Mới đây, tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các bác sĩ đã phẫu thuật cho một bé gái có 2 buồng tử cung, 2 cổ tử cung. Đây là dị tật bẩm sinh cơ quan sinh dục hiếm gặp nhưng có ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản của người phụ nữ.
1. Dị tật bẩm sinh tử cung đôi là gì?
Cơ quan sinh dục nữ là hệ thống được cấu tạo phức tạp từ nhiều bộ phận khác nhau, bao gồm các bộ phận bên trong và bên ngoài. Chúng đảm nhận nhiệm vụ vô cùng quan trọng về sinh lý, đời sống tình dục, thụ thai, nuôi dưỡng thai nhi và sinh đẻ.
Là bộ phận bên trong cơ quan sinh dục nữ, tử cung có hình dạng giống như quả lê lộn ngược nằm ở điểm giao giữa trực tràng và bàng quang, đảm nhận nhiều chức năng quan trọng như: lưu thông máu trong kỳ kinh nguyệt, nơi để phôi làm tổ và phát triển, cung cấp dưỡng chất cho thai nhi.
Cổ tử cung nằm ở vị trí giữa tử cung và âm đạo có nhiệm vụ ngăn chặn các loại vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm xâm nhập vào bên trong tử cung. Khi quan hệ tình dục thì cổ tử cung sẽ tiết ra chất nhầy để việc quan hệ được diễn ra trơn tru và giúp tinh trùng gặp trứng dễ dàng. Bộ phận này còn giúp dẫn máu kinh đến âm đạo và tống ra ngoài.
Hầu hết cơ quan sinh dục phụ nữ có cấu tạo giải phẫu giống nhau là có 01 tử cung. Tuy nhiên, ở một số trường hợp hiếm gặp có cấu tạo bất thường về giải phẫu cơ thể bẩm sinh khiến họ có những khác biệt về các bộ phận bên trong, điển hình là tử cung đôi.
Hình ảnh mô tả tử cung đôi.
2. Ảnh hưởng của tử cung đôi đối với khả năng sinh sản
Theo các tài liệu y khoa, dị tật bẩm sinh tử cung đôi là dị tật hiếm gặp của đường tiết niệu - sinh dục liên quan đến bất thường ống Muller, có dấu hiệu đặc trưng là: Tử cung đôi; nửa âm đạo tắc nghẽn; bất sản thận cùng bên.
Dị tật tử cung đôi thường được phát hiện sau khi bắt đầu có kinh nguyệt. Triệu chứng lâm sàng và tuổi phát hiện rất thay đổi vì tùy theo mức độ tắc nghẽn âm đạo. Biểu hiện lâm sàng thường liên quan đến tình trạng ứ máu kinh, gây ra đau bụng mạn tính hoặc tiết dịch âm đạo bất thường.
Một số phụ nữ có tử cung đôi vẫn có đời sống tình dục bình thường, có thể mang thai và sinh nở. Song có trường hợp nếu chẩn đoán muộn có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến biến chứng như: ứ máu tử cung, ứ máu âm đạo, ứ mủ tử cung, lạc nội mạc tử cung và vô sinh.
Trong thai kỳ, phần lớn thai thường làm tổ trong tử cung có âm đạo không bị tắc nghẽn. Biến chứng sản khoa thường là sẩy thai tái phát, thai bất thường kiểu thế, thai chậm tăng trưởng, nhau bong non… làm tăng nguy cơ mổ lấy thai, sót nhau.
3. Cần phát hiện sớm để ngăn ngừa biến chứng
Theo PGS.TS. Lê Thị Anh Đào, Trưởng khoa Phụ ngoại A5, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, về trường hợp bé gái 11 tuổi nhập viện do rong kinh kéo dài, quan sát bên ngoài cháu không có gì bất thường, không sốt. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị dị tật bẩm sinh cơ quan sinh dục, hình ảnh chụp MRI cho thấy cháu có 2 buồng tử cung, 2 cổ tử cung, ứ dịch trong lòng âm đạo bên trái.
Tử cung đôi có 2 cổ tử cung, một cổ tử cung thông vào âm đạo bình thường, một cổ tử cung thông vào âm đạo dị dạng bị bịt kín. Dị tật đường sinh dục này khá nghiêm trọng. Nếu không được phát hiện sớm sẽ dẫn tới tình trạng ứ máu kinh và lâu ngày gây viêm nhiễm và vô sinh, ngoài ra còn có thể ảnh hưởng tới đời sống vợ chồng.
Các bác sĩ BV Phụ sản Hà Nội phẫu thuật cho bệnh nhi 11 tuổi có tử cung đôi. Ảnh: BVCC
Được xác định là trường hợp khó do bệnh nhi còn nhỏ, nếu giải quyết bằng phương pháp mở thông dẫn lưu sẽ gây nhiễm trùng, tạo sẹo dính tại phần mở thông, gây khó khăn hơn cho những lần phẫu thuật tiếp theo. Tuy nhiên, các bác sĩ đã phẫu thuật an toàn, hiện sức khỏe cháu ổn định, phần âm đạo bị bịt được tạo hình thành công, không ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.
PGS.TS. Lê Thị Anh Đào khuyến cáo cha mẹ, nếu thấy trẻ có biểu hiện bất thường cần đưa trẻ đi khám kịp thời. Trong trường hợp khác có biểu hiện đau bụng, rong kinh hoặc tiết dịch âm đạo bất thường… chị em nên đến bệnh viện chuyên Sản phụ khoa khám để được chẩn đoán chính xác và có biện pháp can thiệp phù hợp, ngăn ngừa những biến chứng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và khả năng sinh sản. |