Dù đã lớn tuổi và có tiền sử sản khoa khá phức tạp với những lần lưu, sảy thai và chửa ngoài tử cung, những phụ nữ lớn tuổi này vẫn may mắn chào đón con yêu khỏe mạnh.
Sản phụ Thanh Hóa 63 tuổi sinh con thành công bằng phương pháp sinh mổ
Vào 20h40 phút tối 28/8/2022, với sự hỗ trợ của các y bác sỹ Bệnh viện phụ sản Thanh Hóa, bà N.T.K, 63 tuổi ngụ tại huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa đã hạ sinh một bé trai nặng 3000 gram, khỏe mạnh bằng phương pháp sinh mổ.
Được biết trước đó, tháng 5/2021, cặp vợ chồng lớn tuổi này đã đến viện phụ sản Thanh Hóa khám với mong muốn sinh thêm con. Các bác sĩ đã thực hiện áp dụng phương pháp thụ thai trong ống nghiệm (IVF) cho họ.
Do tính chất dự trữ buồng trứng và nội tiết tố của bà N.T.K, 63 tuổi này đều không hề thuận lợi cho việc có thai và mang thai. Ngoài ra, bà còn có tiền sử sản khoa khá phức tạp với những lần lưu, sảy thai và chửa ngoài tử cung. Bởi thế, 3 tháng đầu thai kỳ, sản phụ khá mệt mỏi. Tuy nhiên được sự giúp đỡ của các bác sĩ đã giúp sản phụ vượt qua các giai đoạn khó khăn của thai kỳ một cách suôn sẻ.
Bà N.T.K, 63 tuổi ngụ tại huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa.
Ngày 28/8, các bác sĩ đã thực hiện thành công ca sinh mổ cho sản phụ trên. Đây là một ca khó vì sản phụ đã nhiều tuổi. Việc thụ tinh trong ống nghiệm là kỹ thuật dùng tinh trùng của người chồng và trứng của người vợ để thụ tinh trong phòng thí nghiệm, tạo thành phôi. Sau đó, phôi sẽ được đưa vào buồng tử cung của người vợ để bắt đầu một thai kỳ.
Chồng 70, vợ U60 ở Quảng Ninh vẫn sinh thêm con
Ngày 29/11/2019, Giám đốc BV Phụ sản Hải Phòng cho biết cũng thực hiện mổ sinh thành công cho sản phụ C., 54 tuổi ở TP. Uông Bí, Quảng Ninh, mang thai nhờ thụ tinh nhân tạo. Đặc biệt hơn, chồng sản phụ C. năm nay đã 70 tuổi và phôi thai được thụ tinh từ tinh trùng và trứng của vợ chồng bà.
Năm 1991, bà C. đã hạ sinh cậu con trai đầu lòng. Nhưng sau đó, mặc dù rất muốn sinh thêm song vợ chồng bà điều trị hiếm muộn nhiều nơi đều không có tin vui.
Vài năm trở lại đây, sau tai nạn giao thông, cậu con trai độc nhất của bà C. không may qua đời. Hai ông bà đã đi khám nhiều để làm thụ tinh nhân tạo nhưng vẫn thất bại.
Đầu năm 2019, sau khi tìm hiểu, vợ chồng bà C. tìm đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BV Phụ sản Hải Phòng để thử vận may lần nữa. Và lần này, ca chuyển phôi thành công. Trong suốt quá trình mang thai, do tuổi cao nên từ tuần 34 bà C. đã phải nằm tại viện để bác sĩ theo dõi.
Ngày 29/11/2019, bà C. có dấu hiệu chuyển dạ và được thực hiện ca mổ đẻ. Bé trai chào đời nặng 2,3 kg.
Đôi vợ chồng Bắc Giang sinh con ở tuổi 60, cho con bú sữa mẹ hoàn toàn
Bà Nguyệt (xã Tân Hưng, Lạng Giang), sinh con trai Nguyễn Trọng Khánh vào đầu năm 2016, lúc bà và chồng đều 60 tuổi. Cậu bé sinh ra chỉ 2,6 kg và được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn mà lên cân đều và không ốm đau.
Sau nhiều lần đến bệnh viện nhờ cậy xin con nuôi, hai vợ chồng mới nảy ra ý tưởng sẽ tự sinh con.
Vợ chồng bà từng sinh hai con gái và chưa bao giờ có ý định sinh thêm con nhằm lo cho 2 con tốt nhất. Nhưng con gái thứ 2 của ông bà bị ung thư máu và ra đi quá nhanh khiến vợ chồng bà suy sụp hoàn toàn.
Sau nhiều lần đến bệnh viện nhờ cậy xin con nuôi, hai vợ chồng mới nảy ra ý tưởng sẽ tự sinh con. Thế nhưng không có bệnh viện nào đồng ý nhận. May thay lúc đến một bệnh viện ở Hà Nội, các chỉ số sức khỏe của hai vợ chồng bà vẫn tốt nên các bác sĩ nhận làm thụ tinh ống nghiệm.
Tuy vậy, thai nhi được ba tuần, bà bị đau bụng, ra máu. Xuống viện chỉ 2 tiếng sau khi có triệu chứng nhưng suýt nữa đã không giữ nổi thai. Từ đó bà Nguyệt phải nằm bất động và tiêm thuốc suốt ba tháng liền.
Mang thai lúc 60 tuổi, bà Nguyệt đã đối mặt với rất nhiều lần nguy hiểm tính mạng.
Sau đó bà còn bị huyết áp cao, nhiễm độc thai nghén và nguy cơ bị sản giật. Nhưng nhờ phát hiện kịp thời và hỗ trợ nhiệt tình từ các đội ngũ y, bác sĩ, mọi nguy cơ đều được hóa giải vào giây phút cậu bé Trọng Khánh chào đời, lúc 37 tuần. Bà Nguyệt hoàn toàn khỏe mạnh, có sữa ngay sau ca mổ và nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ.
Những nguy cơ tiềm ẩn khi sinh con muộn
Ở phụ nữ, số lượng và chất lượng trứng sẽ giảm dần theo thời gian, khiến việc thụ thai sau tuổi 35 sẽ khó có thai tự nhiên hơn rất nhiều.
Mang thai sau 35 tuổi, phụ nữ có thể gặp phải nhiều biến chứng như tiền sản giật, sẩy thai, thai lưu, sinh non, thai ngoài tử cung…Đặc biệt, nguy cơ con chậm phát triển về thần kinh vận động cũng tăng theo tuổi của mẹ, do mẹ càng lớn tuổi thì khả năng phôi bị rối loạn nhiễm sắc thể rất cao.
Các nhà di truyền học đã chứng minh rằng: Khoảng 50% phôi người sau thụ tinh bị rối loạn nhiễm sắc thể, tỷ lệ này còn tăng cao khi bà mẹ trên 35 tuổi, dẫn đến các bệnh liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể cho thai nhi như hội chứng Down, Edwards… Theo một nghiên cứu, mẹ 25 tuổi có tỷ lệ sinh con bị bệnh Down chỉ là 1/1.250; 30 tuổi là 1/952, trên 35 tuổi là 1/378, trên 45 tuổi là 1/30.
Nhờ sự tiến bộ của y học ngày nay, rất nhiều trường hợp chị em lớn tuổi, thậm chí đã mãn kinh, hoặc gặp vấn đề về tử cung, buồng trứng, bị bệnh mãn tính… vẫn thỏa mong ước chào đón con yêu ra đời nhờ các phương pháp hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên sẽ rất tốn kém, vì các mẹ lớn tuổi không chỉ làm thụ tinh nhân tạo cổ điển mà nên kết hợp thêm sàng lọc rối loạn di truyền của phôi giúp lựa chọn phôi không bị rối loạn di truyền để chuyển vào buồng tử cung, giúp giảm tỉ lệ sảy thai, thai lưu, thai dị tật. Và đặc biệt, tỷ lệ thành công của thụ tinh nhân tạo ở những người trên 35 tuổi thấp hơn rất nhiều so với độ tuổi 20 - 34.