Khu vườn ban công mini của chị Nhung làm nhiều người xuýt xoa vì quá xinh xắn.
Mỗi năm, cứ đến độ cuối xuân đầu hạ, loại hoa cẩm tú cầu xinh đẹp lại nở rộ. Thông thường, để check-in với cẩm tú cầu, nhiều người phải đến các nhà vườn hay địa điểm du lịch, vì loài hoa này không được trồng phổ biến tại nhà. Chị Lưu Nhung (sinh năm 1984, Hà Nội) với tâm hồn yêu thiên nhiên và trang trí nhà cửa, đã hô biến ban công 2,7m2 thành vườn hoa tuyệt sắc với hơn chục cây cẩm tú cầu.
Ban công nhỏ ngập tràn sắc cẩm tú cầu nhà chị Nhung.
Làm đẹp ban công với hoa cầm tú cầu
Chị Nhung cho biết, chị hiện là mẹ đơn thân của 2 cô công chúa xinh đẹp, sống và làm việc tại Hà Nội. Chị kể: "Khi mới mua nhà, mình muốn trang trí tổ ấm thật đẹp trong khả năng có thể nên trồng rất nhiều cây cối ở ban công, để nhà vừa đẹp, vừa mát. Vì ban công nằm ở hướng tây nên nhiều loại hoa không trụ được vì quá nắng, cây cứ lụi dần".
Chị Nhung bén duyên với hoa cẩm tú cầu vào năm 2020, trong một chuyến du lịch. Nhận thấy loại hoa này có vẻ ngoài xinh đẹp, lại ưa nắng, càng nhiều nắng màu sắc càng thêm rực rỡ nên mẹ đảm Hà Nội quyết định mua 2 chậu về trồng thử ở ban công. Đến nay, khu vườn nhỏ ở ban công đã có khoảng 15 cây cẩm tú cầu trông trong 4 chậu lớn, có những bông to tròn như quả bóng, góp phần tô điểm cho ban công và trở thành góc sống ảo yêu thích của 3 mẹ con.
Đến độ cuối xuân đầu hè, cẩm tú cầu nở hoa rực rỡ, biến ban công nhỏ thành khu vườn mini, cho mẹ con chị Nhung tha hồ "sống ảo".
Theo 8X, cẩm tú cầu xanh mướt vào mùa hè, bật hoa vào cuối xuân và nở rộ suốt 3 tháng. Khi hết hoa, cắt tỉa bớt thì cây vẫn phát triển, nhú thêm mầm mới đúng với tiêu chí "vừa đẹp, vừa mát" chị đề ra, thích hợp trồng ở ban công đầy nắng. Chi phí cho vườn hoa cẩm tú cầu khá "hạt dẻ", chỉ khoảng 250.000 đồng/cây và mua thêm một ít trấu trộn với đất nhằm giúp cây thoát nước tốt hơn.
Hết mùa hoa, chị Nhung sẽ cắt bớt để mầm phát triển.
Mùa hoa cẩm tú cầu rơi vào cuối tháng 3 đến hết tháng 5.
Bón đinh rỉ để hoa thêm rực rỡ
Cẩm tú cầu có 2 loại là nhiệt đới và ôn đới. Chị Nhung chọn trồng cẩm tú cầu ôn đới phù hợp với thời tiết phía Bắc. Theo chị, cẩm tú cầu ưa nước nên cần tưới nhiều, 1 ngày 2 lần tưới đẫm cả gốc và lá thì cây mới phát triển được. Ngoài ra, chị không bón phân hoá học và chọn ruột cá làm chất dinh dưỡng cho cây. Cứ cuối xuân, mẹ đảm sẽ chăm bón kỹ hơn để cây bật nụ.
Đặc biệt hơn, gia chủ có thể thay đổi màu sắc của cẩm tú cầu bằng cách thay đổi độ pH của đất trồng. Cụ thể, trong đất chua (có độ pH <= 5), cẩm tú cầu sẽ cho ra hoa màu xanh, đất trung tính (độ pH = 7) thì hoa màu sữa và trong đất vôi (7.5 <= độ pH < 10), hoa sẽ có màu cà, hồng hoặc đỏ. Chị Nhung bật mí bí quyết: "Mình hay cho 1 ít đinh bị rỉ và tưới nước gạo hàng ngày. Nhờ đó hoa sẽ to và màu sẽ đậm. Đặc biệt cây sẽ đổi màu rất nhanh và cực đẹp nếu có nhiều ánh nắng mặt trời".
Cẩm tú cầu có màu sắc khác nhau, tuỳ vào độ pH của đất. Chị Nhung thường bón thêm đinh rỉ để hoa có màu sắc rực rỡ.
Với chị Nhung, vườn hoa cẩm tú cầu mini không chỉ giúp tô điểm nhà cửa, mà còn mang đến không gian thư giãn yên bình. "Thú vui của mình là cắm hoa, tưới tắm và chăm sóc cây cối. Nếu bình thường chỉ ngắm hoa thôi đã thấy đẹp rồi thì cảm giác ngày nào cũng chăm sóc và chứng kiến cây phát triển từ lúc có nụ đến lúc hoa nở to rồi tàn còn thú vị hơn rất nhiều. Bởi lẽ qua đó mình sẽ cảm nhận được hết vẻ đẹp của cây trong mỗi giai đoạn khác nhau.
Mình thường dậy sớm vào buổi sáng để chăm cây. Buổi tối mình hay tắt đèn trong nhà chỉ để điện ban công và ngắm hoa. Ngắm hoa 1 mình rất tốt, nó giống như 1 dạng thiền giúp mình thư thái hơn sau mỗi ngày làm việc mệt mỏi", chị Nhung bộc bạch.
Với mẹ đảm Hà Nội, ngắm và chăm sóc vườn hoa cẩm tú cầu giống như một dạng thiền giúp chị thư thái. Chị thường cắt hoa cắm để trang trí góc nhà thêm xinh xắn.