Bầu lần 3 không khám sớm, mẹ 35 tuổi vừa vào siêu âm, bác sĩ yêu cầu chuyển viện ngay

Ngày 01/10/2019 06:22 AM (GMT+7)

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM vừa phối hợp liên chuyên khoa giữa Khoa Phụ sản, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Khoa Tiết niệu, Khoa Gây mê hồi sức để thực hiện phẫu thuật thành công cho một sản phụ bị nhau cài răng lược.

Những điều cần biết về siêu âm khi mang thai.

Đó là trường hợp sản phụ L.T.X.L (35 tuổi, ngụ ở tỉnh Bạc Liêu) có 2 lần mổ lấy thai trước đây. Ở tuần thai thứ 29, sản phụ đi khám thai tại địa phương thì phát hiện nhau tiền đạo bám vào vết mổ lấy thai cũ có khả năng cài răng lược trên vết mổ cũ. Vì lý do đó, thai phụ được giới thiệu đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

ThS BS. Lê Thị Kiều Dung – Khoa Phụ sản đã trực tiếp theo dõi sát sao thai kỳ đến tuần thứ 35. Lúc này, nhau đã xâm lấn đến bàng quang, thai phụ bị đau rất khó chịu. Gần sang đến tuần thứ 36, đánh giá khả năng sống sau sinh của thai nhi tốt, các bác sĩ đã quyết định phối hợp liên chuyên khoa để phẫu thuật mổ bắt con và dự kiến phải cắt bỏ tử cung để bảo tồn tính mạng cho thai phụ.

ThS BS. Lê Thị Kiều Dung cho biết: “Thai phụ có vết mổ cũ 2 lần, khi bắt đầu thai kỳ cũng không đi khám thai nên lúc biết nhau bám vào vết mổ cũ thì đã quá trễ. Nhau bám vào vết mổ cũ dẫn đến tình trạng nhau cài răng lược – bánh nhau xuyên qua lớp cơ tử cung. Nguy hiểm hơn, sản phụ này bị nhau cài răng lược thể nặng, xuyên hết lớp cơ tử cung và bắt đầu xâm lấn ra tới bàng quang, vào tới lớp cơ bàng quang.

Thông thường với nguy cơ nhau cài răng lược, các mạch máu tăng sinh nhiều, khi mổ nhau không tróc ra được khỏi tử cung, cơ tử cung không co thắt được và vì vậy nguy cơ chảy rất nhiều máu. Ở những ca mổ như vậy, việc phải truyền một khối lượng máu rất lớn lên tới 4-5 lít máu kèm theo 2-3 lít các chế phẩm của máu sẽ rất thường xảy ra”.

Bầu lần 3 không khám sớm, mẹ 35 tuổi vừa vào siêu âm, bác sĩ yêu cầu chuyển viện ngay - 1

BS Kiều Dung khám sức khỏe của sản phụ sau ca mổ.

BSCKI. Trần Doãn Khắc Việt – Khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết, sản phụ đã được chụp MRI tại Bệnh viện Cần Thơ, sau đó được đưa vào Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Các bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh đã hội chẩn phim và kết luận, sản phụ có tình trạng nhau cài răng lược ở thể percreta - xâm lấn vào các lớp cơ tử cung và thậm chí xâm lấn ra các cơ quan xung quanh. Các bác sĩ hội chẩn nghi ngờ có tổn thương ảnh hưởng tới một phần bàng quang rất nguy hiểm, ngoài nguy cơ chảy máu nhiều còn là nguy cơ tổn thương bàng quang hoặc niệu quản trong lúc phẫu thuật.

TS BS. Võ Tấn Đức – Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh nhận định, đây là cuộc mổ lớn, dự đoán thời gian mổ sẽ kéo dài, người bệnh đứng trước nguy cơ mất máu nhiều, rủi ro cao trong quá trình phẫu thuật, thậm chí có thể tử vong. Quá trình mổ càng kéo dài càng gia tăng lượng máu mất lẫn biến chứng hậu phẫu. Tử cung khi có nhau cài răng lược chủ yếu sẽ được cấp máu từ động mạch chậu trong hai bên. Do đó Khoa Sản đã đề nghị hỗ trợ chèn bóng vào động mạch chậu trong, từ đó giảm phần lớn máu đến vùng phẫu thuật, giúp cuộc mổ mất máu ít hơn, giảm thiểu rủi ro cho thai phụ. Đây cũng là lần đầu tiên kỹ thuật này được áp dụng cho đối tượng thai phụ.

Thách thức đặt ra là thực hiện chèn bóng vào thời điểm nào, vì kỹ thuật này cần sự hướng dẫn của tia X, vốn có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Mặt khác, thời gian giữa 2 quá trình mổ lấy thai và cắt tử cung chỉ cho phép giới hạn trong khoảng 15-20 phút; càng kéo dài, khả năng mất máu càng nhiều, càng nguy hiểm cho tính mạng của người bệnh.

Do đó, ngay trước ngày phẫu thuật, bác sĩ khoa Tiết niệu đã bắt đầu bằng việc soi bàng quang và đặt ống thông vào niệu quản, định vị cơ quan này để tránh làm tổn thương trong lúc mổ. Ngày phẫu thuật, khoa Gây mê hồi sức, khoa Chẩn đoán hình ảnh và khoa Phụ Sản đã thay phiên nhau thực hiện can thiệp: Bác sĩ Sản khoa tiến hành mổ bắt con nhanh chóng, ngay lập tức nhóm các bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh tiếp tục chèn bóng vào động mạch chậu trong, giúp nhóm phẫu thuật viên Sản khoa trở lại sau đó cắt tử cung an toàn.

Trước khi kết thúc phẫu thuật, bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh rút bỏ bóng chèn và kiểm soát chảy máu. Bé sơ sinh chào đời khỏe mạnh, sản phụ mất một lượng máu rất ít so với phẫu thuật thông thường, hồi phục nhanh chóng, không ghi nhận thiếu máu hay bất kỳ biến chứng nào.

ThS BS. Lê Thị Kiều Dung cho biết, yếu tố nguy cơ của nhau cài răng lược là trên các vết mổ lấy thai cũ, càng mổ nhiều lần thì nguy cơ nhau cài răng lược càng cao, bên cạnh đó là các trường hợp sinh nhiều hoặc có tiền căn nạo phá thai nhiều lần… Do đó, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc tự ý lựa chọn ngả sinh con mà không theo chỉ định y khoa phù hợp. Bên cạnh đó, thai phụ nên đi khám sớm để kịp thời phát hiện và có phương án điều trị thích hợp.

Nghén giả vì mong con, thai 23 tuần mẹ Thanh Hóa nghẹn lòng nhìn chồng gục bên phòng cấp cứu
Khi bác sĩ thông báo kết quả xét nghiệm không có thai sau thụ tinh ống nghiệm, chị Lê Thị Thắm hụt hẫng và xấu hổ vô cùng vì quá mong con mà đâm ra...
Theo An Nhiên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Biến chứng thai kỳ