Tưởng chừng như đó là câu hỏi vô nghĩa, rắc rối nhưng mẹ sẽ bất ngờ khi biết nguyên nhân phía sau.
Trải qua cơn vượt cạn thập tử nhất sinh, các mẹ đều thở phào nhẹ nhõm nhưng cũng kiệt sức và chỉ muốn chợp mắt ngủ một giấc. Tuy nhiên, đây chưa phải là lúc để nghỉ ngơi. Vì còn rất nhiều "thủ tục" sau khi sinh mà mẹ phải hợp tác với các y tá để hoàn thành. Dù rằng nhiều mẹ không ngừng bực mình và cho rằng những điều đó thực sự rắc rối và không cần thiết. Nhưng nếu biết nguyên nhân ẩn chứa phía sau chắc hẳn bạn sẽ phải thay đổi suy nghĩ.
Việc y tá hỏi người mẹ: “Mẹ có biết con mình là trai hay gái không?”, thực chất là một trong những thủ tục như thế. Sau vài giờ vất vả trong phòng sinh, chị Thư Văn cuối cùng cũng mẹ tròn con vuông, sinh hạ thành công đứa con của mình. Nghe tiếng con khóc, chị nhoẻn miệng cười hạnh phúc. Và vì cảm thấy kiệt sức, chị Thư Văn bắt đầu buồn ngủ.
Tuy nhiên đúng lúc này, nữ y tá bế em bé trên tay, đánh thức chị Thư Văn dậy và hỏi: "Thiên thần nhà chị đây. Chị xem đó là một bé trai hay một bé gái ấy nhỉ?". Thư Văn rất mệt và không muốn trả lời, nhưng cô y tá cứ liên tục hỏi lại. Chị bắt buộc phải mở mắt để nhìn em bé, yếu ớt nói: "Đó là con trai tôi".
Sau khi y tá đặt con trai bên cạnh mình, Thư Văn đã không ngừng thắc mắc: "Tại sao y tá lại hỏi vậy? Chẳng nhẽ cô ấy không biết con mình là trai hay gái ư?". Điều này khiến bà mẹ trẻ cảm thấy rất kỳ lạ.
Thực tế, hầu hết các sản phụ đều tự hỏi giống như Thư Văn vậy. Nhưng sau khi có thời gian để hỏi chuyện cô y tá, Thư Văn đã hoàn toàn bất ngờ. Hóa ra, không phải y tá rắc rối, tìm cách làm khó bà mẹ vừa mới sinh con. Thực tế câu hỏi trai hay gái, hay cả những câu hỏi khác sau sinh của y tá dành cho sản phụ đều mang những mục đích đặc biệt.
Làm dịu cảm xúc của người mẹ đúng lúc
Sau 9 tháng 10 ngày mang thai, hầu hết các bà mẹ đều mong mỏi con yêu sẽ đến với thế giới an toàn. Sau ca sinh nở, bà mẹ nào cũng nóng lòng được gặp con ngay để biết giới tính, khuôn mặt, tình trạng sức khỏe của con ra sao.
Vì vậy đúng lúc này, nữ y tá sẽ bế em bé đến bên cạnh để người mẹ có thể nhìn thấy qua về tình hình của con mình. Điều này sẽ giúp cảm xúc của bà mẹ được xoa dịu đúng lúc, an tâm và nhẹ nhõm.
Bảo vệ cơ thể của người mẹ
Trong quá trình vượt cạn, sản phụ tích cực phối hợp với ekip đỡ đẻ, làm theo mọi chỉ dẫn của bác sĩ và tập trung toàn bộ sức lực, cơ thể mình để sinh con.
Sinh xong, mẹ cần trả lời câu hỏi của y tá để y tá nắm được tình trạng sức khỏe của mình.
Nhưng sau khi đứa con chào đời trọn vẹn, người mẹ rất có thể sẽ bất tỉnh, hôn mê và buồn ngủ... khiến bác sĩ không kịp thời nắm được tình trạng sức khỏe của mẹ bé. Vì vậy, y tá cần làm công việc kích thích tinh thần và giữ cho người mẹ tỉnh táo bằng cách xác nhận thể trạng của mẹ ngay sau khi sinh. Nói rằng đây là một phương pháp bảo vệ người mẹ là vì thế.
Giúp em bé cảm thấy an toàn
Đối với một đứa trẻ vừa chào đời, bước ra với thế giới này sẽ cảm thấy cô đơn và bối rối. Em bé sẽ thể hiện tâm trạng lo lắng của mình bằng tiếng khóc lớn. Nhưng nếu được nằm bên cạnh mẹ, nghe tiếng của mẹ và cảm nhận hơi thở của mẹ, em bé sẽ ngay lập tức cảm giác an toàn, ngừng khóc.
Tránh việc nhầm con
Vì trong một phòng sinh có thể có nhiều sản phụ, các em bé có thể chào đời bất kỳ lúc nào, thậm chí cùng một lúc. Nếu sơ suất một chút, chuyện nhầm con sẽ xảy ra. Bởi vậy sau khi em bé chào đời, mẹ bé cần biết được giới tính và vẻ ngoài của con ngay lập tức để từ đó ngăn chặn tình trạng nhầm con.
Dù rằng với việc cải tiến điều kiện cơ sở vật chất của bệnh viện và các khâu trong quản lý đã giúp tình trạng này được loại bỏ đi nữa, thì với các bà mẹ vừa sinh con, đó dường như vẫn là một việc cần thiết để giảm thiểu nỗi lo.
Như vậy, việc các y tá đến bên cạnh để hỏi sản phụ vừa mới sinh xong những câu tưởng chừng như vô nghĩa thực ra lại liên quan rất nhiều đến sức khỏe của mẹ và bé. Với các bác sĩ hay y tá khi tham gia ca sinh nở thì đều có tay nghề và kiến thức chuyên môn chắc chắn. Vì vậy, sản phụ cần phải tích cực hợp tác và trả lời các câu hỏi một cách nghiêm túc để đảm bảo cho sự an toàn của cả mẹ và bé.