Bảo mẫu mải dùng điện thoại khiến đứa trẻ 21 tháng rơi từ tầng 8 tử vong

Chi Chi - Ngày 27/06/2022 19:00 PM (GMT+7)

Bị kẹt lại trong thang máy, đứa trẻ vô cùng hoảng loạn, chạy ra ngoài hành lang tìm sự giúp đỡ nhưng không thành.

Tai nạn trẻ em có thể xảy đến bất cứ lúc nào với trẻ, kể cả khi đi cùng người lớn nếu bất cẩn. Câu chuyện đau lòng xảy ra vào ngày 14/6 ở Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc khiến bất kì bậc cha mẹ nào cũng đau xót khi hay tin.

Bảo mẫu mải dùng điện thoại khiến đứa trẻ 21 tháng rơi từ tầng 8 tử vong - 1

Theo chia sẻ từ ông Chen, gia đình ông và gia đình mẹ vợ sinh sống cùng một khu, khác tòa nhà. Thời điểm xảy ra vụ việc là 20h tối ngày 14/6, lúc đó ông Chen đang ở nhà, tầng 3 của một tòa nhà còn con gái 21 tháng tuổi của ông  được bảo mẫu đưa sang nhà bà ngoại ở tầng 15 của căn bên cạnh. Ông nhận được điện thoại của vị bảo mẫu nói rằng không tìm thấy con gái của ông.

Ông Chen lập tức cúp điện thoại và lao đi tìm con. Bảo mẫu nói rằng có thể đứa trẻ đã ở tầng 8 của tòa nhà nhưng khi ông lên thì tìm không thấy. Lúc sau bảo mẫu lại bảo có thể ở tầng 1. Nhiều lời nói khác nhau khiến ông Chen bắt đầu không tin tưởng vị bảo mẫu và nghĩ rằng liệu người này có liên quan đến một vụ bắt cóc không vì vị bảo mẫu này mới đến nhà anh 6 ngày.

Bảo mẫu mải dùng điện thoại khiến đứa trẻ 21 tháng rơi từ tầng 8 tử vong - 2

Ông Chen đã gõ cửa từng nhà ở tầng 8 nhưng không ai thấy đứa trẻ, chỉ có 1 người đàn ông nói rằng có nghe thấy tiếng trẻ con khóc. Khi đứng ở tầng 1, ông bố thấy cửa sổ tầng 2 hướng ra sân thượng (phần mái che sảnh) mở nên lập tức lên đó và bước ra sảnh thì phát hiện thi thể con gái đang nằm ở đó, khoảng 30 phút sau khi vụ việc bắt đầu xảy ra.

Sự thật được phơi bày từ chiếc camera

Sau khi vụ việc xảy ra, chiếc camera giám sát trong thang máy và toàn nhà đã cho thấy tất cả. Cụ thể, khoảng từ 20h04 phút, thang máy dừng ở tầng 15 nhà mẹ vợ của Chen. Lúc này vị bảo mẫu và con gái Chen bước vào. Tay vị bảo mẫu xách chiếc xe của em bé. Vị bảo mẫu nhấn nút tầng 1 để đi xuống. Trong suốt khoảng thời gian đứng trong thang máy, vị bảo mẫu chỉ chăm chú vào chiếc điện thoại trên tay mà không hề để ý đến đứa trẻ nên đứa trẻ.

Bảo mẫu mải dùng điện thoại khiến đứa trẻ 21 tháng rơi từ tầng 8 tử vong - 3

Khi cửa thang máy mở ra ở tầng 1, vị bảo mẫu 1 tay cầm điện thoại 1 tay xách chiếc xe để đi ra ngoài nhưng đứa trẻ chưa kịp đi theo thì thang máy đã đóng cửa. Vị bảo mẫu cố gắng dùng tay chặn cánh cửa thang máy lại nhưng đã quá muộn. Đứa trẻ bị nhốt lại trong thang máy một mình khóc do hoảng sợ.

Bảo mẫu mải dùng điện thoại khiến đứa trẻ 21 tháng rơi từ tầng 8 tử vong - 4

Khi thang máy dừng lại ở tầng 8, cô bé chạy ra khỏi thang máy, đi lại quanh hành lang một lúc sau đó đã trèo lên bậc tam cấp cửa sổ hành lang và rơi xuống thềm ở tầng 2. Tất cả sự việc diễn ra khoảng 1 phút kể từ lúc đứa trẻ bị bỏ lại ở thang máy.

Bảo mẫu mải dùng điện thoại khiến đứa trẻ 21 tháng rơi từ tầng 8 tử vong - 5

Vị bảo mẫu tự trách bản thân mình và sẽ chấp nhận hình phạt

Trước những câu hỏi chất vấn của truyền thông, vị bảo mẫu nói rằng cô thực sự đã vô cùng bất cẩn và gây ra hậu quả không thể khắc phục được nhưng cô không cố ý làm tổn thương đứa trẻ. Cô ra khỏi thang máy và bé chạm vào bảng điều khiển lúc nào cô không hay biết.

Vị bảo mẫu cũng cho biết, sau khi cửa thang máy đóng lại, cô đã rất bối rối và ngay lập tức bấm nút thang máy đi lên nhưng cô cần phải quan sát xem thang máy đi lên tầng bao nhiêu. Khi phát hiện thang dừng tầng 8, cô cũng đã lên đó nhưng không thấy cháu bé nên gọi cho anh Chen. Vị bảo mẫu này đã có 10 năm kinh nghiệm trông trẻ và phải vượt qua các vòng phỏng vấn từ phụ huynh mới bắt đầu nhận công việc.

Việc để con kẹt lại trong thang máy có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng không để xảy ra tình trạng thương tâm như em bé trên, ngay lúc này, các bậc phụ huynh cần dạy con cách xử lý khi bị kẹt lại trong thang máy.

Hướng dẫn trẻ cách đi thang máy

Trước tiên, điều quan trọng nhất đối với trẻ em khi đi thang máy là sự an toàn. Cha mẹ có trách nhiệm dạy con những điều cơ bản khi bước vào thang máy để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người trong thang.

- Chỉ bấm nút theo chiều muốn đi, không đùa nghịch bấm linh tinh khi chờ thang máy, nếu thấy cabin đã đủ người dạy con nên kiên nhẫn chờ chuyến sau.

- Khi bước vào thang máy, bấm nút số tầng muốn đi rồi đứng về cuối thang, nhường chỗ cho những người vào sau, dạy con không đứng sát cửa thang, tránh trường hợp bị kẹp khi cửa thang đóng mở.

- Cha mẹ nên chỉ cho trẻ cách vị trí của bộ phận cảm biến và dặn trẻ tránh xa tuyệt đối. Bộ phận này thường được lắp đặt ở phía trên hoặc 2 bên cánh cửa để giúp cửa tự động đóng mở.

- Dạy con nhận biết các nút cứu hộ, chuông báo động trên bảng điều khiển để khi gặp trường hợp khẩn cấp, bé sẽ biết gọi trợ giúp từ bên ngoài.

- Dạy con tuyệt đối không sử dụng thang máy và đi cầu thang bộ trong các trường hợp khẩn cấp như hỏa hoạn để tránh mất điện dẫn đến kẹt thang.

- Dặn trẻ không chạy nhảy, đùa nghịch trong thang máy, không đu lên các tay vịn trong thang, biết nhường đường cho người ra vào thang máy, biết mở lời nhờ lối đi và nói lời cảm ơn với mọi người.

- Để an toàn nhất có thể, cha mẹ không để trẻ dưới 6 tuổi đi thang máy một mình, nắm tay trẻ khi ra vào thang máy.

Cách thoát hiểm khi trẻ gặp sự cố trong thang máy

Một số sự cố thang máy con có thể gặp phải, cha mẹ có thể nhắc trước cho bé:

- Thang máy đã đến tầng yêu cầu nhưng cửa thang bị kẹt không mở ra được.

- Thang đang di chuyển bỗng dừng đột ngột do mất điện hoặc lỗi hệ thống điều khiển.

- Thang máy chạy với tốc độ nhanh hơn bình thường, di chuyển ngược hướng điều khiển hoặc không dừng đúng tầng muốn đi.

- Thang máy rơi tự do do hệ thống tời thang gặp sự cố (trường hợp này rất ít khi xảy ra).

Khi gặp một trong những trường hợp trên, cha mẹ cần dạy con những kỹ năng cơ bản để có thể xử lý được tình huống, thoát ra khỏi thang máy một cách an toàn nhất.

- Trước tiên, điều quan trọng nhất bạn phải dạy con là GIỮ BÌNH TĨNH, không được khóc hay la hét. Để củng cố tâm lý cho các con, cha mẹ nên nói với con rằng, rất ít trường hợp có người chết trong thang máy và chúng ta có thể thoát ra một cách an toàn nếu các con không hoảng loạn.

Nếu sợ, các con có thể hít thở sâu, giữ trật tự và ngồi xuống để lấy không gian hít thở. Nếu đi cùng em, hai con hãy nắm tay nhau và bình tĩnh chờ cứu hộ đến.

- Thứ 2, dặn trẻ BẤM NÚT MỞ CỬA khi thang máy dừng đột ngột. Nếu nút đóng mở không có tác dụng, hãy bấm chuông báo động gọi cứu hộ hoặc tìm cách liên hệ với người bên ngoài như gọi to, gây sự chú ý bằng cách đập tay vào cửa thang để thông báo sự cố.

- Thứ 3, dạy con CHỜ ĐỢI thang máy hoạt động trở lại hoặc chờ cứu hộ tới. Các thang máy ngày nay đều có bộ cứu hộ tự động Automatic Rescue Device (ARD) giúp đưa thang về tầng gần nhất để người bị kẹt có thể ra ngoài nhờ hệ thống tích điện.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hệ thống này bị hỏng nên người bị kẹt chỉ có thể chờ đợi sự trợ giúp từ bên ngoài. Trong quá trình chờ đợi, dạy con tuyệt đối không trèo lên nóc cabin, cạy cửa thoát hiểm. Nếu thang máy bị rơi tự do, cần nằm xuống sàn nhà ngay lập tức, tốt nhất là ở chính giữa thang máy để phân bố đều lực rơi lên toàn bộ cơ thể, tránh tối đa thương tích gặp phải. Dùng tay ôm đầu và mặt để tránh bị thương.

Tựu chung lại, 3 nguyên tắc quan trọng nhất cha mẹ cần dạy con khi bị kẹt trong thang máy là Bình tĩnh – Bấm chuông  -  Chờ đợi, 3 nguyên tắc này đều được các chuyên gia hàng đầu về cứu hộ thang máy khuyên áp dụng.

Hồ Ngọc Hà xót xa khi con gái ngã sấp mặt, xước hết mặt mũi
Trong lúc vui đùa quá khích, bé Lisa đã bị ngã khiến mẹ Hà xót xa.

Tai nạn trẻ em

Theo Chi Chi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tai nạn trẻ em