Mang trong mình nhóm máu cực hiếm O Rh- và gen tan máu bẩm sinh lặn Thalassemia, hai lần chị Hòa mang bầu cả gia đình đều rất lo lắng.
Ngay từ trước khi có bầu bé Tommy, chị Thanh Hòa (SN 1990) ở Hà Nội đã biết bản thân mang gen lặn Thalassemia và nhóm máu cực hiếm O Rh- (10.000 người mới có 4-7 người mang nhóm máu O Rh-). Khi con trai đầu lòng mới 3 tháng tuổi chị bất ngờ biết mình tiếp tục mang thai, thêm một lần nữa người mẹ ấy như ngồi trên đống lửa bởi trước mắt sẽ phải đối diện với nhiều nguy cơ.
Giữa tháng 12/2020, các bác sĩ bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã dự trù sẵn 2 đơn vị máu để đề phòng trường hợp nguy cấp sẽ truyền cấp cứu cho chị Hòa trong ca sinh. May mắn cuộc “vượt cạn” diễn ra thuận lợi, chị không cần phải sử dụng tới lượng máu dự phòng, em bé Sony nặng 3,550kg lọt lòng mẹ khỏe mạnh, khóc to, các thành viên trong gia đình chị Hòa ai nấy đều phấn khởi, hạnh phúc.
Mang gen lặn Thalassemia và nhóm máu cực hiếm O Rh- song chị Hoà đã cùng các con mạnh mẽ vượt qua 2 thai kỳ đáng nhớ.
Vừa sinh con 3 tháng lại dính bầu
Tháng 8/2018 chị Hòa chính thức lên xe hoa về nhà chồng. Sau khi khám sức khoẻ tiền sinh sản, ngày 14/2/2019, cả gia đình chị vỡ òa đón nhận tin vui khi biết chị mang bầu bé đầu tiên. Vì biết bản thân mang gen lặn Thalassemia và nhóm máu hiếm O Rh- chị cùng chồng chủ động tham gia cộng đồng nhóm máu hiếm, nếu lúc sinh cần truyền máu sẽ được hỗ trợ kịp thời.
Chưa hết, chị Hòa còn tiêm 3 mũi Anti-D để dự phòng hiện tượng nhạy cảm Rh và bệnh lý tán huyết cho thai kỳ sau, phòng trường hợp bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con. “Mũi đầu tiên mình tiêm ở tuần thai thứ 28, mũi thứ hai tiêm ở tuần thai thứ 32, mũi thứ 3 tiêm trong vòng 72 giờ sau khi sinh. Do tỷ lệ sản phụ mang nhóm máu hiếm rất ít, nên việc tìm mua thuốc Anti-D khi đó rất khó khăn.
Thuốc vừa có giá rất cao lại là thuốc kê đơn, nên rất ít bệnh viện nhập về, khi đó kể cả bệnh viện Phụ sản Hà Nội và bệnh viện huyết học Trung ương cũng không có thuốc. Rất may sau đó, phút chót chồng mình tìm mua được liều duy nhất để vợ kịp tiêm, vì nếu trong vòng 72 giờ sau sinh không tiêm thì những ngày sau đó tiêm cũng không còn tác dụng nữa” – mẹ 9X nói.
Khi bé đầu mới 3 tháng tuổi chị hay tin tiếp tục mang bầu bé thứ 2.
Khi bé Tommy được hơn 3 tháng, chị Hòa thấy ít sữa dần, cả 2 vợ chồng đều thấy khá rối bời nên ông xã chị đã đi mua một lúc 7 que thử thai, hai vợ chồng thử tới que thứ 6 vẫn không thấy lên vạch. Bẵng đi một thời gian, chị cảm thấy trong người mệt mỏi, bèn lấy nốt que thứ 7 ra thử thì xuất hiện 2 vạch rõ nét.
Lúc này vợ chồng chị vừa mừng vừa lo, mừng vì sắp có thêm một thiên thần nhỏ, lo vì thương Tommy còn quá bé, mẹ có bầu em bé vừa ít sữa lại chẳng thể chăm sóc Tommy được như trước. Chị Hòa chia sẻ: “Kết quả siêu cho thấy em bé trong bụng đã được 8 tuần. Khi báo tin cho mọi người Hòa cảm nhận được bên cạnh cảm xúc hân hoan vui mừng thì tất cả đều lo lắng cho sức khỏe của hai mẹ con”.
Trong thai kỳ chị trải qua rất nhiều lo lắng song nhờ ông xã tâm lý lại hết mực yêu thương nên người mẹ ấy đã vượt qua mọi khó khăn.
Bệnh viện dự trù sẵn 2 đơn vị máu đề phòng trường hợp nguy cấp
Ý thức được tình trạng sức khỏe của bản thân, cả hai lần sinh chị đều chọn bệnh viện tuyến cuối chuyên về sản khoa, phòng khi nếu gặp vấn đề các bác sĩ có thể can thiệp kịp thời. Chị Hòa may mắn gặp được vị bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề lại tận tâm chu đáo nên tinh thần trong cả thai kỳ và ngay cả lúc “lâm bồn” khá thoải mái.
Giữa tháng 12/2020, các bác sĩ bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã dự trù sẵn 2 đơn vị máu để đề phòng trường hợp nguy cấp sẽ truyền cấp cứu cho chị Hòa trong ca sinh. May mắn cuộc “vượt cạn” diễn ra thuận lợi, chị không cần phải sử dụng tới lượng máu dự phòng, em bé Sony nặng 3,550kg lọt lòng mẹ khỏe mạnh, khóc to, các thành viên trong gia đình chị Hòa ai nấy đều phấn khởi, hạnh phúc.
Để đảm bảo có thể cấp cứu kịp thời, ngày chị đi sinh bệnh viện đã chuẩn bị sẵn máu hiếm.
Mẹ 9X hồi tưởng lại: “Cả hai lần đi đẻ, chồng mình đều ở bên cạnh động viên và tiếp sức cho vợ trong phòng sinh. Nghĩ tới việc được gặp con, được ôm ấp con vào lòng sau 9 tháng 10 ngày đợi mong, mình quên hết những cơn đau, cố gắng hết sức để sớm được gặp con. Khi vừa bước vào phòng sinh, người nhà mình đợi bên ngoài rất đông, ai cũng đều sốt ruột vì biết mẹ mang nhóm máu hiếm. Thật may mắn, hai lần sinh, các con đều chào đời thuận lợi an toàn”.
Sau sinh vợ chồng chị sử dụng dịch vụ lưu trữ tế bào gốc cho em bé. Cả hai con đều được tiến hành sàng lọc sơ sinh, thể trạng của các bé đều rất tốt, mang nhóm máu O rh+ giống bố và đều không mang gen lặn Thalassemia.
Theo lời chị Hoà, được làm mẹ là điều hạnh phúc nhất trong cuộc đời của mỗi người phụ nữ. Đối với sản phụ mang nhóm máu hiếm, điều đó càng tuyệt vời hơn. Bản thân chị cảm thấy rất may mắn được làm mẹ của hai em bé kháu khỉnh đáng yêu. Cho tới bây giờ, những cảm xúc sau khi vượt cạn thành công vẫn còn nguyên vẹn trong chị, vừa hạnh phúc, vừa tự hào.
Trải qua hai lần mang bầu và sinh con, chị thấy rằng làm mẹ là thiên chức mà tạo hoá ban cho mỗi người phụ nữ, chính vì vậy, dù trải qua bao đớn đau vất vả, dù sức khoẻ và cuộc sống thay đổi, nhưng chỉ cần nghĩ tới việc con được sinh ra khoẻ mạnh, những đổi thay ấy đều xứng đáng.
May mắn chị sinh con dễ dàng và không gặp bất cứ rắc rối nào cần đến việc truyền máu.
Cũng từ hành trình mà mình từng đi qua, mẹ 9X gửi gắm tới những chị em sẽ thực hiện thiên chức thiêng liêng hãy chuẩn bị sức khoẻ và tâm lý thật tốt từ trước khi mang thai, trong quá trình mang thai cho tới khi đi sinh. Các cặp vợ chồng nên khám sức khoẻ tiền sinh sản, các sản phụ cần được xét nghiệm để biết mình mang nhóm máu gì, có mang gen Thalassemia hay không. Trong thai kỳ cần quan tâm tới chế độ dinh dưỡng, cần thăm khám thường xuyên và chọn nơi sinh thật uy tín để cả mẹ và con được khoẻ mạnh, an toàn.