TPO - Bước vào ngôi nhà “cho lại” với gần hàng nghìn sản phẩm từ chai lọ của ông Đinh Nguyên Bình (quận Tân Phú, TPHCM) không khỏi bất ngờ với sự khéo léo trong từng món đồ cũng như cảm nhận được tình cảm gia đình ấm áp của chủ nhân ngôi nhà này. Quan trọng hơn hết chính là thông điệp bảo vệ môi trường mà ông muốn truyền tải.
Bước vào ngôi nhà “cho lại” với gần hàng nghìn sản phẩm từ chai lọ của ông Đinh Nguyên Bình (quận Tân Phú, TPHCM) không khỏi bất ngờ với sự khéo léo trong từng món đồ cũng như cảm nhận được tình cảm gia đình ấm áp của chủ nhân ngôi nhà này. Khi còn là một thanh niên trẻ, ông Bình rất thích sưu tầm những chai rượu mẫu, vỏ chai. Biết được niềm đam mê đó, bạn bè thường tặng ông những vỏ chai rượu độc đáo. Từ những món tưởng chừng như “phế liệu”, ông Bình sáng tạo ra hàng nghìn sản phẩm hữu ích như bộ bàn ghế, cây thông Giáng sinh, đèn trang trí nhà… từ vỏ chai. Dần dần, những món đồ từ chai lọ chiếm gần như 70% nội thất trong nhà ông Bình. Sản phẩm đầu tiên mà ông Bình làm là bộ bàn ghế tiếp khách, vì là lần đầu tiên làm nên ông mất khá nhiều thời gian để mày mò, thực hiện. Phải mất 2 năm để hoàn thành bộ bàn ghế này. Bức tranh hình trái tim phía sau được gọi vui là tranh “Bạn muốn hẹn hò” được làm từ nắp chai tạo thành hình trái tim ông làm tặng vợ nhân dịp kỷ niệm ngày cưới. Chiếc giường hình tròn rộng 2m20, được làm từ hàng trăm vỏ chai rượu của hai vợ chồng cũng được ông tỉ mẩn làm 2 năm nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày cưới. “Thời gian làm chiếc giường này rất lâu bởi phải gom góp chai lọ, lên ý tưởng… nhưng khi hoàn thành xong tôi thấy rất vui. Bởi đã chinh phục được cái khó khi làm sản phẩm từ chai lọ và đặc biệt chiếc giường này ngày nào cũng gắn bó với mình nên với tôi đây là sản phẩm ý nghĩa nhất”, ông Bình chia sẻ. Nói về cây thông Giáng sinh, ông Bình hào hứng: “Ngày Noel thấy thiên hạ trang trí ì xèo, hai đứa nhóc về nhà đặt hàng bố một cái hang đá. Làm xong vẫn thấy thiếu, thế là cả ba bố con gom góp một đống ve chai làm thêm cây thông cao tới 2m mừng Giáng sinh.”
Dọc theo cầu thang lên các phòng trong nhà, ông Bình trang trí những bức tranh khổng lồ từ nắp chai và vỏ chai rất bắt mắt được đặt tên là “Khu vườn yên tĩnh”. Để tạo ra những “kiệt tác”, ông Bình cho biết quy trình là gồm khoan đáy chai và đầu nắp chai, sau đó cho cây sắt vào lỗ chai rồi vặn chặt để giữ cố định rồi ghép từng chai lại với nhau. Đơn giản ở quy trình là thế nhưng khâu thực hiện thì vô vàn khó khăn. “Bởi những sản phẩm từ chai lọ thế này cũng chưa ai làm, có những sản phẩm phải gỡ ra gắn vào cả năm trời mới thành.” Để nói “công trình” tâm huyết sau chiếc giường thì quầy bar từ vỏ chai là thành phẩm gần đây của ông. Khi bắt tay vào thực hiện quầy bar “chai lọ” này, ông Bình đã tham gia những khóa học pha chế rượu để thiết kế sao cho “chuẩn” quầy bar nhất. Mô
Ngoài những món đồ từ chai lọ, nắp chai ra ông Bình còn sáng tạo những vật dụng từ ốc vít, ống nước sắt,…
Những chiếc đèn từ ống nước được ông làm trong đợt giãn cách với những ý tưởng độc đáo và ý nghĩa. Mỗi chiếc ông chế tác trong vòng hai ngày. Như những chiếc đèn từ ống nước sắt mang tên “Một chút thôi” được ông Bình lấy ý tưởng từ những nghĩa cử cao đẹp, giúp đỡ lẫn nhau của người với người trong đại dịch… Mỗi sản phẩm ông làm ra chỉ là để sử dụng trong gia đình và để tặng những người bạn, những người hàng xóm. Đối với ông "Chai lọ hũ bình", việc chế tác sản phẩm từ chai lọ chỉ là đam mê và thú vui của bản thân những lúc thời gian rảnh rỗi. Bên cạnh đó, việc thu gom chai lọ để biến thành những sản phẩm độc đáo phục vụ cuộc sống cũng góp phần bảo vệ môi trường. Cạnh đó, các thành viên trong gia đình ông cũng hình thành thói quen tiết kiệm, tận dụng đồ phế liệu để tái chế thành những vật dụng có ích trong nhà. Ông Bình đang đứng bên cạnh tác phẩm lấy ý tưởng từ việc chiến sĩ công an mơ ước được về bên con khi đi chống dịch làm từ kìm cộng lực cũ và ống nước. “Ngôi nhà chai lọ này mang lại cho gia đình tôi nhiều niềm vui, tình cảm gia đình, bạn bè được gắn kết và nuôi dưỡng. Được hòa mình vào những đồ vật thân thương do chính mình sưu tầm, thiết kế, lòng tôi lại bừng lên những cảm xúc của sự thân thuộc, sự yên lành và sự đồng cảm của từng thành viên trong gia đình. Nên cũng từ đó mà có thêm cái tên “Ngôi nhà cho lại” ”, chủ nhân ngôi nhà bộc bạch. Phạm Nguyễn - Quỳnh Trâm