Trong ký ức của người con miền Tây sông nước, sẽ không ai xa lạ với việc dỡ chà bắt cá - những nhánh cây khô được cắm xuống lòng sông, vuông tôm để thu hút tôm, cua, cá vào trú ngụ. Ngày nay, công việc đó dần bị mai một, nhưng ở nhà ông Tư Tỵ (Lê Minh Tỵ ở huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) vẫn còn lưu giữ nét đặc trưng vùng Đất Mũi, vừa được ăn cá sạch, vừa có thêm thu nhập từ bán cá và làm du lịch trải nghiệm.
Clip: Nông dân Đất Mũi dỡ chà bắt cá.
Khi nhắc đến dỡ chà, hầu như người dân miền Tây nào cũng biết hoặc từng nghe nói đến. Thế nhưng không phải ai cũng chứng kiến tận mắt hoặc trực tiếp tham gia vào việc dỡ chà.
Từ xa xưa, người dân vùng sông nước miền Tây đã biết tận dụng những nhánh hoặc thân cây khô cắm xuống sông, vuông tôm thành đám chà để dụ tôm, cua, cá về ở.
Theo người dân, muốn dỡ chà thì phải chọn ngày và chọn con nước, thường vào lúc nước ròng để dễ bắt cá.
Dỡ chà chỉ cần 4-5 người. Công việc đầu tiên là người dân bao lưới xung quanh, sau đó vớt các nhánh cây lên.
Khi các nhánh cây được vớt lên hết, người dỡ chà bắt đầu dùng sình (bùn) ném làm đục nước để cá không thấy đường, dễ dàng bắt cá.
Anh Triển – ngụ thành phố Cà Mau (Cà Mau) chia sẻ: “Lâu lắm rồi tôi mới được tham gia trải nghiệm dỡ chà bắt cá. Tôi cũng thấy lưu luyến nguồn cá thiên nhiên ở vùng Đất Mũi, và cũng có chút bồi hồi về tuổi thơ theo ông bà đi mưu sinh”.
"Chiến lợi phẩm" từ việc dỡ chà là các loại tôm, cua và các loại cá đặc sản như cá ngát, cá nâu, cá thòi lòi, cá phi, cá cháo… cùng nhiều loại khác.
Em Lê Trung Nguyên (con trai ông Tư Tỵ, ở thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) chia sẻ thêm: “Bạn bè ở nơi xa đến đều muốn được một lần trải nghiệm dỡ chà bắt cá, rồi cùng vào bếp nấu những món ăn mang nét đặc trưng của vùng Đất Mũi”.
Với loại cá nâu, người dân thường nấu các món đặc trưng như cá nâu kho trái giác, cá nâu nấu mẻ…
Tân Lộc