Sau khi đã chuyển phôi IVF thất bại nhiều lần, hầu hết những vợ chồng hiếm muộn sẽ rất chán nản, mất niềm tin và không biết nên thăm khám gì tiếp theo.
Thực tế theo Ths, Bác sĩ CKII. Nguyễn Đình Đông - Chuyên gia IVF, Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội cho biết, quá trình làm tổ của phôi là một quá trình phức tạp đòi hỏi nhiều yếu tố cùng tham gia một cách đồng bộ từ chất lượng phôi cho đến khả năng tiếp nhận của niêm mạc… Vì thế, bất kể một yếu tố nào ảnh hưởng đến một trong những mắt xích của quá trình này đều có thể sẽ góp phần vào sự thất bại quá trình làm tổ của phôi.
Trong số đó, nhiều yếu tố như: di truyền, giải phẫu, huyết học, miễn dịch, nội tiết, tính cảm thụ của niêm mạc tử cung đã và đang được nghiên cứu. Nhưng dù thế nào, thất bại làm tổ liên tiếp trong IVF là một vấn đề nan giải với nhiều nguyên nhân ẩn giấu phía sau.
Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn chuyển phôi liên tiếp thất bại. (Ảnh minh họa)
Chưa kể, chính bản thân phôi bị lệch bội (dị tật) - là nguyên nhân chính gây làm tổ thất bại lại rất thường gặp và gây nhiễu, khó khăn cho việc phát hiện các yếu tố nguyên nhân khác.
Chuyên gia IVF này cho hay, dựa trên các bằng chứng Y học về vấn đề này, những thăm khám dưới đây được khuyến nghị làm khi các vợ chồng hiếm muộn chuyển phôi IVF nhiều lần thất bại:
Những thăm khám được khuyến khích
- Nhiễm sắc thể đồ 2 vợ chồng.
- Siêu âm 3D kết hợp bơm nước buồng tử cung đánh giá bất thường buồng tử cung (chụp MRI nếu có dị dạng tử cung bẩm sinh phức tạp hay bệnh tuyến cơ tử cung).
- Chụp phim tử cung vòi trứng (HSG) đánh giá 2 vòi trứng.
- Xét nghiệm nội tiết: HbA1c (nghiệm pháp dung nạp đường ở nhóm nguy cơ cao), TSH (hormone kích thích tuyến giáp), vitamin D.
Những thăm khám chưa chứng minh được giá trị và hiệu quả (chưa khuyến cáo thực hiện, còn đang giới hạn ở các nghiên cứu)
- Đứt gãy ADN tinh trùng.
- Các xét nghiệm miễn dịch: Tế bào NK (Tế bào tiêu diệt tự nhiên) máu ngoại vi, tỷ lệ đáp ứng miễn dịch nội mạc tử cung, khác.
- ERA test: Đây là một xét nghiệm “cao cấp” được ứng dụng trong ngành hỗ trợ sinh sản tại các nước phát triển trên thế giới nhằm đánh giá khả năng tiếp nhận phôi của lớp lót niêm mạc tử cung.
- Sàng lọc viêm nội mạc tử cung mạn tính.
Các thăm khám cân nhắc chỉ định khi có yếu tố chỉ dẫn khác
- Soi buồng tử cung: Nếu tiền sử hoặc hiện tại siêu âm gợi ý có dính buồng tử cung.
- Thực hiện Antiphospholipid theo tiêu chuẩn Sapporo (Hội chứng kháng phospholipid) nếu có tiền sử sẩy lưu thai liên tiếp .
- Xét nghiệm gen gây rối loạn đông máu (Inherited thrombophilia) đột biến Factor V Leiden, Prothrombin II, suy giảm protein C, S, ATIII: Nếu bản thân hoặc gia đình ruột thịt 1 đời có tiền sử/hiện tại bị huyết khối vô căn.
Lưu ý:
Các bệnh nhân khi biết tới những xét nghiệm này có thể sẽ cảm thấy hoang mang, mơ hồ thậm chí tuyệt vọng hay phẫn nộ. Ở cơ sở họ đang điều trị có thể đã và đang cho họ làm những xét nghiệm/thăm khám không được khuyến khích và được giải thích đây là nguyên nhân và việc điều trị là cần thiết để có hiệu quả. Bởi họ cần một giải pháp điều trị hiệu quả ngay tại đây và ngay bây giờ, các xét nghiệm mới mẻ và có vẻ “cao siêu” có thể thỏa mãn được người bệnh mà không cần quan tâm là có hay không bằng chứng mạnh mẽ để khẳng định giá trị hay hiện tại chỉ là những lầm tưởng mà thôi.
Trách nhiệm của các bác sĩ IVF là chia sẻ với người bệnh một cách thẳng thắn, trung thực kiến thức và ý kiến chuyên môn. (Ảnh minh họa)
Vì thế dò tìm nguyên nhân gây thất bại làm tổ phần nào giống như việc đang chèo thuyền giữa một vùng biển chưa được khám phá, vô cùng mò mẫm. Bằng chứng về mối liên hệ giữa các yếu tố nghi ngờ và thất bại làm tổ phần lớn đều có chất lượng kém.Tương tự, các phương pháp điều trị được đề xuất cũng không được chứng minh có hiệu quả. Do đó có thể nói, tất cả các nguyên nhân đều không có gì là… chắc chắn.
- Trách nhiệm của các bác sĩ IVF là chia sẻ với người bệnh một cách thẳng thắn, trung thực kiến thức và ý kiến chuyên môn về những vấn đề còn đang tranh cãi này. Từ đó, 2 bên (bác sỹ và bệnh nhân) tránh tuyệt vọng quá mức cũng như tránh nuôi hi vọng mù quáng về các xét nghiệm/thăm khám và điều trị chưa được chứng minh có hiệu quả; ngược lại có thể gây tốn kém và tiềm ẩn rủi ro (đặc biệt liệu pháp chống đông và ức chế miễn dịch).
- Các vợ chồng hiếm muộn đừng hi vọng quá nhiều để rồi thất vọng nhiều hơn vì đã hiếm muộn rồi cần tránh làm các xét nghiệm lãng phí, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó, giữ gìn sức khỏe chút nào tốt chút đó.