Ngay cả bác sĩ và y tá cũng phải sừng sờ vì không ngờ mọi chuyện lại diễn ra nhanh như thế.
Vận động khi mang thai là việc mà các bác sĩ đều khuyên mẹ bầu nên làm. Vì hoạt động này không những giúp cho cơ thể của thai phụ được dẻo dai, giảm nhức mỏi, mà còn giúp bạn giữ dáng và quá trình sinh con được dễ dàng hơn. Chẳng hạn như câu chuyện đẻ rớt con của mẹ bầu người Trung Quốc sau đây.
Tiểu Tình ( 24 tuổi) vốn là một người ưa thích thể thao. Ngay từ khi còn đi học, cô đã tham gia nhiều câu lạc bộ của các môn thể thao khác nhau, và dù bận đi làm thì cô cũng đều dành thời gian đến phòng tập gym vào mỗi cuối tuần.
Kết hôn được 3 tháng, Tiểu Tình mang thai. Vậy là mẹ chồng cô ngày ngày nấu những món ăn bổ dưỡng mang qua cho con dâu bồi bổ. Không những vậy, bà còn thuê hẳn một người giúp việc theo giờ làm tất cả mọi công việc nhà để Tiểu Tình có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn.
Vốn là người thích vận động, nay lại phải “ăn không ngồi rồi” nên mẹ bầu này cảm thấy khó chịu. Cô lại dồn thời gian rảnh của mình vào tập thể dục và đọc sách. Thậm chí, Tiểu Tình còn thực hiện một vài động tác yoga khó.
Dù bầu bì nhưng Tiểu Tình vẫn chăm chỉ tập thể dục, thậm chí cô còn thực hiện vài động tác yoga khó (Ảnh minh họa).
Đến đúng ngày dự sinh, Tiểu Tình bị vỡ ối nên bố mẹ chồng vội đưa con vào bệnh viện. Lúc đó, chồng của cô lại đi công tác xa, cách nhà 200km nên không thể có mặt ngay bên cạnh vợ được. Để vợ bớt lo lắng và không cảm thấy cô đơn vì vắng chồng, anh đã vừa ngồi trên ô tô chạy về nhà vừa gọi điện thoại video call nói chuyện với vợ.
Đã thế, chồng Tiểu Tình còn kể chuyện hài và chọc cho vợ cười suốt từ lúc vào phòng chờ sinh. Song, đang nằm cười không ngớt, đột nhiên Tiểu Tình kêu “Á” lên một tiếng rõ to. Mọi người xung quanh kể cả bác sĩ và y tá đều bàng hoàng khi phát hiện có một đứa trẻ sơ sinh nằm trong váy của sản phụ, liền vội đưa cả hai mẹ con Tiểu Tình vào phòng sinh để xử lý tiếp.
Bác sĩ đã phải tiếp chuyện với chồng sản phụ qua điện thoại và thông báo tình hình lúc đó. Chồng Tiểu Tình rất kinh ngạc không ngờ vợ mình lại dễ đẻ đến thế. Bác sĩ liền nó: “Tất cả là nhờ cô ấy đã chăm chỉ tập thể dục trong suốt thai kỳ”.
Đang cười vui vẻ nghe chồng kể chuyện, Tiểu Tình đột nhiên Á lên một tiếng, ai cũng bàng hoàng khi thấy một đứa trẻ sơ sinh trong váy của sản phụ (Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia, tập thể dục trong thai kỳ mang lại rất nhiều lợi ích to lớn, chẳng hạn như giảm cảm giác mệt mỏi, giảm đau lưng và vùng chậu, hạn chế các biến chứng thai kỳ (tiểu đường, huyết áp cao, tiền sản giật…), kiểm soát cân nặng, cải thiện giấc ngủ, dễ đẻ và tăng khả năng phục hồi sau sinh.
Bên cạnh đó, khi mẹ bầu tập thể dục, nhịp tim của bạn sẽ đập nhanh hơn, từ đó lượng máu và oxy được chuyển qua nhau thai tốt hơn, thai nhi sẽ hấp thu đủ dưỡng chất để phát triển tốt nhất.
Song, trước khi bắt đầu tiến hành tập thể dục, các mẹ bầu nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Tránh để nhiệt độ cơ thể tăng lên quá cao: Nhiệt độ cơ thể của phụ nữ mang thai thường cao hơn so với người bình thường, nhất là khi tập thể dục lại càng khiến nhiệt độ cơ thể tăng nhanh. Đây chính là lý do mẹ bầu cần tránh tập thể dục ở nơi nóng bức, kín gió. Trong trường hợp cơ thể có biểu hiện tăng nhiệt quá mức như đổ mồ hôi nhiều, buồn nôn, chóng mặt hoặc khó thở thì bạn cần ngừng tập ngay lập tức, cởi bớt áo và đổi sang môi trường mát hơn.
- Đừng tập thể dục quá sức: Điều quan trọng là bạn hãy lắng nghe cơ thể của mình và lựa chọn một chế độ tập vừa sức.
- Khởi động kỹ trước khi tập luyện: Nếu không khởi động trước khi tập sẽ khiến cơ và dây chằng bị căng lên, gây đau nhức hơn sau khi tập luyện. Do đó bạn cần khởi động kỹ các cơ và các khớp trước khi tập thể dục, đồng thời để nhịp tim tăng lên từ từ trước khi vào bài tập chính thức.
- Uống nhiều nước trước, trong và sau khi tập thể dục.
- Nếu tập tạ, hãy chọn mức tạ thấp và số lần lặp lại từ trung bình đến cao.
- Thực hiện kéo căng có kiểm soát và tránh kéo dài quá mức.
- Không tập thể dục khi bị ốm hoặc sốt.
- Thỉnh thoảng hãy cho phép bản thân lười biếng để nghỉ tập thể dục một ngày.