Cặp đôi này hết sức đau khổ vì liên tục mang bầu nhưng chưa lần nào giữ được quá 3 tháng.
Sảy thai chắc hẳn là nỗi đau không mẹ bầu nào muốn đối mặt trong thai kỳ của mình. Khi không may bị sảy thai, nhiều người cho rằng nguyên nhân chắc chắn đến từ người mẹ hoặc tác động bên ngoài. Vậy nhưng trên thực tế có cả những trường hợp sảy thai mà nguyên nhân đến từ phía người chồng như cặp vợ chồng kém may mắn dưới đây.
Tiểu Lệ và ông xã kết hôn đã hơn 3 năm nhưng vẫn chưa thể có đứa con đầu lòng. Vợ chồng cô rất dễ thụ thai nhưng đáng tiếc lần nào thai kỳ cũng kết thúc ở khoảng tuần thứ 6-8. Tổng cộng Tiểu Lệ đã sảy thai tới 6 lần, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả sức khỏe, tâm lý và tình cảm của hai vợ chồng.
Tiểu Lệ đau đớn trải qua 6 lần sảy thai trong vòng 3 năm. (Ảnh minh họa)
Liên tục gặp sự cố khi mang thai, Tiểu Lệ cũng đã đi khám ở 4 bệnh viện khác nhau nhưng bác sĩ đều khẳng định sức khỏe của cô hoàn toàn bình thường, không có vấn đề gì về chức năng sinh sản. Bác sĩ khuyên Tiểu Lệ nên dẫn chồng đến khám nhưng anh lại là một người gia trưởng, luôn cho rằng bản thân mình khỏe mạnh, có thể làm vợ mang bầu liên tục như vậy thì chắc chắn bản thân không có vấn đề gì. Vì vậy vợ nhiều lần thuyết phục nhưng anh thường gạt đi, không chịu đi khám.
Mãi đến khi Tiểu Lệ khóc lóc và nhờ mẹ chồng can thiệp, bà phải tổ chức họp gia đình thì chồng cô mới đồng ý hai người cùng đi khám tại một bệnh viện chuyên hỗ trợ sinh sản. Sau khi đến bệnh viện, vợ chồng Tiểu Lệ đều trải qua nhiều lần kiểm tra, xét nghiệm khác nhau. Cuối cùng bác sĩ đưa ra thông báo: "Do người chồng". Theo đó, tinh dịch của chồng cô lại bị nhiễm khuẩn Mycoplasma hominis và đây là lý do dẫn đến thai nhi bị sảy nhiều lần.
Sau khi khám và xét nghiệm, bác sĩ khẳng định nguyên nhân sảy thai là từ phía người chồng. (Ảnh minh họa)
Khi nghe kết luận này, chồng Tiểu Lệ hết sức bối rối và chỉ biết cúi gằm mặt vì đã đổ lỗi cho vợ. Tuy nhiên bác sĩ cho biết vấn đề này không khó khắc phục, chỉ cần chữa hết nhiễm khuẩn cho ông xã Tiểu Lệ, cả hai bồi bổ sức khỏe và mang thai lại lần nữa là có thể sinh con thành công. Chồng Tiểu Lệ hiện đang chữa trì theo liệu trình trong bệnh viện và cả hai đều hy vọng sẽ sớm thực hiện được ước mơ làm cha, làm mẹ.
6 thủ phạm phổ biến gây sảy thai
Bất thường nhiễm sắc thể
Các nhiễm sắc thể không hợp cách chiếm ít nhất 60% số ca sảy thai. Nhiễm sắc thể là những cấu trúc nhỏ trong các tế bào mang gen của con người. Mỗi chúng ta có 23 cặp, một cặp từ mẹ và một từ cha. Đôi khi, trứng và tinh trùng gặp nhau, một hoặc hai bị lỗi thì sau đó các nhiễm sắc thể không thể xếp đúng trật tự được. Trong trường hợp này thường dẫn đến phôi bất thường về nhiễm sắc thể và sự mang thai sau đó gặp khó khăn và dẫn đến sảy thai.
Bất thường ở tử cung
Nếu có tử cung hình dạng bất thường hoặc phân chia, chuyên môn gọi là vách ngăn tử cung thì nguy cơ sẩy thai cao do phôi không thể cấy hoặc ghép được vào tử cung, nên không thể phát triển và tồn tại trong tử cung được. Theo báo cáo, các dị tật ở tử cung chiếm khoảng 10% số ca sảy thai. Cổ tử cung suy yếu hoặc không đủ năng lực cũng là lý do dẫn đến sảy thai.
Rối loạn miễn dịch
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, rối loạn miễn dịch cũng là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn phát sinh sảy thai. Trong một số trường hợp, phôi thai không được chấp nhận bởi cơ thể người phụ nữ. Đặc biệt là các kháng thể kháng phospholipid, tức các kháng thể tấn công mô của chính cơ thể người phụ nữ, trong đó có cả phôi thai.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây sảy thai. (Ảnh minh họa)
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Đây là một nguyên nhân gây ra sẩy thai liên tiếp. Phụ nữ bị PCOS thường có mức testosterone nam giới quá cao, gây rụng trứng và kinh nguyệt bất thường. Ngay cả ở nhóm không bị đái tháo đường, PCOS cũng gây ra hiện tượng kháng insulin, ngăn ngừa lớp lót nội mạc tử cung phát triển đúng cách.
Nhiễm trùng do vi khuẩn
Nhiều vi sinh vật sống vô hại, thậm chí còn hữu ích ngay trong các bộ phận sinh sản của nam giới lẫn phụ nữ. Nhưng lại có một số dòng vi khuẩn cực kỳ nguy hiểm, thủ phạm làm tăng nguy cơ sảy thai. Trong số này có khuẩn Mycoplasma hominis và Ureaplasma urealyticum, làm tổ trong vùng sinh dục của cả người đàn ông lẫn đàn bà khỏe mạnh.
Do lối sống
Rất nhiều chất độc đi vào cơ thể do lối sống thiếu khoa học. Ví dụ như phụ nữ hút thuốc có tỉ lệ sảy thai cao gấp đôi so với phụ nữ không hút thuốc. Uống nhiều hơn hai bữa rượu bia hay đồ uống có cồn mỗi ngày cũng làm gia tăng sảy thai. Sử dụng các loại thuốc chữa bệnh, thuốc giải trí khi đang mang thai cũng không có lợi cho thai nhi. Ngoài ra, phụ nữ làm việc trong một số môi trường nhất định như tại các trang trại, phòng mổ, phòng nha khoa và phòng thí nghiệm bệnh viện, đi ca kíp trong các nhà máy hóa chất... cũng có tỉ lệ sảy thai cao vì những lý do không rõ ràng mà người ta nghi rằng do nhiễm độc gây ra.