn (phụ thuộc vào sự chăm sóc, bón phân của người trồng).
Cách trồng đậu rồng:
- Ngâm hạt giống trong nước ấm (tỷ lệ 2 sôi 3 lạnh) khoảng 2-3 tiếng. rửa sạch chất nhờ trên bề mặt hạt rồi gieo vào khay ươm, bầu đất.
- Sau khoảng 7-10 ngày, hạt giống sẽ nảy mầm. Khi cây con cao khoảng 5-10cm, hãy chọn cây khỏe và bỏ cây còi cọc. Có thể trồng trong chậu hoặc vườn nhà đều được.
- Khi cây cao khoảng 20-25cm, nên làm giàn cho đậu rồng leo hoặc có thể tận dụng tường nhà, bờ rào.
Cách chăm sóc cây đậu rồng:
Đất trồng: Đậu rồng có thể thích nghi tốt ở nhiều môi trường đất khác nhau, nhưng cây sẽ sinh trưởng tốt trên đất mùn, giàu dinh dưỡng như đất nhẹ, đất pha cát.
Tưới nước: Nên tưới 2 lần vào mỗi sáng và chiều mát. Khi cây ra hoa, không nên tưới lên hoa mà chỉ nên tưới nước vào gốc để tránh hoa bị rụng.
Bón phân: Nên bón phân theo định kỳ 15 ngày/lần, đến khi cây ra quả thì ngừng bón. Nên sử dụng phân NPK có hàm lượng kali cao pha loãng với nước để tưới cho cây, hoặc dùng phân chuồng, phân trùn quế hòa ới nước để tưới cây.