Khi bác sĩ thông báo kết quả xét nghiệm không có thai sau thụ tinh ống nghiệm, chị Lê Thị Thắm hụt hẫng và xấu hổ vô cùng vì quá mong con mà đâm ra nghén giả.
Ba năm sau ngày cưới, anh Lê Doãn Tuấn (35 tuổi) và chị Lê Thị Thắm (29 tuổi) - Thanh Hóa - tìm đến bệnh viện làm thụ tinh ống nghiệm (IVF) là sự lựa chọn cuối cùng khi đã thử qua rất nhiều hướng điều trị nhưng kết quả đều là con số 0 tròn trĩnh.
Hai em bé được đặt với những cái tên rất đáng để tự hào là bé Lê Minh Nhật và Lê Hạo Nhiên.
Nhờ sự kiên nhẫn và nỗ lực, sau bao khó khăn trắc trở trên hành trình đi tìm tiếng ru ầu ơ, giữa năm 2017 anh chị đã thực sự hái được trái ngọt. Niềm vui trong gia đình được nhân đôi khi đó lại là hai em bé kháu khỉnh cùng chào đời được đặt với những cái tên rất đáng để tự hào là bé Lê Minh Nhật và bé Lê Hạo Nhiên.
Sau chuyển phôi buồn nôn, chán ăn… Ai ngờ nghén giả!
Theo lời chị Thắm những tháng năm dài muộn con là cảm giác gia đình vô cùng tẻ nhạt. Dẫu cho bố mẹ hai bên khá thoải mái nhưng chính trong tâm chị tự thấy áp lực khi nghe thấy những xét nét, bàn tán từ người ngoài. “Họ nói ngược rồi nói xuôi, động viên thì ít mà gièm pha thì nhiều. Thời gian đó mình cảm thấy tủi thân, tự ti, ngại giao tiếp và ngại ra ngoài. Mình tự thu mình lại, ít nói chuyện và tụ tập, cảm thấy rất stress”, chị Thắm nhớ lại.
Dù sinh thiếu tháng nhưng hai em rất nhanh nhẹn, kháu khỉnh.
Vì đặc thù công việc nên anh Tuấn và chị Thắm không ở cạnh nhau thường xuyên, bởi thế mà việc "sinh hoạt" đều đặn và thuốc thang đầy đủ cũng gặp muôn phần khó khăn. Ngày chậm con, cũng giống hàng ngàn cặp đôi hiếm muộn ngoài kia, hai vợ chồng chạy đua với các thang thuốc Nam, thuốc Bắc, lặn lội đến các vùng sâu vùng xa với hy vọng mòn mỏi tìm được thầy hay thuốc tốt. Thất bại với các phương thuốc dân gian, anh chị bắt xe ra Hà Nội tiến hành làm thụ tinh nhân tạo (IUI) nhưng đều trở về tay trắng với nỗi thất vọng tràn trề.
Không có con làm sợi dây gắn kết tình cảm khiến mâu thuẫn và các cuộc cãi vã giận hờn khi bất đồng quan điểm dần xuất hiện. Thêm nữa là lời ra tiếng vào của mọi người đã làm cho chị không ít lần chán nản muốn từ bỏ việc đi “tìm con”. Nhưng rồi khi nhìn những em bé đáng yêu, khao khát được làm mẹ trong chị trỗi dậy, lý trí, con tim không cho phép chị buông xuôi.
Nếu như 9 mùa xuân trước gia đình chỉ có đào và quất thì những Xuân nay gia đình đã có thêm hai em bé kháu khỉnh.
Gác lại công việc dang dở, nghe theo lời giới thiệu từ một người thầy giáo cũ của chồng, hai anh chị khăn gói ra Hà Nội để thăm khám. Sau khi nghe bác sĩ tư vấn sức khỏe, anh chị cùng nhau gật đầu tiến hành làm thụ tinh ống nghiệm.
Chị Thắm nhớ lại quá khứ: “Quãng ngày sau đó nối tiếp là những giờ, những tuần trời đau đớn vật vã do bị quá kích buồng trứng sau chọc hút trứng, mình nằm truyền nước như con mèo hen”. Thế nhưng vì sức khỏe không đảm bảo nên chị không thể chuyển được phôi tươi, cần phải trữ đông.
Ba tháng sau chị được chuyển phôi lần một. Suốt 14 ngày sau chuyển phôi chị nghỉ lại tại bệnh viện, chỉ ăn và nằm, kiêng cữ và hy vọng. Chị có cảm giác đau nhói bụng, buồn nôn, chán ăn... giống với dấu hiệu có thai của mọi bà bầu. Ngày nhận kết quả xét nghiệm beta hcg thấp - không có biểu hiện có bầu. “Lúc đó mình buồn vô cùng, một phần cũng cảm thấy xấu hổ vì quá mong con mà nghén giả” – bà mẹ kém may mắn cho hay.
Vợ đẻ non ở tuần 32, sau sinh ngày 8 cữ chồng chạy đem sữa cho hai con
Sáu tháng sau chị đến bệnh viện theo dõi niêm mạc chuyển phôi trữ lần 2. Bác sĩ thông báo mọi thứ đều ổn định và đưa ra lời khuyên nên tiến hành thụ tinh trong tháng. Đến ngày chuyển phôi chị thả lỏng tinh thần với tư tưởng con cái là lộc trời, có duyên ắt sẽ gặp. Mười ngày sau tiến hành làm IVF kết quả xét nghiệm beta hcg cao vút cho thấy em bé đã thực sự về bên bố mẹ. Lần thụ tinh ống nghiệm đó chị Thắm được 3 thai, tuy nhiên ở tuần thứ 7 thì một thai sinh hóa chỉ còn lại hai thai.
Sự xuất hiện hai em bé song sinh khiến cho tổ ấm nhỏ được vẹn tròn
Tuần thứ 16 của thai kỳ chị Thắm gặp nguy cơ sinh non, dọa sảy. Bước vào tuần 23 chị lên cơn co dọa sảy lần nữa và phải nhập viện cấp cứu. Chị Thắm cho hay: “Lúc đó 23 giờ đêm, hai vợ chồng dìu dắt nhau ra viện. Lần đầu tiên thấy anh ấy lo lắng như vậy, mình vẫn nhớ như in dáng người ngồi gục bên ngoài phòng cấp cứu của chồng sao mà thương đến thế. Đến giờ nghĩ lại cảnh tượng ấy vẫn không khỏi nghẹn lòng, mình cảm thấy may mắn khi có một người chồng như vậy!”.
Vào một buổi chiều khi cả gia đình đang chuẩn bị ăn cơm thì chị vỡ ối, khi đó thai 32 tuần, chị run rẩy khóc lóc nói không thành tiếng. Nằm trên bàn đẻ chị chỉ biết nhìn chằm chằm vào máy đo tim thai. Sau vỡ ối ba tiếng chị mới được mổ đẻ đón hai em bé, một bé nặng 2,1kg và bé sau nặng 1,6kg. Hai anh em phải nằm lồng kính, bắt đầu chuỗi mỗi ngày 8 cữ anh Tuấn chạy mang sữa cho con ở trong viện. Chỉ đến 23 ngày sau em bé cứng cáp mới được ra với mẹ.
Sau ngày chị Thắm sinh con, anh Tuấn quyết định xin nghỉ hẳn công việc đang làm để về nhà chăm vợ con
Được biết, sau ngày chị Thắm sinh con, anh Tuấn quyết định gác lại tất cả, xin nghỉ hẳn công việc đang làm để về nhà chăm vợ con. Ngoài việc là một người chồng hết lòng vì nghĩa vợ chồng, anh Tuấn còn là một người cha rất khéo léo, dỗ dành và ru con "chuyên nghiệp". Theo lời chị Thắm thì đến giờ con đã 2 tuổi nhưng anh ấy vẫn luôn ưu tiên vợ con số một.
Nhìn lại hành trình tìm kiếm con của hai vợ chồng, chị Thắm đôi lúc cảm thấy sợ hãi, rùng mình. Nhưng sau tất cả hai em bé kiên cường, dũng cảm đã đến bên bố mẹ để hạnh phúc của tổ ấm nhỏ được vẹn tròn như bao gia đình khác.