Năm 1992, do thân phận đặc biệt của cả hai, nhân viên dân sự địa phương đã đến nhà họ làm giấy đăng ký kết hôn cho hai người.
Mối tình chênh lệch gần 50 tuổi
Ngụy Quế Tường sinh ra tại một vùng quê nghèo ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Do mắc bệnh về mắt bẩm sinh nên anh không thể nhìn rõ mọi thứ xung quanh. Tuy nhiên, vì điều kiện gia đình không tốt nên anh Tường không được chữa bệnh.
Dẫu vậy, anh không hề buông xuôi mà luôn tràn đầy nghị lực sống. Anh thích ca hát và luôn hát khi đi làm ruộng. Mối quan hệ giữa anh và vợ hơn gần 50 tuổi Lam Tú Liên cũng được kết nối bằng một bài hát.
Một ngày vào năm 1989, bà Liên (khi đó 68 tuổi) đang ngồi trong sân bỗng nghe thấy một khúc dân ca ngọt ngào cách đó không xa. Bà bị bài hát đó thu hút, cảm thấy nỗi buồn trong lòng đã bị bài hát đó cuốn đi. Vì thế, bà đã đứng dậy và nhìn xung quanh xem ai đang hát rồi thấy anh Tường (khi đó 21 tuổi) đang làm việc trên cánh đồng.
Bà Liên và anh Tường đã đến bên nhau mặc kệ tuổi tác cũng như lời dị nghị của người xung quanh.
Bà Liên biết anh vì cả hai đã gặp nhau một lần trong đám cưới của anh trai Quế Tường. Được biết, vợ của anh trai Quế Tường, tức chị dâu anh là cháu gái của bà Liên.
Sau đó, bà Liên đã tiến tới giúp đỡ anh Tường. Cả hai trò chuyện vui vẻ trên đồng ruộng. Bà Liên cũng bị thái độ tích cực của anh Tường ảnh hưởng, từ đó bà lại cảm nhận được sự ấm áp và hy vọng của cuộc sống.
Vì thế, bà Liên thường xuyên tới đây. Chỉ cần anh Tường làm ruộng, bà sẽ cùng anh nói chuyện, nghe anh hát.
Mối quan hệ giữa hai người dần dần nóng lên, cả hai xuất hiện cùng nhau thường xuyên hơn. Điều này khiến người dân trong làng nghi ngờ mối quan hệ giữa hai người không bình thường.
Chồng bà Liên nhận thấy có điều gì đó không ổn và bắt đầu nghi ngờ bà. Mối quan hệ giữa bà Liên và chồng không tốt, cả hai chỉ là vợ chồng trên danh nghĩa.
Quá khứ bi thảm của bà Liên
Khi đó điều kiện gia đình của bà Liên rất nghèo. Khi còn nhỏ, bà đã bị mua về làm dâu. Đây là lý do khiến bà bị nhà chồng coi thường.
Cụ thể khi còn nhỏ, bà đã làm đủ thứ việc để phục vụ nhà chồng nhưng vẫn bị chồng đối xử không ra gì. Sau này, bà Liên mang thai một bé trai nhưng tới tháng thứ 8 thai kỳ, bà gặp chuyện không may và đứa trẻ không thể chào đời.
Bà Liên vô cùng xót xa. Nhưng bố mẹ chồng lại không hề cảm thông, thay vào đó càng hắt hủi bà hơn khiến bà kiệt sức cả về thể xác lẫn tinh thần. Không lâu sau, bà Liên buộc phải ly hôn và bị đuổi ra ngoài.
Muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn nên sau đó bà đã kết hôn với một ông già trong làng. Dù mối quan hệ giữa hai người không thân thiết nhưng lòng kiêu hãnh của một người đàn ông đã khiến ông không thể bỏ qua chuyện của bà Liên và anh Tường.
Một ngày nọ, khi bà Liên đang nấu ăn và ngâm nga một giai điệu mà anh Tường từng hát, chồng bà đã vô cùng tức giận, liền chạy tới nhà anh Tường. Lo lắng cho anh Tường nên bà Liên nhanh chóng chạy đến, đứng trước mặt anh Tường bảo vệ anh, ngăn chặn hai người xảy ra xô xát.
Lúc trở về nhà, bà mới nhận ra tình cảm của mình và đề nghị ly hôn với chồng. Vì họ chưa đăng ký kết hôn, không có gì ràng buộc với nhau nên chồng bà Liên đành phải buông tay. Cuộc hôn nhân thứ 2 của bà Liên cứ như thế kết thúc.
Mặc kệ lời dị nghị của thế gian
Sau khi trở lại cuộc sống độc thân, bà Liên đã trực tiếp thổ lộ lòng mình với anh Tường. Thực ra, anh Tường cũng thầm mến bà Liên từ lâu nên đã chân thành nói: “Từ giờ trở đi, chúng ta hãy ở bên nhau nhé”.
Biết con trai muốn cưới vợ lớn hơn 47 tuổi, gia đình anh Tường vô cùng tức giận, đòi từ mặt nếu anh lấy bà Liên. Khi ấy, anh Tường do dự một lúc rồi dũng cảm rời khỏi nhà khiến các thành viên trong gia đình choáng váng.
Không muốn người đời soi mói, anh Tường sau đó đã đưa bà Liên sống trong một cái hang ở sau núi, sống nhờ khoai lang và nước suối.
Sau khi thái độ của mọi người dần dịu đi, cặp đôi dựng một ngôi nhà tre bên cạnh làng để trú mưa gió. Dần dần, dân làng đã quen với cảnh này, hai người sống một cuộc sống thoải mái.
Năm 1992, do thân phận đặc biệt của cả hai, nhân viên dân sự địa phương đã đến nhà họ làm giấy đăng ký kết hôn cho hai người. Khi đó, anh Tường 24 tuổi, còn bà Liên 71 tuổi. Từ đó, anh Tường và bà Liên chính thức trở thành vợ chồng.
Đến lúc này, anh Tường đưa vợ về nhà mong bố mẹ có thể chấp nhận bà làm con dâu. Lúc đầu, khi bố mẹ anh Tường nhìn thấy bà Liên, họ đã mắng mỏ bà và rất thô lỗ với bà.
Nhưng theo thời gian, thái độ của bố mẹ anh Tường đã thay đổi khi nhìn thấy sự chăm sóc cẩn thận của bà Liên với anh Tường. Vì anh Tường có vấn đề về mắt và đi lại khó khăn nên bà Liên luôn đi theo anh, chăm sóc cuộc sống hàng ngày của anh, ngay cả khi anh làm việc ngoài đồng, bà cũng kéo anh Tường đến bên cạnh.
Dân làng cũng chấp nhận cặp đôi này và bày tỏ sự ngưỡng mộ với họ.
Đáng tiếc, những ngày hạnh phúc như vậy không kéo dài được bao lâu. Thị lực của anh Tường suy yếu dần, anh không những không thể nhìn rõ bất cứ thứ gì mà còn có nguy cơ bị mù bất cứ lúc nào.
Khi tình trạng mắt của anh Tường trở nên tồi tệ hơn, bà Liên đã tự mình đảm nhận mọi việc nhưng không hề phàn nàn. Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng bà vẫn có thể đốn củi trên núi, làm ruộng và chăm sóc gia đình chu đáo.
Anh Tường rất buồn khi thấy vợ mình phải làm việc vất vả như vậy nên đã đan những chiếc giỏ tre để nhờ người mang tới thị trấn bán.
Tới năm 2009, anh Tường bị mù hoàn toàn. Bà Liên qua đời vào tháng 10/2009. Trong đám tang, anh Tường bật khóc nói: “Kiếp sau chúng ta vẫn ở bên nhau”.
Phớt lờ sự phản đối của gia đình, anh Tường đã chôn vợ trong sân sau nhà mình: “Khi cô ấy còn sống, chúng tôi không có đủ thời gian ở bên nhau nên tôi muốn cô ấy ở gần tôi hơn. Như thế, kiếp sau chúng tôi vẫn có thể là một đôi”.